Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiệt hại do thiên tai
Hàn Quốc tham gia sáng kiến ứng phó với biến đổi khí hậu COP28: Nhiều quốc gia muốn học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu |
Nằm trong khu vực hạ lưu sông Hàn với lưu vực qua cả tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng có nguy cơ ngập lụt cao trong mùa mưa. Khi lũ xuất hiện do mưa lớn hoặc triều cường, khu vực sông hiện hữu, các sông nhánh cũ hoặc khu vực đầm lầy sẽ bị ngập lụt. Hiện tượng xói lở bờ biển có xu hướng phức tạp cả về quy mô và cường độ, gây thiệt hại lớn về tài nguyên đất, rừng, thủy sản, bãi tắm, môi trường, ảnh hưởng các ngành sản xuất nông nghiệp và thương mại, du lịch, dịch vụ của Thành phố, có tác động mạnh đến giao thông, hệ thống đê, kè biển.
Tình hình hạn hán và xâm nhập mặn phụ thuộc vào chế độ mưa và dòng chảy mùa khô, tập trung chủ yếu từ tháng 4 đến tháng 7 hằng năm. Với tác động của biến đổi khí hậu, hiện nay lượng mưa trong mùa khô trên địa bàn thành phố có xu thế thấp hơn trung bình nhiều năm, lại phân bổ không đều trong các tháng, gây nên tình trạng hạn hán.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình thiên tai, việc ứng phó với biến đổi khí hậu cần có sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, từ Trung ương đến cơ sở, với sự đồng hành hợp tác, chung tay của các tổ chức trong và ngoài nước, của doanh nghiệp và người dân, với những giải pháp ứng phó đủ mạnh, có tính khả thi cao với mục tiêu vì sự an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả do thiên tai gây ra.
UBND thành phố Đà Nẵng nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, thường xuyên phải đối mặt với bão, áp thấp nhiệt đới. Đồng thời là vùng hạ du của hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, địa hình có độ dốc lớn, lưu vực hứng nước, lũ về hạ du rất nhanh, thường xuyên gây ngập lụt ở vùng trung du và đồng bằng ven biển. từ năm 1998 đến nay, Đà Nẵng đã chịu ảnh hưởng của 41 cơn bão, 16 áp thấp nhiệt đới và 58 đợt lũ gây thiệt hại về tài sản, tính mạng của người dân, cơ sở hạ tầng và nông nghiệp bị phá hủy nặng nề với tổng thiệt hại ước tính hơn 10.000 tỷ đồng.
Trong đó, các cơn bão số 6 năm 2006 (bão Xangsane), cơn bão số 9 năm 2009 (bão Ketsana) và cơn bão số 11 (bão Nari) năm 2013 đổ bộ trực tiếp vào thành phố. Đặc biệt là trận mưa lớn lịch sử hồi tháng 10/2022 gây thiệt hại nặng nề về nhà cửa, tài sản của người dân và cơ sở hạ tầng trên phạm vi toàn thành phố, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất. Ngoài ra, hiện nay, thành phố còn có nguy cơ đối mặt với một số loại hình thiên tai nguy hiểm khác như sạt lở đất đá đồi núi, ngập úng lớn khu vực đô thị.
Thành phố Đà Nẵng hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố an toàn trong thiên tai với việc chủ động triển khai các giải pháp. |
Trước tình hình trên, thành phố Đà Nẵng đã chủ động ban hành và triển khai Đề án “Xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn trong thiên tai đến năm 2030” với nhiều giải pháp trong công tác ứng, phó với biến đổi khí hậu với mục tiêu bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân là trên hết cụ thể như đánh giá lại tổng thể hiện trạng, quy hoạch hệ thống thoát nước của thành phố với khả năng thoát của các trận mưa lớn theo lịch sử; xây dựng hành lang thoát lũ các tuyến sông trên địa bàn thành phố.
Rà soát, điều chỉnh phương án chống ngập đô thị và trung tâm cho phù hợp với thực tiễn hạ tầng, đô thị của thành phố; đánh giá mức độ ngập và khả năng chịu đựng tối đa của các khu dân cư, khu vực trũng thấp đối với từng trận mưa; xây dựng bản đồ ngập lụt khu vực đô thị. Xây dựng phương án di dời dân khỏi nơi nguy hiểm trong từng kịch bản thiên tai cụ thể. Chủ động mua sắm các trang thiết bị, phương tiện cứu hộ, cứu nạn phù hợp với nhu cầu và thực tiễn thiên tai của địa phương, nhất là tại các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết, không gian hẹp… Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ năng ứng phó thiên tai, nhất là công tác phòng, chống bão, lũ, ngập lụt cho người dân.
Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh đến mục tiêu chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tổn thất về người và tài sản của nhân dân và nhà nước; từng bước xây dựng quốc gia có khả năng quản lý rủi ro thiên tai, cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, tạo điều kiện pháttriển bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng.
Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, trong đó tập trung bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân khi bão, lũ, giảm 50% thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất so với giai đoạn 2011-2020; thiệt hại về kinh tế do thiên tai thấp hơn giai đoạn 2011-2020. Tổ chức, lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai được kiện toàn theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, phương tiện, trang thiết bị phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tiên tiến, hiện đại, ngang tầm với các quốc gia hàng đầu trong khu vực. Người dân được bảo đảm an toàn trước thiên tai, nhất là bão, lũ, sạt lở đất, lũ quét. Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, công trình phòng chống thiên tai, nhất là hệ thống đê điều, hồ đập, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão được nâng cao, đảm bảo an toàn trước thiên tai theo mức thiết kế, không làm gia tăng nguy cơ rủi ro thiên tai.
Hướng dẫn xây dựng nhà ở, công trình kết hợp sơ tán dân đảm bảo an toàn trước thiên tai, nhất là bão, lũ, ngập lụt được các ngành chức năng ưu tiên triển khai. Ảnh: HĐ. |
Trong đó, quy hoạch phòng chống lũ các tuyến sông có đê của thành phố Đà Nẵng được phân làm 5 vùng bảo vệ gồm: Vùng bảo vệ khu vực đô thị cũ, Vùng bảo vệ khu vực Tây Bắc, Vùng bảo vệ khu vực phía Đông, Vùng bảo vệ khu vực phía Nam, Vùng bảo vệ khu vực Hòa Vang. Giai đoạn 2021-2030, thành phố tập trung nguồn lực cải tạo nâng cấp các đoạn đê kè biển: Liên Chiểu (2,76 km); Liên Chiểu - Thuận Phước (15,03 km); Mân Quang (4,6 km); Sơn Trà - Điện Ngọc (chân núi Sơn Trà - Điện Ngọc, chiều dài 6,2 km), đồng thời, gia cố đê kè thuộc các hệ thống đê, kè. Ưu tiên cắm mốc cho các hồ lớn, hồ có tầm quan trọng với hoạt động phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường của thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn 2018 -2020, đến năm 2025 hoàn thành việc cắm mốc và công bố hành lang bảo vệ nguồn nước cho tất cả các hồ trên địa bàn Đà Nẵng.
Chủ động phòng, tránh, thích nghi với thiên tai, trọng tâm là chủ động phòng, chống bão, lũ, ngập lụt, hạn hán, sạt lở đất và sạt lở bờ sông, bờ biển. Tập trung thực hiện các giải pháp: Nâng cao chất lượng dự báo thiên tai, đặc biệt là dự báo sớm để chủ động ứng phó, nhất là đối với bão, mưa, lũ, ngập lụt, hạn hán. Xây dựng, củng cố hệ thống cảnh báo đa thiên tai, theo dõi và giám sát mưa, lũ, sạt lở đất, ngập lụt kết hợp với hệ thống cơ sở hạ tầng hiện có, trong đó ưu tiên hệ thống quan trắc kết hợp cảnh báo mưa, bao gồm cả đo mưa nhân dân và hệ thống theo dõi, giám sát tại các khu vực trọng điểm ngập lụt, ngầm, tràn. Hướng dẫn xây dựng nhà ở, công trình kết hợp sơ tán dân đảm bảo an toàn trước thiên tai, nhất là bão, lũ, ngập lụt; thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo, gia đình chính sách xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt.
Củng cố, nâng cấp bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước, đê biển, đê cửa sông, công trình thủy lợi, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Vận hành hiệu quả hồ chứa nước đảm bảo an toàn công trình, vùng hạ du, đồng thời phục vụ phòng, chống lũ, hạn hán, xâm nhập mặn nhất là các hồ chứa lớn như Hòa Trung, Đồng Nghệ,... Phân vùng rủi ro, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, nhất là khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến cấp xã, cập nhật bản đồ ngập lụt hạ du các hồ chứa ứng với các kịch bản xả lũ và vỡ đập, bản đồ ngập lụt do bão mạnh, siêu bão, bản đồ ngập lụt các lưu vực sông; xây dựng công trình phòng, chống lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực trọng điểm, xung yếu.
Chủ động di dời dân cư sinh sống tại khu vực ven sông, suối, sườn đồi núi, ven biển có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở, cản trở dòng chảy, khu vực thấp trũng bị ngập sâu. Tổ chức xây dựng, rà soát, diễn tập, triển khai phương án phòng chống thiên tai, đặc biệt là sơ tán dân cư khẩn cấp và khắc phục hậu quả khi xảy ra tình huống nguy hiểm tại những khu vực chưa thể di dời theo phương châm 4 tại chỗ. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc thù thiên tai, nhất là khu vực thường xuyên bị ngập lụt, hạn hán. Đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình thủy lợi đảm bảo an toàn với điều kiện BĐKH và phục vụ đảm bảo tưới 85%, cấp nước sinh hoạt và các dịch vụ khác....
Nguồn:Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiệt hại do thiên tai