Chủ động ứng phó với lũ kết hợp triều cường dâng cao
Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó mưa lũ tại các tỉnh Trung Bộ Đà Nẵng: Đường phố ngổn ngang sau khi bão số 4 đổ bộ |
Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Đồng Tháp, từ giữa tháng 8/2022, mực nước tại các nơi trong tỉnh có xu hướng tăng dần do ảnh hưởng của triều cường kết hợp với lượng nước từ thượng nguồn đổ về.
Đến ngày 13/10, mực nước tại khu vực phía Bắc sông Tiền ở trên mức báo động cấp I; trên báo động cấp III đối với khu vực phía Nam sông Tiền; giữa báo động II và báo động III đối với khu vực nội đồng... Nhiều khả năng lũ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp sẽ đạt đỉnh trong tháng 10/2022.
Nhằm chủ động ứng phó với lũ kết hợp triều cường vào các ngày tới, UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Ứng phó với Biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh) phối hợp Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh theo dõi diễn biến tình hình mưa lớn, lũ và triều cường. Thông báo kịp thời cho Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và nhân dân để có biện pháp chỉ đạo, ứng phó kịp thời.
Chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, công trình phòng, chống thiên tai, tổ chức bơm tiêu úng bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp; có kế hoạch sửa chữa, vận hành các trạm cấp nước tập trung nông thôn, đảm bảo chất lượng cấp nước sinh hoạt cho người dân trong trường hợp xảy ra ngập lụt kéo dài.
Tại Đồng Tháp, lũ kết hợp với triều cường ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Ảnh: N. Tài |
Các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động nông dân khẩn trương thu hoạch nhanh diện tích rau màu và lúa vụ Thu Đông năm 2022 nhằm hạn chế thiệt hại; lùi thời gian xuống giống vụ Đông Xuân 2022 - 2023 đến tháng 11/2022. Đối với các vườn cây ăn quả nếu đã đến thời kỳ thu hoạch cần tập trung thu hoạch sớm; xẻ mương, rãnh thoát nước để tăng tiêu thoát nước, kiểm tra hệ thống cống, bọng, tổ chức bơm tiêu úng bảo vệ an toàn cho các vườn cây ăn quả bị ngập úng.
Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp cắm biển báo, hướng dẫn giao thông tại các khu vực bị ngập, nhất là đoạn đường, tuyến phố khu dân cư thường xuyên bị ngập sâu và vị trí có nguy cơ sạt lở sau khi nước rút. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các đơn vị quản lý, khai thác phương tiện vận tải đường thủy nội địa, bảo đảm an toàn đối với phương tiện chở khách ngang sông; bố trí lực lượng, phương tiện tại những khu vực trọng điểm ngập úng để kịp thời tiêu thoát nước, sẵn sàng giải tỏa ách tắc giao thông.
Ngoài ra, các địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực sạt lở bờ sông, theo dõi thường xuyên diễn biến các khu vực đã xảy ra sạt lở và khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Tiến hành cắm biển cảnh báo, khoanh vùng sạt lở tại các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở tại những khu vực dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng… để nhân dân nắm, chủ động phòng tránh.
Trước đó, theo báo cáo nhanh của các địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp về tình hình ngập lụt và thiệt hại do lũ kết hợp triều cường, mưa lớn gây ra (ghi nhận từ ngày 08 - 12/10) đã làm cho trên 3.161 ha diện tích sản xuất nông nghiệp bị ngập lụt, trong đó diện tích bị ảnh hưởng là 3.052 ha; thiệt hại 115 ha (trong đó có 3,5 ha nuôi thủy sản), 02 ao cá, 83.000 chậu hoa kiểng...
Tại tỉnh Vĩnh Long, trong 2 ngày (13 và 14/10) triều cường đã làm ngập gần 530 căn nhà, 2 chợ và một trụ sở UBND xã. Hơn 20km đường giao thông thuộc tuyến trung ương và tuyến tỉnh bị ngập, tràn. Có 35 tuyến đê bao với tổng chiều dài 33,76km bị ngập và 25 đoạn đê bao bị sạt lở với tổng chiều dài hơn 625m…Về nông nghiệp, triều cường dâng cao khiến 250 ha lúa thu đông, trên 93 ha hoa màu, gần 150 ha cây ăn trái bị ngập trong nước. Thiệt hại ban đầu ước tính khoảng trên 2 tỷ đồng.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Ngay từ đầu năm ngành chức năng đã có cảnh báo sớm về tình hình triều cường năm nay, do đó các địa phương đã có chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó và thông tin đến người dân biết để có sự chuẩn bị, do đó tình hình thiệt hại do triều cường được hạn chế.
Triều cường dâng cao khiến nhiều tuyến đường nội đô tại Vĩnh Long ngập sâu. Ảnh: Tân Liễu |
Hiện các địa phương đang khẩn trương triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân khắc phục và thống kê thiệt hại, tiếp tục theo sát tình hình để gia cố kịp thời các vị trí xung yếu, giảm thiểu tối đa các thiệt hại trong đợt triều cường này. Dự báo từ nay đến cuối năm, tỉnh sẽ còn đối mặt với 5 đợt triều cường nữa, trong đó tập trung vào các đợt cuối tháng 11 và 12 , do đó các địa phương cần tích cực triển khai các giải pháp để ứng phó.
Theo đó, các địa phương cần tăng cường cảnh báo và di dời dân tại khu vực bờ sông kênh rạch có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở, chủ động phòng, chống ngập úng, vận hành các máy bơm thoát nước, nhất là ở khu dân cư, trường học, nuôi trồng thủy sản, vườn, hoa màu… Đồng thời, cần tổ chức lực lượng ứng trực kịp thời, sẵn sàng theo phương châm “4 tại chỗ” để xử lý ngay các sự cố sạt lở, đảm bảo an toàn.
Nguồn: Chủ động ứng phó với lũ kết hợp triều cường dâng cao