Chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống thiên tai
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, trong năm 2023, trên địa bàn xảy ra 16 đợt thiên tai làm 8 người chết, 01 người bị thương, gây hư hỏng 1.612 căn nhà, thiệt hại 2.301 ha sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp, trên 4.641 con gia súc, gia cầm bị chết. Các nhà máy thuỷ điện: Hồ Bốn, Mường Kim, Ma Lừ Thàng bị sạt, bồi lấp bùn đất, ngừng vận hành. 132 cột điện bị gãy, đổ và có nguy cơ sạt lở, 12.500m dây điện bị đứt; 51 trạm di động BTS bị mất liên lạc và thiệt hại tài sản khác... Ước tính thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2023 khoảng 420 tỷ đồng.
Mặc dù tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, chuyển đổi mạnh mẽ công tác phòng chống thiên tai từ ứng phó thụ động sang chủ động phòng ngừa; tập trung nâng cao chất lượng dự báo thiên tai, song thực tế cho thấy, công tác phòng tránh thiên tai, lũ, lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại như một số địa phương, cơ quan và nhân dân còn chưa chủ động trong phòng chống thiên tai; việc chằng chống nhà cửa, tu sửa công trình trước mùa mưa bão chưa được coi trọng; nhận thức, kỹ năng phòng chống thiên tai của cộng đồng ở một số nơi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; công tác dự báo, cảnh báo thiên tai còn chưa sát thực tế…
Từ đầu năm đến nay, thiên tai cũng gây thiệt hại lớn cho nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Để thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024, tỉnh Yên Bái sẽ tập trung rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn các cấp; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kỹ năng, nhận thức về thiên tai đến đông đảo người dân; tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, đảm bảo thông tin liên lạc; tổ chức diễn tập phòng thủ dân sự, ứng phó cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn; tiếp tục đầu tư xây dựng mới các khu tái định cư tập trung; xây dựng nhà an toàn trước thiên tai đối với các khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng…
Tỉnh đã xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch theo Luật phòng chống thiên tai (PCTT), thường xuyên rà soát phương án, nhiệm vụ PCTT, tìm kiếm cứu nạn phù hợp với thực tế từng vùng, từng địa bàn. Hàng năm đều có phương án ứng phó các loại tình hình thiên tai trên địa bàn theo mức độ rủi ro. Đến nay, 173 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị xã, thành phố đều xây dựng và cập nhật kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai hàng năm. Lực lượng dự bị có trên 62.000 người sẵn sàng tham gia các hoạt động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn trên toàn tỉnh.
Đến nay, 173 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị xã, thành phố đều xây dựng và cập nhật kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai hàng năm. Ảnh: BYB. |
Trong 2 năm gần đây, Yên Bái đã triển khai hàng loạt các hoạt động nâng cao năng lực theo dõi, giám sát, cảnh báo thiên tai, ưu tiên đầu tư xây dựng công cụ, hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng. Hiện, toàn tỉnh đã có 142 trạm đo mưa tự động, 5 trạm đo thủy văn, 1 trạm đo cảnh báo lũ sông Hồng, 2 hệ thống cảnh báo sớm sạt lở đất. Vì vậy, năng lực dự báo, cảnh báo của các cơ quan chuyên môn được nâng lên rõ rệt, nhất là khả năng dự báo sớm về mưa, lũ đạt độ chính xác từ 80-85%.
Đặc biệt, tỉnh đã theo dõi, đánh giá thử nghiệm Hệ thống thông tin thời tiết và cảnh báo thiên tai ở 4 huyện, thị xã phía Tây. Đây là hệ thống có phần mềm kết hợp với công nghệ hiện đại trên thế giới để thu thập dữ liệu thời tiết, ảnh vệ tinh quan sát mặt đất, công nghệ GIS, viễn thám…, là công cụ quan trọng giúp Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh có thêm nguồn thông tin tin cậy, phục vụ công tác dự báo thời tiết và cảnh báo thiên tai chính xác, kịp thời hơn.
Bên cạnh đó, tỉnh đã xây dựng bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ lũ quét và trượt lở đất đá. Theo kết quả điều tra, Yên Bái có 2.326 điểm trượt lở; 2.333 công trình và cụm công trình thủy lợi, trong đó có 133 hồ chứa, 2.166 đập dâng. Tỉnh có hơn 1.300 hộ dân cần sơ tán khỏi khu vực nguy hiểm, tập trung nhiều nhất ở các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên, Văn Yên và thị xã Nghĩa Lộ.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, thời gian qua, các hồ chứa nước đã được nâng cấp, sửa chữa, đảm bảo yêu cầu về chất lượng, đủ dung tích phù hợp với những kịch bản phòng, chống thiên tai như đã dự báo. Ngoài ra, tỉnh đã khắc phục được hơn 500 điểm có nguy cơ sạt lở trên toàn hệ thống giao thông, đảm bảo cho các tuyến giao thông huyết mạch an toàn trong những mùa mưa bão gần đây. Trước mỗi mùa mưa bão, các địa phương trong tỉnh đều tổ chức rà soát, kiểm tra các công trình hồ chứa nước, tuyến đê, điểm xung yếu để lập bản đồ khoanh vùng cảnh báo các khu vực có nguy cơ cao; xây dựng phương án ứng phó rủi ro thiên tai theo từng cấp độ trên cơ sở dự báo từng loại hình thiên tai, đối với từng địa bàn cụ thể; chuẩn bị phương án di dời các hộ dân có nguy cơ cao đến khu vực an toàn khi thiên tai xảy ra.
