Chủ tịch Intimex Group Đỗ Hà Nam: "Giữ được uy tín thì kinh doanh toàn cầu không khó”
Chủ tịch NextTech Group Nguyễn Hoà Bình và những "thương vụ bạc tỷ" trên sóng truyền hình Chân dung ông Nguyễn Ngọc Trọng, tân Chủ tịch Hãng Bamboo Airways |
Cuối năm 2021, Intimex Group kỷ niệm 15 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Với giá trị cốt lõi "Uy tín - Trách nhiệm - Chuyên nghiệp - Hiệu quả”, Intimex Group đã trở thành doanh nghiệp xuất khẩu gạo, cà phê nhân lớn nhất Việt Nam, xuất khẩu điều nhân, hồ tiêu sản lượng lớn vào 62 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Intimex Group - doanh nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cùng lúc với tập đoàn, Intimex Group kinh doanh thành công là do năng động, đầu tư chiều sâu và định hướng đột phá lợi nhuận với phương châm "uy tín là hàng đầu"...
* Tôi vừa được nghe ông nói với thuộc cấp qua điện thoại có một khách hàng cần ngay một lượng lớn cà phê nhân và yêu cầu trả lời trong mươi phút, nếu đủ thì báo lại...
- Đó là một khách hàng ở nước ngoài gọi điện đến. Không hiểu sao hôm nay họ đưa ra thời gian chốt hàng quá ngắn. Nhưng như nhà báo vừa nghe, cán bộ chuyên trách của tôi bảo sẵn sàng giao đủ hàng.
* Nếu Intimex Group không đủ lượng cà phê nhân gấp như vậy thì doanh nghiệp ấy có lấy hàng nơi khác, thưa ông?
- Doanh nghiệp ấy yêu cầu như thế chắc là có lý do khẩn. Trong các kho của Intimex Group hay kho của khách hàng thường xuyên của chúng tôi, từ cà phê, gạo, điều nhân, hồ tiêu luôn đủ hàng theo kế hoạch xuất khẩu. Đột xuất như đơn hàng vừa rồi cũng có cách giải quyết, do chúng tôi đã tiên liệu và chuẩn bị ứng phó với nhiều tình huống kinh doanh trong cơ chế thị trường.
* Nhắc đến cơ chế thị trường, theo ông thì có nên tổ chức "giải cứu nông sản" như nhiều năm qua?
- Theo tôi biết thì trên thế giới không nước nông nghiệp nào có hiện tượng "giải cứu nông sản" như ở Việt Nam. Mấy năm qua, những đợt "giải cứu nông sản" là cá biệt, không phải sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp, như chuối, mít, dưa hấu, thanh long... do đầu ra không ổn định, có vụ thừa ế đến mức phải bỏ đi. Có một hiện tượng ít ai để ý, đó là khi giá quá thấp, một số bà con thu gom gọi là "giải cứu nông sản", đánh vào tâm lý thương người để bán hàng chứ rất ít nông dân trực tiếp bán sản phẩm của mình.
Việt Nam đang xây dựng "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" thì vai trò của các cơ quan chức năng càng phải định hướng cho nông dân trồng trọt, chăn nuôi thế nào cho phù hợp với nhu cầu tiêu dùng, phải đưa ra dự báo thị trường ít nhất 6 tháng một lần. Tiếc rằng, đến nay công việc quan trọng ấy chưa được tiến hành, hoặc tiến hành nhỏ giọt.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Đất của nông dân nước ta quá ít, hộ nào nhiều cũng chỉ một vài hécta nên không tránh khỏi sản xuất manh mún, lại sản xuất theo phong trào, theo đám đông như chơi lướt sóng chứng khoán, nên "được mùa mất giá” và ngược lại, cứ lặp đi lặp lại.
Trước tình trạng kéo dài đã quá lâu ấy, mong Quốc hội sớm sửa Luật Đất đai sao cho vấn đề tích tụ ruộng đất dễ dàng để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sản xuất lớn. Quan trọng nữa, tổ chức thu mua nông sản của nông dân không gì tốt bằng xây dựng nhà máy chế biến. Được như vậy thì sẽ chấm dứt tình trạng "giải cứu".
* Nhưng chưa mấy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này...
