Chủ tịch HĐQT THACO: Đầu tư kinh doanh đóng góp cho quan hệ hữu nghị lâu đời Việt-Lào
Thaco muốn đầu tư hơn 100.000 tỉ làm tổ hợp bô xít tại Lâm Đồng THACO đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ, gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt |
Chủ tịch HĐQT THACO Trần Bá Dương chia sẻ về quá trình đầu tư vào sản xuất nông nghiệp tại nước bạn Lào - Ảnh: VGP/Vũ Phong |
THACO xuất thân là một doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô. Qua quá trình phát triển, tập đoàn này đã mở rộng thêm ngành cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ dựa trên nền tảng quản trị công nghiệp. Đó là những bước đệm để THACO mở rộng đầu tư sang nông nghiệp.
Năm 2018, các dự án nông nghiệp của HAGL Agrico tại Lào gặp khó khăn. THACO đã tiếp quản, điều hành các dự án này, hình thành nên một mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Xung quanh hoạt động đầu tư của doanh nghiệp này tại nước bạn Lào, Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT THACO.
Sản xuất nông nghiệp quy mô lớn hướng đến tích hợp-tuần hoàn
Xin ông khái quát tình hình đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của THACO tại thị trường Lào hiện nay?
Ông Trần Bá Dương: Vào năm 2018, công ty nông nghiệp của HAGL là HAGL Agrico gặp khó khăn về tài chính và có mời tôi tham gia hỗ trợ. Tháng 8/2018, THACO đã đầu tư mua và sở hữu 27,63% cổ phần HAGL Agrico. Và đến tháng 1/2021, tôi được bầu làm Chủ tịch HĐQT của HAGL Agrico, từ đó THACO tiếp quản điều hành các dự án của HAGL Agrico tại Lào.
Tại nước bạn, sau thất bại của HAGL trong việc trồng cao su (do thổ nhưỡng), trồng chuối, nuôi bò (do không tính toán được về hạ tầng, điện, mặt bằng, cộng thêm dịch COVID-19), chúng tôi quyết tâm làm nông nghiệp quy mô lớn hướng đến tích hợp-tuần hoàn.
Chúng tôi đã nghiên cứu, rút kinh nghiệm từ những sai sót về quy hoạch, về đầu tư hạ tầng, như điện, nước, thủy lợi, nước tưới, hay cơ sở vật chất như nhà ở công nhân, các xưởng đóng gói và các yêu cầu về đầu tư đồng bộ khác để cho ra được mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo hướng tích hợp-tuần hoàn. Trong đó, các loại cây chuyên canh là cây chuối và dứa, ngoài ra còn nuôi bò sinh sản, bò thịt kết hợp với trồng các loại cây ăn trái khác như sầu riêng, bưởi…
Cụ thể, khu liên hợp nông nghiệp quy mô lớn theo hướng tích hợp-tuần hoàn này nằm trên tổng diện tích 27.384 ha tại tỉnh Attapeu và tỉnh Sekong. Trong đó, trồng chuyên canh cây ăn trái là 10.000 ha (8.000 ha chuối; 2.000 ha dứa); trồng cây ăn trái kết hợp chăn nuôi bò là 14.000 ha (5.000 ha cây ăn trái: xoài, bưởi, sầu riêng), quy mô đàn bò 210.000 con.
Ngoài ra, khu công nghiệp sản xuất-chế biến rộng 200 ha, gồm có cụm các nhà máy sản xuất vật tư nông nghiệp, cơ khí nông nghiệp; cụm các nhà máy sản xuất chế biến trái cây và nông sản; cụm văn phòng, tổng kho và trung tâm điều hành logistics.
