Chân dung ông Nguyễn Lê Quốc Anh: thành viên HĐQT độc lập mới của VNG, cựu CEO Techcombank
Ông Nguyễn Lê Quốc Anh |
Đầu tháng 12, công ty cổ phần VNG đã công bố các tờ trình họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2022 theo hình thức lấy ý kiến bằng văn bản. Đây là động thái mới của VNG trước khi đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM.
Cụ thể, VNG đã xin ý kiến cổ đông về việc miễn nhiệm 3 thành viên cũ và bầu bổ sung 4 thành viên Hội đồng quản trị gồm bà Christina Gaw, ông Võ Sỹ Nhân, ông Edphawin Jetjirawat và ông Nguyễn Lê Quốc Anh.
Ông Nguyễn Lê Quốc Anh sinh năm 1966. Ông tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Kinh tế lượng tại Đại học bang California, East Bay (Mỹ) và Tiến sĩ chuyên ngành Kĩ sư Hạt nhân tại Đại học Purdue (Mỹ).
Từ năm 22 tuổi, ông Quốc Anh đã là Kĩ sư hạt nhân tại công ty Pacific Gas and Electric Co. Sau đó 5 năm, ông chuyển sang làm Kĩ sư nghiên cứu thuộc Phòng thí nghiệm Quốc gia ARGONNE tại Mỹ.
Đến tháng 9/2000, ông chuyển hướng trở thành Tư vấn cao cấp ở Phòng Công nghệ Kinh doanh tại Công ty McKinsey & Company tại Mỹ.
Ông bước chân vào lĩnh vực ngân hàng vào năm 2006. Khi đó, ông giữ chức vụ Giám đốc Chiến lược và Phát triển Ngân hàng Wells Fargo, một công ty dịch vụ tài chính toàn cầu của Mỹ có trụ sở tại San Francisco, California.
Đến tháng 5/2015, ông trở về Việt Nam và làm Giám đốc khối Chiến lược và phát triển ngân hàng Techcombank. Từ tháng 9/2016, ông chính thức được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Techcombank.
Tháng 9/2020, sau 5 năm gắn bó với Techcombank, ông đã xin từ chức vị trí Tổng Giám đốc theo nguyện vọng cá nhân.
Hiện tại, ông là thành viên HĐQT độc lập mới của VNG Corporation, doanh nghiệp do ông Lê Hồng Minh và ông Bryan Pelz đứng đầu. Đây là một công ty công nghệ, được thành lập năm 2004. Bốn lĩnh vực kinh doanh chính của VNG bao gồm trò chơi trực tuyến, nền tảng, thanh toán kỹ thuật số và dịch vụ đám mây. Công ty có trụ sở tại TP.HCM, với doanh thu năm 2017 được công bố là 4,266 nghìn tỷ VND.
Năm 2020, doanh thu thuần của VNG đạt 6.024 tỷ đồng, tăng 16,3% so với năm 2019. Lợi nhuận trước thuế giảm 40% tương đương 255 tỷ đồng và sau thuế giảm lần lượt 57% tương đương 261 tỷ đồng so với năm 2019.
Về kết quả kinh doanh mới nhất, VNG đã công bố mức lỗ ròng trong quý 3/2022 gần 138 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái đạt lãi gần 15 tỷ đồng. Được biết, cuối tháng 9/2022, doanh nghiệp này đã đầu tư vào CTCP Zion (đơn vị sở hữu ZaloPay) hơn 2.56 ngàn tỷ đồng. Có thể thấy, kết quả kinh doanh VNG thời gian qua luôn bị bào mòn bởi khoản lỗ tại Zion. Năm ngoái, ví điện tử Zalopay này đã tạo nên mức lỗ kỷ lục trong chuỗi thời gian kinh doanh dưới giá vốn liên tục từ năm 2016, tương ứng mức lỗ khoảng 1.212,5 tỷ đồng. Đây vốn được xem là mảng "đốt tiền" của VNG trong thời gian qua.
Mức đầu tư này tăng 680 tỷ đồng so với đầu năm nhưng không thay đổi so với ngày 30/06. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã trích lập thêm 214 tỷ đồng vào đơn vị này (cuối quý 2, tổng trích lập gần 2.06 ngàn tỷ đồng).
VNG cũng đầu tư vào trang thương mại điện tử Tiki, Got It và EcoTruck - công ty công nghệ trong lĩnh vực vận tải hàng hóa.
Nhiều chuyên gia nhận định VNG có nhiều điểm tương đồng với Sea Group - một công ty game và thương mại điện tử của Singapore. Đây cũng là công ty do ông chủ Shopee Forrest Li sáng lập. Sea Group cũng xuất phát điểm từ công ty phát hành game sau đó mở rộng sang các lĩnh vực khác như thương mại điện tử và thanh toán online.
Năm 2022, VNG dự kiến đạt doanh thu hơn chục nghìn tỷ đồng, con số này tăng hơn 33% so với năm 2021, nhưng có thể lỗ nặng khoảng 993 tỷ.
Cuối năm ngoái, Bloomberg đưa tin VNG cân nhắc kế hoạch huy động vốn mới trước khi niêm yết tại Mỹ. Cũng theo hãng tin này, thông qua việc sáp nhập ngược với một SPAC, VNG muốn niêm yết cổ phiếu ra công chúng tại Mỹ. Giao dịch trên được SPAC này ước tính, nếu diễn ra, có thể định giá VNG ở mức 2-3 tỷ USD.
Nguồn:Chân dung ông Nguyễn Lê Quốc Anh: thành viên HĐQT độc lập mới của VNG, cựu CEO Techcombank