- Có lợi nhuận, doanh nghiệp sẽ làm. Hiện nay đã có một số nhà máy đóng hộp, sấy khô hoạt động tốt. Muốn mở rộng chế biến một số loại rau củ quả cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, Nhà nước phải có chính sách ưu đãi như nhiều nước đã làm.
Chẳng hạn, Nhà nước xây kho bảo ôn rồi cho doanh nghiệp thuê trả chậm, không tính lãi, Nhà nước không cho vay lãi suất thấp mà cho vay dài hạn, không miễn giảm thuế mà cho chậm nộp thuế, chậm đến mức nào căn cứ vào doanh thu, có khi nhiều năm. Đầu tiên, doanh nghiệp liên kết với nông dân qua thu mua nguyên liệu, rồi dần đầu tư mở rộng vùng chuyên canh, nông dân trở thành cổ đông của công ty.
* Trong khi nước ta chưa có nền nông nghiệp hiện đại, làm thế nào Intimex Group mua được lượng lớn gạo và cà phê cùng một số nông sản khác chất lượng đảm bảo để xuất khẩu?
- Nước ta có những vùng chuyên canh lúa, cà phê, điều, tiêu... không nhỏ. Intimex có nhiều "bạn hàng ruột". Ngoài một số công ty chuyên thu mua nông sản của nông dân rồi sơ chế bán cho Intimex, chúng tôi còn có đội ngũ thương lái từ đồng bằng sông Cửu Long đến Tây Nguyên.
* Nói đến thương lái, tôi lại nghĩ về những người "nhọc nhằn mua mão bán đong"...
- Thương lái là những người lưu thông hàng hóa để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của đời sống, kể cả tư liệu sản xuất. Họ là một bộ phận của doanh nhân Việt Nam nên có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế thị trường.
Theo tôi, thương lái như cây đòn gánh, một đầu "gánh" với nông dân, đầu kia "gánh" với công ty, mà nếu không qua vai họ thì nông sản không thành hàng hóa. Vậy nhưng đã có một thời gian dài, tầng lớp thương lái bị gây khó dễ, thậm chí bị cấm hoạt động.
Từ khi nước ta xác định muốn phát triển và hội nhập với thế giới thì phải chuyển sang nền kinh tế thị trường, những từ ngữ như "trục lợi", "ép giá”, "ăn chặn", "tranh mua" được thay bằng sự nhìn nhận công bằng của xã hội về vai trò không thể thiếu của thương lái trong hệ thống phân phối không chỉ đối với nông sản, thủy sản mà còn với nhiều hàng hóa khác.
Ngoại trừ số ít làm ăn không đàng hoàng, hầu hết thương lái tổ chức thu mua của người sản xuất khá tốt. Nhiều thương lái không ngại vào tận đồng sâu, lên núi cao để mua gom hàng và đầu tư vốn cho người sản xuất. Càng đông thương lái, nông dân càng có cơ hội bán được hàng giá cao, doanh nghiệp mua được hàng giá cạnh tranh bởi thuận mua vừa bán.
Thời gian qua, tại nhiều hội nghị bàn về tiêu thụ hàng hóa, nhất là các loại nông sản, thương lái đã được nhắc đến một cách trân trọng. Hãy nhìn nhận vai trò của thương lái, khuyến khích họ tính toán lợi nhuận hợp lý để chia sẻ với nông dân, với doanh nghiệp. Song bù lại, họ cần được hưởng những cơ chế thuận lợi để phát huy sự linh hoạt trong mua và bán.
* Từ một doanh nghiệp chuyên về thương mại trong nước, năm 2016 đến nay, Intimex Group xuất khẩu cà phê nhân đứng đầu Việt Nam và thế giới, năm 2021 đến nay trở thành doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất Việt Nam. Ông có thể cho biết nguyên do dẫn đến thành tựu ấy?
- Sau khi được cổ phần hóa, Intimex Group bắt tay xây dựng văn hóa công ty, lấy uy tín làm đầu. Nhân sự của chúng tôi có ba lứa tuổi: trẻ, trung niên và vài người trên bậc đó, tất cả đều đồng lòng vì kế hoạch đột phá đầu tư, đột phá sản lượng, đột phá lợi nhuận để phát triển. Vì thế mà từ năm 2017 đến nay, hằng năm chúng tôi xuất khẩu bình quân 500.000 tấn cà phê nhân; từ năm năm 2017 là doanh nghiệp nằm trong top 5 về xuất khẩu gạo, năm 2021 dẫn đầu với 600.000 tấn gạo và 6 tháng đầu năm 2022 xuất khẩu 379.000 tấn gạo; bình quân hằng năm doanh thu 41.000 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm nay kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 660 triệu USD, tổng doanh thu trên 27.000 tỷ đồng.
