Chủ động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai những tháng cuối năm
Dự báo mùa mưa bão năm 2024, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện từ 07-09 cơn bão/áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), trong đó có khoảng 03- 05 cơn đổ bộ vào đất liền và khu vực tỉnh Phú Yên chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp 01-02 cơn bão/ATNĐ; nắng nóng xuất hiện cục bộ khả năng kéo dài tới đầu tháng 8/2024; từ tháng 9-12/2024, đỉnh lũ các sông trên địa bàn tỉnh đạt mức báo động 2-3, các sông suối nhỏ có khả năng xuất hiện lũ lớn trên mức báo động 3, gây lũ quét, sạt lở đất, ngập úng vùng trũng thấp, khu đô thị và ven sông.
Để chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với các diễn biến bất thường của thiên tai trong các tháng cuối năm 2024, hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể tỉnh, các đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh về công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn; công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo thực hiện, sử dụng tổ chức bộ máy, trang bị phương tiện hiện có để tổ chức theo dõi, giám sát, chỉ đạo triển khai công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN); tham mưu UBND các cấp chỉ đạo phòng chống thiên tai theo đúng quy định pháp luật về phòng chống thiên tai kể từ ngày 01/7/2024 cho đến khi Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự được kiện toàn và đi vào hoạt động, không để gián đoạn trong công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành ứng phó sự cố, thiên tai, TKCN.
Trong những tháng cuối năm, tỉnh Phú Yên chủ động ứng phó, giảm thiệt hại do mưa bão. Ảnh: TL. |
UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống, ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2023 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 sát với tình hình thực tế địa phương; phát huy những ưu điểm, những chương trình, dự án, công việc mang lại hiệu quả thiết thực, đồng thời làm rõ nguyên nhân những mặt còn hạn chế, yếu kém để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục. Kiểm tra, rà soát, cập nhật, điều chỉnh kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai. Lồng ghép nội dung Kế hoạch phòng chống thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quy hoạch phát triển của ngành, lĩnh vực.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm chủ động tổ chức thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra trong phạm vi đơn vị mình; đồng thời phối hợp tham gia công tác phòng chống thiên tai và TKCN theo chỉ đạo, điều động của UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho cộng đồng triển khai thực hiện pháp luật về phòng ngừa, ứng phó thiên tai. Nâng cao nhận thức cộng đồng về các loại hình thiên tai, biện pháp phòng tránh; phổ biến kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong công tác phòng chống các loại hình thiên tai đến mọi tầng lớp nhân dân.
UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ” và “Ba sẵn sàng” để chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương có hiệu quả. Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện dự phòng theo kế hoạch; chủ động tổ chức huấn luyện, diễn tập các phương án sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, hiệu quả.
Cùng với đó, kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, các công trình khác ven sông, suối, ven biển, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn; kiên quyết tổ chức di dời hoặc có phương án chủ động chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân và cơ sở hạ tầng. Đa dạng hóa việc huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho hoạt động phòng, chống thiên tai và TKCN; chủ động sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định để phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân.
Các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện tổ chức thực hiện đúng theo quy trình vận hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy trong công tác vận hành, điều tiết cắt, giảm lũ và chậm lũ cho vùng hạ du. Tổ chức kiểm tra đánh giá các hạng mục công trình trước mùa mưa lũ; thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, tổ chức trực ban, kiểm tra công trình trong và sau mùa mưa lũ nhằm sớm phát hiện những nguy cơ gây mất an toàn công trình, đẩy nhanh công tác tu bổ và có biện pháp xử lý kịp thời, tránh để xảy ra sự cố.
Địa phương này cũng đồng thời triển khai ứng phó với tình hình nắng nóng kéo dài, nguy cơ thiếu nước cho sản xuất trong các tháng 7,8/2024. |
Ngoài ra, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Phú Yên: Dự báo từ nay đến tháng 8/2024, nắng nóng mở rộng và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn tỉnh với số ngày nắng nóng cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ, mức nhiệt độ cao nhất từ 38-40 độ C, nhiệt độ trung bình cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 1-1,5 độ C, tổng lượng mưa có xu hướng xấp xỉ đến thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 5-25%.
Trong điều kiện nắng nóng liên tục kéo dài và nguồn nước ngầm suy giảm, trong khi đó lượng mưa bị thiếu hụt nên có thể gây ra tình trạng khô hạn. Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình nắng nóng gay gắt kéo dài gây ra khô hạn cục bộ tại một số địa phương, có khoảng 1.500 hộ dân (ở các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa) thiếu nước sinh hoạt; trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ cháy rừng trồng với diện tích hơn 8,6ha.
Sở NN&PTNT, để ứng phó thời tiết nắng nóng kéo dài, các địa phương cần tuyên truyền để người dân chủ động sử dụng nước tiết kiệm, tổ chức nạo vét các kênh mương, ao hồ, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước nhằm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Các ngành chức năng và địa phương chuẩn bị xe bồn vận chuyển nước đến các điểm dân cư thiếu nước để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, đặc biệt là các vùng dân cư đồng bào dân tộc thiểu số.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm Luật Phòng thủ dân sự, Luật Đê điều, thủy lợi, xây dựng… và các chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về phòng, chống thiên tai. Các cơ quan chức năng cần nâng cao năng lực, chất lượng công tác dự báo, cảnh báo sớm, phát triển hệ thống mạng lưới quan trắc khí tượng, thủy văn; thông tin sớm và sâu rộng đến người dân để chủ động ứng phó thiên tai, không chủ quan lơ là, ỷ lại.
Nguồn: Chủ động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai những tháng cuối năm