Có thể nói mô hình chúng tôi đưa ra phù hợp với chiến lược phát triển của Lào, đó là cây nông nghiệp hữu cơ quy mô lớn. Vừa rồi, THACO đã đề xuất dự án đầu tư. Dự án này thành lập công ty mới trên cơ sở sát nhập 2 công ty của HAGL Agrico là Hoàng Anh Attapeau và Hoàng Anh Quang Minh với vốn đầu tư 750 triệu USD. Qua quá trình thẩm định dự án cũng như khảo sát tại thực địa, Chính phủ Lào đã chấp nhận dự án và sẽ trao giấy chứng nhận đầu tư cho THACO tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt-Lào tổ chức ở Hà Nội sắp tới.
Khu liên hợp của THACO mặc dù nằm rất xa Thủ đô Vientiane nhưng vẫn nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo cấp cao nước bạn. Đặc biệt, ngài Sonexay Siphandone khi còn là Phó Thủ tướng và giờ là Thủ tướng Lào cũng đã đến thăm mô hình của chúng tôi.
Hướng tới giá trị bền vững
Nền tảng là Tập đoàn công nghiệp mang lại lợi thế gì cho THACO trong đầu tư nông nghiệp, thưa ông?
Ông Trần Bá Dương: Có thể nói nông nghiệp quan trọng nhất là đầu ra và thứ 2 là quy mô sản xuất. Khi chúng ta tổ chức quy mô nhỏ lẻ thì quản trị trong sản xuất nông nghiệp có thể dễ nhưng ngược lại, để tìm kiếm đầu ra rất khó.
Với việc đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô lớn thì đòi hỏi phải quản trị công nghiệp và áp dụng quản trị công nghiệp cho toàn bộ chuỗi giá trị, từ giống đến làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch, tiêu thụ.
Ngoài ra, quy mô lớn thì buộc phải cơ giới hóa chứ chỉ có con người không thể đáp ứng được. Chúng tôi có tập đoàn thành viên chuyên về cơ khí và công nghiệp hỗ trợ để giúp nghiên cứu và thực hiện chương trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Đối với nông nghiệp quy mô lớn thì việc xây dựng cũng là vấn đề lớn. Phải xây dựng hệ thống hồ đập chứa nước, hệ thống thủy lợi, điện đường giao thông, các xưởng đóng gói trái cây tươi. Bên cạnh đó là sản xuất công nghiệp, như phân hữu cơ từ bò, sản xuất các vật tư nông nghiệp sử dụng trong sản xuất trồng trọt. Ngoài ra, còn có nhà máy chế biến trái cây không đạt tiêu chuẩn xuất tươi.
Khi nói đến nông nghiệp quy mô lớn thì không phải chỉ làm nông nghiệp với diện tích lớn, mà là một chuỗi sản xuất công nghiệp trong nông nghiệp, trong đó đối tượng là cây trồng vật nuôi.
Đơn cử như đầu tiên là phải nuôi bò sinh sản đến chăn, thả, vỗ béo. Chúng tôi dùng những trái cây thải loại cho bò ăn, dùng phế phẩm để làm chất độn chuồng, phân xanh rồi dùng phân bò để làm phân hữu cơ, sau đó dùng phân bón lại cho cây ăn trái. Ngay cả bồn chứa nước tưới chúng tôi cũng nuôi cá, vi sinh nước này và tiến tới từng bước không có thải loại trong nông nghiệp (no waste). Với quy mô lớn như thế thì sẽ hạn chế được chi phí vận chuyển rất lớn.
Trong sản xuất nông nghiệp, sự tích hợp tuần hoàn trong một khu vực quy mô lớn rất quan trọng. Chúng tôi phải tự làm trước để ra mô hình sản xuất - trồng trọt, từ đó xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ. Sau đó, chúng tôi sẽ hướng dẫn cho nông dân tham gia vào chuỗi giá trị này.
Quan điểm của THACO là đầu tư kinh doanh chỉ là một phần, quan trọng hơn là tạo ra được giá trị bền vững ở đất nước bạn. Đó cũng là sự đóng góp cho mối quan hệ hữu nghị lâu đời giữa hai nước Việt Nam và Lào.
Phát triển du lịch nông nghiệp trên đất bạn
Sau một thời gian hoạt động tại Lào, ông đánh giá thế nào về tiềm năng của thị trường này?