Vì giữ đúng thời hạn trả nợ, lại trả bằng ngoại tệ mạnh trong khi vay bằng tiền đồng nên các ngân hàng thương mại lớn luôn cấp đủ vốn theo nhu cầu của Intimex. Vì giữ được giá tốt nên bên bán, từ lúa, gạo, cà phê, điều, tiêu đều muốn bán cho Intimex, bên mua là 33 đối tác thường xuyên ở các nước đều muốn mua những sản phẩm ấy của Intimex.
Trước đây, trong ngành gạo, chuyện không giữ chữ tín ở cả người bán lẫn người mua là khá phổ biến, nhất là những khi biến động giá. Intimex Group vốn luôn giữ chữ tín trong kinh doanh cà phê, nên khi kinh doanh gạo cũng luôn mang theo chữ tín ấy. Không ít lần do giá biến động, nhà cung ứng "xù hợp đồng", trong khi hợp đồng xuất khẩu, tập đoàn đã ký với khách hàng nước ngoài, thời gian giao hàng cũng đã cận kề.
Những lần ấy, để giữ uy tín với khách hàng, chúng tôi phải nỗ lực hết sức tìm nguồn cung khác để đủ hàng giao đúng chủng loại, khối lượng và thời gian đã thỏa thuận. Việc chịu khó tiếp cận, đeo bám khách hàng, nhất là những khách hàng lớn cũng đã tạo nên sự thành công của Intimex Group trong xuất khẩu gạo.
Chẳng hạn, với công ty thương mại nông sản lớn nhất thế giới là Louis Dreyfus - LDC (Hà Lan), chúng tôi đã phải mất tới 6 năm tiếp cận, đến năm 2018 họ mới chấp nhận mua gạo của Intimex Group. Từ đó đến nay, khách hàng này luôn cần một lượng gạo không nhỏ của Intimex Group.
Chúng tôi rút ra bài học là nếu giữ được uy tín lâu dài, việc kinh doanh toàn cầu không khó. Và nhờ giữ được uy tín nên các bên liên kết ở đồng bằng sông Cửu Long, ở Tây Nguyên đều muốn làm ăn lâu dài với Intimex. Do đó, năm 2021, dù dịch Covid-19 bùng phát nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu của chúng tôi vẫn đạt gần 1,1 tỷ USD, vượt 22%, doanh thu đạt gần 48.000 tỷ đồng, tăng 26%, lợi nhuận tăng 43% so với năm 2020.
* Và Intimex "không quên" thị trường trong nước...
- Chúng tôi có 18 đơn vị trực thuộc và 12 công ty thành viên ở nhiều tỉnh, thành, ngoài xuất khẩu, còn sản xuất bê tông, kinh doanh siêu thị, nhập khẩu và phân phối thực phẩm đông lạnh... để phục vụ thị trường nội địa. Công ty thành viên thì tập đoàn nắm giữ 51% vốn, còn đơn vị trực thuộc hạch toán đầy đủ theo quy chế thống nhất hằng năm.
* Ông vừa nói đến "đột phá đầu tư”...
- Từ lâu, Intimex Group đã có mấy nhà máy sơ chế cà phê nhân tại các vùng nguyên liệu. Năm 2017, chúng tôi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê hòa tan với công suất 4.000 tấn/năm. Đây là một trong những nhà máy hiện đại bậc nhất thế giới, vận hành hoàn toàn tự động, do Tập đoàn GEA Niro, Đan Mạch cung cấp máy móc, trang thiết bị và lắp đặt. Sau gần hai năm thi công và vận hành thử, năm 2020, sản phẩm đầu tiên đã xuất xưởng và kết thúc năm 2021, nhà máy đã đạt công suất 300 tấn/tháng.
