Chính sách nào để phát triển trung tâm nhiên liệu xanh ở Trung Quốc?
Hồng Kông đang hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm cung cấp nhiên liệu xanh dựa trên hydro cho vận tải hàng hải và hàng không. Ảnh: THX/Dickson Lee |
Theo Leo Yang Xiaohu, Tổng Giám đốc của CIMC Enric Holdings, Chính phủ cần thực hiện các bước đi táo bạo nhằm tạo điều kiện thúc đẩy nhu cầu và thu hút các doanh nghiệp có tiềm năng công nghệ đầu tư vào các dự án thí điểm và cơ sở hạ tầng trong thành phố, từ đó thúc đẩy việc sử dụng hydro, metanol và amoniac không phát thải được sản xuất từ nguyên liệu tái tạo.
Công ty niêm yết ở Hồng Kông đã xây dựng trạm tiếp nhiên liệu hydro đầu tiên trong thành phố và cơ sở hạ tầng liên quan, đồng thời triển khai hệ thống xe buýt hai tầng chạy bằng nhiên liệu hydro. Đây là một trong 14 dự án thí điểm được chính phủ phê duyệt để chứng minh tính hiệu quả và an toàn của hydro trong nhiều bối cảnh khác nhau.
Ông nói: “Chúng tôi cần nhiều dự án thiết thực hơn về việc sử dụng hydro ở Hồng Kông. Chúng tôi cũng cần sự hỗ trợ từ chính phủ và các đối tác để thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sạch”.
Ông nói thêm, điều này không chỉ liên quan đến vấn đề thiết bị mà còn nhiều yếu tố khác, vì cả chính phủ và những chuyên gia trong ngành đều cần tìm ra nguồn cung hydro xanh, chi phí, hậu cần và các quy định.
Hai tháng trước, Chính phủ Hồng Kông đã công bố chiến lược thúc đẩy sử dụng hydro bằng cách cải thiện các quy định, đặt ra tiêu chuẩn, hỗ trợ đào tạo nhân tài và hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng.
Kế hoạch được đề ra sau khi Bộ trưởng Tài chính Paul Chan Mo-po hồi đầu năm nay cho biết Chính phủ sẽ công bố kế hoạch hành động để biến Hồng Kông thành trung tâm tiếp nhiên liệu hàng hải xanh. Chính phủ cũng đang tiến hành một nghiên cứu để cung cấp metanol xanh cho các tàu địa phương và tàu biển.
Bộ trưởng cho biết sẽ có kế hoạch đơn giản hóa thủ tục phê duyệt vận chuyển và lưu trữ nhiên liệu hàng không bền vững (SAF), nhằm khuyến khích nhiều hãng hàng không nước này sử dụng SAF.
Metanol và amoniac có nguồn gốc từ hydro xanh, một loại nhiên liệu không phát thải được sản xuất bằng nguyên liệu và năng lượng tái tạo.
Cơ quan quản lý sân bay Hồng Kông sẽ đưa ra khuyến nghị về các biện pháp chính sách và đầu tư cơ sở hạ tầng cho SAF sau khi hoàn thành quá trình nghiên cứu trong quý 3 năm nay.
Matthew Walden, đối tác về khí hậu và tính bền vững tại Deloitte, cho biết thành phố này có tiềm năng trở thành trung tâm cung cấp SAF nếu có thể đảm bảo đủ nguyên liệu từ Trung Quốc đại lục hoặc nước ngoài. Ông phụ trách tư vấn cho các chính phủ về chính sách và phương pháp đầu tư vào quá trình khử carbon.
Ông lưu ý rằng rào cản chính ở Hồng Kông và đại lục trong việc áp dụng SAF là thiếu các yêu cầu mang tính bắt buộc và không có cơ chế mua sắm tự nguyện để bù đắp lượng khí thải carbon từ các chuyến bay.
Singapore đi trước Hồng Kông về việc hoạch định chính sách SAF và sở hữu nhà máy sản xuất SAF lớn nhất châu Á. Vào tháng 2, quốc gia Đông Nam Á này đã công bố kế hoạch hành động nhằm phát triển thành trung tâm hàng không bền vững, bao gồm đặt mục tiêu và thuế SAF, tập trung mua sắm và hỗ trợ sản xuất SAF trong nước và khu vực.
SAF có thể giúp cắt giảm 80% lượng khí thải carbon dioxide ngành hàng không, có thể được sản xuất từ dầu thải, rác thải đô thị và cây trồng phi lương thực.
Yang của CIMC cho biết nếu Chính phủ Hồng Kông và các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án sản xuất hydro trong khu vực, điều này có thể đảm bảo nguồn cung dài hạn và giúp thành phố hiện thực hóa tham vọng của mình.
Ông nói: “Chúng tôi sẵn sàng hợp tác để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu xanh của Hồng Kông”.
CIMC Enric đang xây dựng một nhà máy metanol xanh thí điểm ở Trạm Giang, phía Tây Quảng Đông, sử dụng chất thải từ ngành công nghiệp giấy và bột giấy.
Yang cho biết nhà máy dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào nửa cuối năm tới với công suất 50.000 tấn/năm và đề xuất công suất bổ sung là 200.000 tấn/năm.
Nguồn: Chính sách nào để phát triển trung tâm nhiên liệu xanh ở Trung Quốc?