Ông Trần Bá Dương: Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực chủ chốt của kinh tế, chiếm gần một nửa GDP của Lào. 90% dân số Lào làm trong lĩnh vực nông nghiệp. Điều kiện tự nhiên tại nước bạn lý tưởng cho nông nghiệp với lượng mưa, khí hậu rất ổn định.
Ngoài ra, thổ nhưỡng đất đai ở khu vực Nam Lào phì nhiêu, thích hợp canh tác nông nghiệp, phát triển chăn nuôi gia súc. Chi phí chuyển nhượng đất đai, thuê nhân công còn tương đối thấp.
Lào cũng là đất nước có tài nguyên đất đai với mức độ tỉ lệ khai thác nông nghiệp còn thấp, tiềm năng phát triển nông nghiệp còn rất lớn. Môi trường sinh thái vẫn chưa bị phá vỡ, ô nhiễm nông nghiệp thấp. Do đó có rất nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển nông nghiệp sinh thái, thúc đẩy áp dụng công nghệ sinh học không sử dụng hóa chất, khai thác phát triển thị trường nông nghiệp sạch.
Trong tương lai, Lào tiếp tục là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Việt Nam nhờ dân số ổn định, trẻ (50% dưới 25 tuổi và 60% dưới 35 tuổi)… Lào đang có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư như lãnh đạo và người dân đều rất thân thiện; quỹ đất lớn, khí hậu tốt phù hợp phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Trong tương lai, THACO có kế hoạch làm du lịch nông nghiệp tại Lào. Cụ thể, sau khi hoàn thành khu sản xuất nông nghiệp lớn, người dân có thể vào tham quan, nghỉ dưỡng, một kiểu du lịch sinh thái.
Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone tiếp đoàn lãnh đạo THACO do ông Trần Bá Dương làm trưởng đoàn hồi tháng 10/2023 - Ảnh: THACO |
Nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư từ nước bạn
Nước bạn có những chính sách ưu đãi, khuyến khích nào đối với các nhà đầu tư như THACO nói riêng và các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, thưa ông?
Ông Trần Bá Dương: Lào đã ban hành Bộ luật Khuyến khích đầu tư (bản sửa đổi) có hiệu lực từ năm 2016, cơ bản tạo điều kiện tốt hơn cho môi trường đầu tư.
Chính phủ Lào còn áp dụng một số chính sách ưu đãi đặc biệt về miễn trừ hải quan và thuế thu nhập theo các điều kiện được quy định trong Luật Khuyến khích đầu tư. Đơn cử như lĩnh vực nhập khẩu các thiết bị không/chưa có tại Lào làm tài sản cố định tại Lào; sản xuất hàng hóa xuất khẩu và thiết bị, máy móc cơ khí phục vụ cho ngành công nông nghiệp... sẽ được hưởng thuế nhập khẩu, thuế VAT 0%.
Ngoài ra, một số chính sách đáng chú ý khác, bao gồm: Ưu đãi khuyến khích đầu tư theo vùng, ưu đãi về thuế lợi tức theo ngành kinh doanh và theo khu vực, ưu đãi tiền thuê đất, nhượng quyền sử dụng đất...
Lào sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư lớn của Việt Nam tham gia vào các lĩnh vực tiềm năng tại đây, dựa trên kinh nghiệm và năng lực trong xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Đồng thời, Lào sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển cơ sở hạ tầng kết nối hai nước, trong đó có các tuyến cao tốc.
Ngoài ra, năm 2015, Chính phủ hai nước đã ký Hiệp định Thương mại biên giới giữa Việt Nam-Lào. Theo nội dung Hiệp định, sẽ dành ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu 0% cho các loại hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam và Lào. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt đầu tư sản xuất, nuôi, trồng tại các tỉnh biên giới của Lào khi nhập khẩu về Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi 0% thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn:Chủ tịch HĐQT THACO: Đầu tư kinh doanh đóng góp cho quan hệ hữu nghị lâu đời Việt-Lào