Chúng tôi sẽ nâng công suất nhà máy lên 18.000-20.000 tấn/năm để đến năm 2025 sẽ trở thành nhà xuất khẩu cà phê hòa tan hàng đầu Việt Nam. Chúng tôi cũng dần hoàn thành chuỗi nhà máy chế biến lương thực ở đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có mua lại một số nhà máy xay xát gạo, đưa công suất chế biến lên nửa triệu tấn, trên nửa triệu tấn gạo/năm để góp phần giúp nông dân trồng lúa có lãi khá và chủ động nguồn hàng xuất khẩu. Trong đột phá đầu tư, chúng tôi còn đầu tư kỹ thuật cho hàng chục nghìn hécta lúa và cà phê của nông dân rồi mua sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường.
* Và đó cũng là trách nhiệm xã hội của Intimex?
- Công ty CP Tập đoàn Intimex có một thuận lợi là xuất thân từ doanh nghiệp nhà nước nên chúng tôi có tổ chức Đảng (Đảng ủy), Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vững mạnh. Đảng ủy, các đoàn thể cùng ban lãnh đạo tập đoàn tổ chức rất tốt công tác xã hội - từ thiện, xem đó không những là trách nhiệm mà còn là nghĩa vụ với xã hội, là sự hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và cộng đồng.
Năm nào chúng tôi cũng có nguồn quỹ xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nguồn quỹ cho công tác xã hội - từ thiện khác. Đột xuất như các đợt đại dịch vừa qua, Intimex tăng mạnh nguồn quỹ đó, như ủng hộ Quỹ Vaccine phòng chống dịch Covid-19, ủng hộ đồng bào khó khăn 100 tấn gạo, ủng hộ lực lượng tuyến đầu chống dịch cà phê và mì gói, cung ứng cho TP.HCM và quân đội hàng nghìn tấn gạo...
Chúng tôi xem việc chăm lo đời sống cho cán bộ - công nhân viên trong tập đoàn cũng là trách nhiệm xã hội, nên mọi chế độ lương, thưởng, bảo hiểm, đào tạo, nghỉ dưỡng... đều chu toàn.
* Tôi được biết, ở nhiều nước, doanh nghiệp cùng ngành nghề tự lập hội, chỉ đăng ký nộp thuế, nhà nước không can thiệp, nhất là nhân sự. Từng làm Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu suốt 15 năm, nay là Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Bulgaria TP.HCM, chắc ông rút được nhiều bài học từ hoạt động hội đoàn?
- Chủ tịch các hiệp hội do hội viên giới thiệu và bầu, nhưng theo tôi thì phải có sự thẩm định trước của chính quyền và đơn vị ra quyết định thành lập để tránh tình trạng lợi dụng hiệp hội phục vụ lợi ích nhóm và hoạt động không đúng điều lệ. Ban thường vụ, nhất là các ông bà chủ tịch phải thật năng động tổ chức hoạt động hội thiết thực với lợi ích hội viên và biết cách tạo nguồn thu. Thực tế cho thấy, hội phí không bao giờ đủ cho hoạt động hội, nên nguồn thu khác, như tổ chức sự kiện, caravan, kể cả kinh doanh để có tiền là rất quan trọng.
* Trong Ban Điều hành Intimex Group có một phó tổng giám đốc là con trai ông. Xin lỗi, phải chăng đó là cách chuẩn bị người kế nghiệp?
- Intimex Group là công ty cổ phần, phần đông cán bộ - công nhân viên có cổ phần trong công ty, không phải công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nên không có chuyện "cha truyền con nối". Thế hệ trẻ bây giờ giỏi hơn thế hệ cha ông nhiều mặt do được đào tạo bài bản, nhưng không phải ai cũng thích kinh doanh, kể cả họ sinh ra trong gia đình có truyền thống kinh doanh.
Nếu ông bà tổng giám đốc của công ty cổ phần nào đó mà có con nối nghiệp thì rất tốt vì có được kinh nghiệm điều hành từ bố mẹ. Và nếu con của ông bà tổng giám đốc nào đó nối nghiệp nhưng một thời gian sau lại bán cổ phần để rút lui cũng là chuyện bình thường. Tôi có những người bạn là doanh nhân giỏi nhưng các con không đứa nào theo cha mẹ ra thương trường.
* Cảm ơn ông về những chia sẻ!
Nguồn: Chủ tịch Intimex Group Đỗ Hà Nam: "Giữ được uy tín thì kinh doanh toàn cầu không khó”