Công tác diễn tập ứng phó với thiên tai được địa phương đẩy mạnh triển khai. |
Mùa mưa bão năm 2024 đã bắt đầu, dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp, bất thường. Các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá thường xuất hiện trong những tháng chuyển mùa. Từ tháng 5 đến tháng 7/2024 là tháng mùa mưa nên khả năng sẽ xảy ra ngập úng ở vùng thấp, lũ ống, lũ quét ở vùng cao, ven các sông, suối sạt lở đất đá… Từ tháng 7 đến tháng 10/2024, thường ảnh hưởng của bão, hoàn lưu bão. Cuối tháng 12/2024, rất dễ xảy ra sương muối, băng tuyết…
UBND tỉnh xác định, nhiệm vụ cần đẩy mạnh triển khai là khắc phục những tồn tại, hạn chế đã nêu trên và phải vào cuộc một cách tích cực có trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân ở từ cấp thôn, bản. Mỗi người dân, gia đình phải ý thức rõ và tự bảo vệ người và tài sản của mình; mùa bão lũ cũng phải tự chằng chống, gia cố nhà cửa, ngày mưa không lên đồi, không vào rừng làm nương và ngủ lại nương rẫy, không ra sông suối đánh cá, vớt củi…
Đầu tháng 5/2024, tỉnh đã ban hành kế hoạch số 112/KH-UBND về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai. Mục đích nhằm nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống thiên tai, sẵn sàng các phương án ứng phó. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin truyền thông, nâng cao năng lực cộng đồng; tạo sự đồng thuận, ý thức chủ động của nhân dân. Cổ vũ tinh thần nhân dân, cán bộ, chiến sĩ trong công tác phòng, chống thiên tai.
Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 112/KH-UBND, Sở TN&MT cũng có văn bản số 1199/STNMT-TNN, KTTV&BĐKH yêu cầu các phòng, đơn vị thuộc Sở, Phòng TN&MT các huyện, thị xã, thành phối tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2024. Theo đó, các đơn vị cần tích cực tuyên truyền các quy định của pháp luật về công tác phòng, chống thiên tai, kiểm tra xử lý vi phạm; hướng dẫn nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai cho các nhóm đối tượng trong cộng đồng. Chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị và nhu yếu phẩm tại cơ quan, cộng đồng.
UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật Phòng chống thiên tai, Luật Đê điều, các nghị định, văn bản luật liên quan đến công tác phòng chống thiên tai. Rà soát, kiện toàn ngay Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn các cấp, phân công nhiệm vụ, quy trách nhiệm cụ thể đến từng bộ phận, thành viên, đảm bảo triển khai kịp thời khi có sự cố xảy ra. Chú trọng, nâng cao năng lực chỉ huy, điều hành của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn cấp cơ sở. Căn cứ tình hình của địa phương, đơn vị, rà soát, cập nhật kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai và phù hợp với thực tế tại địa phương. Ưu tiên nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác phòng chống thiên tai ở cơ sở.
UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tổ chức các đoàn kiểm tra, rà soát các điểm có nguy cơ cao, chủ động di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ. Tăng cường dự báo, cảnh báo, thông tin liên lạc nhằm đảm bảo thông tin nhanh nhạy, kịp thời, chính xác, thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban theo quy định. Đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức nâng cao nhận thức cho người dân trong chủ động phòng chống thiên tai...
Yên Bái đang nhanh chóng hoàn thiện cơ chế chỉ đạo, điều hành, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai từ tỉnh đến cơ sở, bảo đảm linh hoạt, hiệu quả, đồng bộ, trong đó có Đề án xây dựng và ban hành quy định chính sách về tổ chức; chính sách xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ứng phó sự cố thiên tai.
Ngoài ra, tỉnh xây dựng phương án huy động nhân lực từ lực lượng vũ trang, nhất là các đơn vị quân đội đóng chân trên địa bàn; chỉ đạo ngành Y tế bố trí đủ lực lượng y, bác sĩ thường trực tại các huyện, sẵn sàng tăng cường cho tuyến xã; đảm bảo đẩy đủ thuốc men, vật tư y tế, đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và xử lý môi trường trong và sau thiên tai.
Nguồn: Chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống thiên tai