Chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do sạt lở bờ sông
Là tỉnh đầu nguồn Đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt, trong đó nhiều đoạn sông cong có nền đất yếu, dễ bị xâm thực, nhiều khu vực trên địa bàn An Giang liên tục xảy ra sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch cả về quy mô, tần suất khi đang vào cao điểm mùa mưa.
Theo Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 129 vụ sạt lở, răn nứt, sụt lún đất bờ sông, kênh, rạch, với tổng thiệt hại về đất hơn 12,79 tỷ đồng. Trong đó, các địa phương có tình hình sạt lở diễn biến phức tạp, gồm: An Phú, Chợ Mới, Tân Châu, Châu Phú…Hiện nay, các địa phương đầu nguồn như huyện An Phú và TX. Tân Châu đang đối mặt với hiện tượng sạt lở diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến điều kiện giao thông và đời sống người dân.
Hiện nay, các địa phương đầu nguồn như huyện An Phú và TX. Tân Châu đang đối mặt với hiện tượng sạt lở diễn biến phức tạp. |
Trong 9 tháng của năm 2024, huyện An Phú ghi nhận số vụ sạt lở cao với 18 vụ sạt lở bờ sông, bờ kênh trên địa bàn 6 xã, thị trấn như: Khánh Bình, Quốc Thái, Phú Hữu, Vĩnh Lộc, Vĩnh Hậu và thị trấn Long Bình. Các vụ sạt lở ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công trình, cơ sở hạ tầng, giao thông đi lại, tài sản của người dân. Trong đó, khu vực sông Hậu qua địa bàn An Phú ghi nhận 7 điểm sạt lở, sông Bình Ghi 3 điểm sạt lở và 8 điểm sạt lở còn lại xảy ra tại các bờ kênh Cỏ Lau, Vĩnh Lợi, Bảy Xã…,
Hằng năm, Tân Châu liên tục xảy ra sạt lở, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Từ ngày 4 - 20/9, tại thị xã Tân Châu ghi nhận 3 điểm sạt lở tại tuyến đê bờ Bắc kênh Xáng (xã Tân An), đê 26/3 (xã Châu Phong) và bờ kênh K5 (phường Long Sơn). Trong đó, tuyến đê bờ Bắc kênh Xáng với chiều dài 6,2 km là tuyến đê xung yếu, với 787 hộ/2.478 nhân khẩu sinh sống dọc đê. Từ năm 2009 đến nay, tuyến đê bờ Bắc kênh Xáng xảy ra 20 đoạn sạt lở với chiều dài 225 m. Hiện, có 386 hộ dân bị ảnh hưởng sau các vụ sạt lở xảy ra; trong đó có 163 hộ phải di dời khẩn cấp.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, trong 9 tháng cảu năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 41 vụ sạt lở, sụt lún đất bờ kênh, rạch, với chiều dài 1.339 m, ảnh hưởng đến 34 căn nhà ở của người dân sống trong khu vực sạt lở. Ước giá trị thiệt hại về đất khoảng 880 triệu đồng. Nguyên nhân các vụ sạt lở được ngành chức năng An Giang xác định do nước lũ dâng cao tạo dòng chảy xiết, gây xói lở hai bên bờ và đáy sông, kênh, rạch. Bên cạnh đó, do nền đất yếu, mái bờ sông, kênh dốc đứng, các phương tiện thủy qua lại tạo sóng mạnh... làm tăng nguy cơ gây sạt lở.
Các lực lượng khắc phục thiệt hại do sạt lở trên địa bàn. |
Để ứng phó với tình hình sạt lở, các địa phương đã nhanh chóng huy động lực lượng khẩn trương khảo sát, vận động người dân cảnh giác, di dời khi cần tCác lực lượng khắc phục thiệt hại do sạt lở trên địa bàn.hiết. Tiến hành cắm biển cảnh báo nguy cơ, giảm tải trọng xe, hạn chế lưu thông, chặt tỉa cành cây... tại các khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở.
Theo UBND huyện An Phú, tại xã Phú Hữu, hiện có 2 điểm sạt lở đang diễn biến phức tạp thuộc khu vực bờ Đông sông Hậu và bờ Nam rạch Cỏ Lau. Với các điểm sạt lở này, UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Phú Hữu gia cố tạm thời bằng cách đóng cừ, chất chà. Đồng thời, tiến hành chặt, tỉa cành cây đổ ngã; dọn dẹp vật cản, cây đổ ngã phía bờ đối diện nhằm hạn chế dòng chảy xoáy hướng về phía bờ sạt lở, làm tăng thêm nguy cơ.
