Chủ động ứng phó với thiên tai ngày càng bất thường, khốc liệt
Theo Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn, biến đổi khí hậu với nóng lên toàn cầu, nước biển dâng đang làm trầm trọng hơn các thiên tai thường xảy ra. Dưới tác động của biến đổi khí hậu các hiện tượng thời tiết cực đoan còn gia tăng về cường độ và tần suất. Việt Nam có bờ biển dài và nằm trong vùng giao tranh của các hệ thống gió mùa lớn nên thường xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, áp thấp nhiệt đới, rét hại, nắng nóng, khô hạn dài ngày, mưa lớn, lũ lớn.
Tại Việt Nam những năm qua liên tiếp xuất hiện bão mạnh cấp 12 trở lên trên biển Đông và đổ bộ vào đất liền, chỉ trong vòng 5-6 năm, nước ta đã hướng chịu khoảng 5-6 cơn bão trên cấp 12. Xu thế bão mạnh sẽ nhiều hơn, tác động đến đất liền cũng nhiều hơn. Hiện tượng El Nino và La Nina luân phiên thay đổi theo chu kỳ 5-7 năm cũng tác động đến thiên tai, thời tiết.
Những năm El Nino, bão ít nhưng thường xuất hiện các cơn bão mạnh, dị thường. Những năm La Nina bão nhiều hơn nhưng thường là bão yếu và nhanh. Ngoài ra, dưới tác động của biến đổi khí hậu, mưa lớn cực đoan, đặc biệt là mưa cường suất lớn trong thời gian ngắn xảy ra ngày càng nhiều. Xuất hiện các đợt mưa lớn 300-500mm trong vòng 6 giờ, hay như tại Quảng Ninh, mưa trong vòng vài ngày lên tới khoảng 2000mm.
Do ảnh hưởng của bão số 3, hoàn lưu sau bão gây mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nghiêm trọng tại các tỉnh miền núi phía Bắc. |
Mưa cực đoan xuất hiện theo xu thế mưa nhiều, mưa dài ngày, cường suất mưa rất lớn. Hậu quả tiếp theo là lũ quét, sạt lở đất, ngay cả vùng đô thị ven biển cũng có thể ngập lụt do mưa cường suất lớn. Cuối cùng là nắng nóng, liên tiếp các kỷ lục nắng nóng được xác lập trong những năm qua trên toàn cầu và Việt Nam.
Thông tin từ Phòng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai (Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến thời điểm này có thể khẳng định, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại rất lớn về người và của. Về người, bão lũ khiến 345 người chết và mất tích, thậm chí một số người mất tích đến nay vẫn chưa tìm thấy.
Về kinh tế, thống kế thiệt hại gần 82 nghìn tỷ đồng, đây cũng là thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay. Có thể so sánh với năm 2017 có nhiều bão đổ bộ, nhưng tổng thiệt hại khoảng 60 nghìn tỷ đồng. Có thể nói, sức tàn phá của cơn bão vừa qua là hết sức khủng khiếp và diện rộng.
Tính từ đầu năm đến nay có tới 501 người chết và mất tích do thiên tai, tăng 2,38 lần so với trung bình 10 năm gần đây. Kinh tế, thiệt hại gấp 4 lần so với trung bình 10 năm gần đây (trung bình năm các năm gần đây là khoảng 21 nghìn tỷ đồng/năm). Đối tượng tổn thương nhiều nhất là người dân sản xuất nông nghiệp...
Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn chọn cảnh báo sớm là giải pháp quan trọng để dự báo sớm thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Để có thêm số liệu phục vụ cho dự báo, cần tăng cường hệ thống radar, nhằm giảm bớt sai số. Phát triển mô hình hiện đại, công nghệ số, cảnh báo thông tin từ thiên tai, tự nhiên. Đây là công việc khổng lồ không thể có trong ngày một ngày 2 được. Xu thế tất yếu là ứng dụng cách mạng 4.0 đặc biệt AI trong loại hình cảnh báo sớm. Trong đó đồng thời sử dụng 1 lúc các sản phẩm khác nhau, hy vọng đưa ra được thông tin tin cậy nhất.
Nhà nước cần tập trung đầu tư hệ thống công nghệ cảnh báo sớm, nhất là phát triển mô hình hiện đại, công nghệ số, cảnh báo thông tin từ thiên tai, tự nhiên. Tăng cường hợp tác quốc tế và chia sẻ dữ liệu ở các nước. Tận dụng công nghệ tiên tiến các nước song phương và đa phương, đưa dữ liệu của Việt Nam vào mô hình hiện đại nhất của các nước trên thế giới. Đồng thời, ứng dụng các phương tiện, hiện đại trong việc truyền tin trong đó truyền tin dễ hiểu, nhanh nhất dễ nhất đến các đối tượng người dân; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành ngành khí tượng thủy văn.
Những thiệt hại trong đợt thiên tai vừa qua đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao năng lực chủ động ứng phó, giảm thấp nhất thiệt hại. |
Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho rằng, để nâng cao năng lực phòng tránh lũ quét, sạt lở đất cho người dân ở những vùng có nguy cơ cao sau khi có hệ thống các bản đồ hiện trạng, phân vùng nguy cơ, hiện trạng và khoanh vùng nguy cơ trượt lở đất đầy đủ ở tỉ lệ 1:50.000 và chi tiết hơn.
Đồng thời đề xuất, công tác chuyển giao, hướng dẫn sử dụng, tập huấn phải đến được ở cấp xã, cấp thôn bản và đến được người dân sống trong những vùng có nguy cơ về sạt lở đất, lũ bùn đá, lũ quét; phương pháp và tài liệu chuyển giao phải được phổ thông, dễ hiểu với chính quyền và người dân; hệ thống thông tin phải được cập nhật các cấp và có địa chỉ xử lý, ra quyết định ứng phó kịp thời, dự báo, cảnh bảo sớm về sạt lở đất, lũ quét.
Đối với người dân luôn luôn phải sẵn sàng ứng phó với các phương án mà địa phương đã đề ra, không nên chủ quan lơ là ngay cả trong tình hình thời tiết bình yên sau bão. Đặc biệt, những người sống trong khu vực cần theo dõi các dự báo, cảnh báo có tiềm năng về sạt lở đất, lũ quét, lũ bùn đá… được các cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp thông báo, cảnh báo trên các phương thông tin đại chúng về các hiện tượng như lượng mưa, thời gian mưa.../.
Nguồn: Chủ động ứng phó với thiên tai ngày càng bất thường, khốc liệt