Chênh lệch giữa thu nhập và giá nhà ở TP.HCM và Hà Nội quá cao
Xác định thuế TNDN khi có các khoản lỗ, lãi do chênh lệch tỷ giá Điện lực Bình Dương phản hồi về chênh lệch giá các thiết bị CNTT ra sao? |
Cụ thể, TP.HCM, trung tâm kinh tế của Việt Nam, giá trung bình một căn hộ là 296.000 USD (hơn 7 tỉ đồng), trong khi đó thu nhập trung bình của một hộ gia đình ở mức 9.120 USD/năm. Theo tính toán của ULI, chỉ số chênh lệch giữa giá nhà và thu nhập tại TP.HCM đang ở mức 32,5, cao thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Thẩm Quyến (35), thậm chí cao hơn Bắc Kinh (29,3), Thượng Hải (24,1) và Hồng Kông (26,5).
Trong khi đó, ở Hà Nội, giá trung bình một căn hộ khoảng 7 tỉ đồng, với mức thu nhập trung bình của một hộ gia đình là 9.967 USD/năm. Chỉ số chênh lệch giữa giá nhà và thu nhập tại Hà Nội là 18,3, cao hơn Seoul (17,3), Tokyo (16,1) và Singapore (13,7).
Theo đánh giá của ULI, việc sở hữu một ngôi nhà là mong muốn chính đáng của người dân ở mỗi quốc gia và được các Chính phủ chú trọng đưa ra nhiều giải pháp khác nhau để giải quyết bài toán nhà ở. Tại các đô thị lớn của Việt Nam như Hà Nội và TP.HCM, khả năng chi trả cho nhà ở, dù là thuê hay mua, là một thách thức lớn, đòi hỏi sự can thiệp của Chính phủ ở nhiều khía cạnh.
Một nghiên cứu của Savills TP.HCM cũng cho thấy, đến nay, giá bán căn hộ trung bình tại TP.HCM là 125 triệu đồng/m2. Mức giá này chênh lệch đến khoảng 30 lần so với mức thu nhập trung bình của người dân thành phố chỉ khoảng 15 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập đó, người dân nếu có khả năng tiết kiệm 40 - 50%/tháng thu nhập thì vài chục năm mới có thể mua được nhà, trong trường hợp không sử dụng tín dụng hoặc không có nguồn trợ giúp nào từ người thân.
Trên bình diện cả nước, Bộ Xây dựng tính toán, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 của người dân Việt Nam là 135 triệu đồng/năm. Nếu dùng toàn bộ thu nhập để mua căn hộ chung cư sẽ mất 23,3 năm. Con số này tương đương với Thái Lan, Hàn Quốc, trong khi thu nhập của Việt Nam thấp hơn hai nước trên. Các nước cùng khu vực như Indonesia mất 18,5 năm, Singapore là 15,5 năm, Malaysia (8,1 năm)...
Ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản TP.HCM, từng tính toán nếu một người trẻ thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng, muốn mua căn nhà khoảng 1,5 tỉ đồng phải tích cóp trong 20 năm. Bởi, để có thu nhập 15 triệu đồng/tháng, người trẻ phải chi ra 9 triệu đồng làm sinh hoạt phí. Như vậy còn dư 6 triệu đồng/tháng thì 1 năm dư được 72 triệu đồng. Nếu muốn mua căn hộ khoảng 1,5 tỉ đồng, người trẻ phải mất khoảng 20 năm. Tuy nhiên, lúc đủ tiền mua nhà, giá nhà có khi không còn ở mức 1,5 tỉ đồng/căn hoặc đã tăng gấp mấy trăm phần trăm.
Do vậy, để mua được nhà, ông Phạm Lâm bày cách: Đầu tiên phải ở thuê, tiến tới mua căn hộ ở xa với diện tích nhỏ, khi tích trữ được tiền sẽ đổi nhà gần và diện tích lớn hơn. Đồng thời phải chấp nhận đi xa, sau đó từ từ... tiến về trung tâm.
Để hỗ trợ cho người dân mua được nhà, nhất là người trẻ, ông Phạm Lâm đề xuất Chính phủ phải có chương trình nhà ở cho người lần đầu tiên sở hữu nhà mang tính vĩ mô chứ không phải các chương trình giải cứu mang tính chất tạm thời. Chính phủ cần có những chính sách giúp các dự án nhà ở xã hội giảm bớt thủ tục hơn nữa để doanh nghiệp tham gia. Bên cạnh đó, xem xét vấn đề quy hoạch và dành quỹ đất để xây loại hình nhà ở vừa túi tiền hoặc chương trình mua nhà ở lần đầu cho người dân; làm sao tỷ lệ tăng lương phải nhanh hơn mức tăng giá của bất động sản thì may ra người dân mới mua được nhà.
Nguồn: Chênh lệch giữa thu nhập và giá nhà ở TP.HCM và Hà Nội quá cao