Tại TX.Tân Châu, với điểm sạt ở tại tuyến đê Bắc Kênh Xáng thuộc xã Tân An đã xảy ra trước đó gây ảnh hưởng đến đời sống người dân, UBND thị xã đã bố trí 26 hộ dân vào khu dân cư đường tránh sạt lở. Với điểm sạt lở vừa xảy ra vào ngày 20/9/2024 cũng trên tuyến đê này, UBND TX.Tân Châu đã phối hợp Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường đến khảo sát và xác định nguyên nhân gây ra sạt lở.
Để tiếp tục ứng phó hiệu quả với diễn biến của hiện tượng sạt lở, UBND TX.Tân Châu chỉ đạo các ngành, địa phương chủ động, tăng cường kiểm tra, rà soát các tuyến đê, khu vực nguy cơ để xử lý ngay theo phương châm “4 tại chỗ, 3 sẵn sàng” nhằm tránh thiệt hại về người, tài sản của nhân dân.
Năm 2024, qua đo đạc, quan trắc, Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang cảnh báo toàn tỉnh An Giang có 56 đoạn sông có nguy cơ sạt lở từ mức độ bình thường đến đặc biệt nguy hiểm. Trong đó, có 5 đoạn sông có nguy cơ sạt lở cao như: sông Tiền chảy qua xã Phú An (huyện Phú Tân), sông Hậu chảy qua xã Châu Phong (thị xã Tân Châu), sông Hậu chảy qua xã Bình Mỹ (huyện Châu Phú); sông Hậu, sông Vàm Nao chảy qua huyện Chợ Mới (từ xã Kiến An đến chợ xã Mỹ Hội Đông) và sông Hậu chảy qua xã Mỹ Hòa Hưng (thành phố Long Xuyên).
Tỉnh đang vào cao điểm mùa mưa với diễn biến thời tiết, thủy văn phức tạp. Vì vậy các địa phương cần tăng cường phòng, chống sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch; làm tốt việc điều tiết, phân luồng giao thông thủy, bộ để giảm tải trọng lên đường đê tại các khu vực có nguy cơ sạt lở. Đồng thời, các địa phương bố trí lực lượng, tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống công trình đê bao; kịp thời gia cố, khắc phục, đảm bảo an toàn công trình, sẵn sàng các phương án kịp thời ứng phó...
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang cho biết: Tỉnh sẽ thực hiện quan trắc, cảnh báo sạt lở định kỳ 2 lần/năm; tiến hành đo đạc, cảnh báo sạt lở đột xuất. An Giang cũng quan trắc, theo dõi diễn biến chất lượng nguồn nước lưu vực sông Mê Kông đoạn chảy qua địa phận tỉnh để cảnh báo sạt lở bờ sông đến các cơ quan chuyên môn có liên quan và nhân dân được biết.
Ngành Nông nghiệp sẽ tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra hệ thống đê bao, bờ bao bảo vệ sản xuất nhằm phát hiện và xử lý kịp thời nguy cơ xảy ra sạt lở đê bao, bờ bao theo phương châm "4 tại chỗ"; chủ động di dời người dân, nhà ở đến nơi an toàn khi có dấu hiệu xảy ra rạn nứt, sụt lún, sạt lở đất để đảm bảo an toàn tính mạng nhân dân. Đồng thời, các địa phương cần cắm biển cảnh báo, rào chắn, đèn báo tại các khu vực xảy ra rạn nứt, sạt lở; thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với người dân bị thiệt hại…
Lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương cần có giải pháp căn cơ, lâu dài trong việc ứng phó với sạt lở trên toàn tỉnh. Khi thực hiện các công trình chống sạt lở cần thực hiện đúng trình tự, thủ tục và quy định của pháp luật. Huy động nguồn lực tài chính cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Thực hiện xã hội hóa, phát huy tốt phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Đặc biệt, nghiêm cấm tình trạng tiêu cực, gây lãng phí và lợi ích nhóm. Trong mục tiêu bảo vệ bờ sông, bờ kênh, cần huy động toàn thể hệ thống chính trị địa phương và người dân cùng tham gia. Chủ động theo dõi diễn biến của thời tiết, kịp thời báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh khi có tình huống xảy ra để có phương án chỉ đạo kịp thời. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia phòng, chống thiên tai, sạt lở. Các địa phương phải quản lý tốt hành lang an toàn đường sông, làm cơ sở để thực hiện các biện pháp phòng, chống hiện tượng sạt lở trong thời gian tới.
Nguồn: Chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do sạt lở bờ sông