Chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái trong nuôi trồng thủy sản
Lan tỏa thông điệp BVMT vì một tương lai xanh 6 giải pháp nâng cao tính hiệu quả trong sử dụng nguồn lực về bảo vệ môi trường |
Tại Chiến lược phát triển thủy sản của tỉnh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến 2030, tầm nhìn đến 2045, ngành Nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu trong giai đoạn 2022-2025: Diện tích nuôi trồng, 4.800 ha; sản lượng thủy sản 42.000 tấn; tốc độ tăng trưởng 1,2%/ năm.
Đến năm 2030, diện tích nuôi trồng sẽ bị thu hẹp nhường đất cho phát triển công nghiệp, đô thị hóa, chỉ còn 4.500 ha, sản lượng thủy sản khoảng 40.000 tấn, nhưng vẫn bảo đảm tốc độ tăng trưởng 1,2%/ năm, giá trị sản xuất đạt 300 triệu đồng/ ha mặt nước.
Hoạch định đến năm 2045, diện tích nuôi trồng chỉ còn 4.300 ha đòi hỏi ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ hiện đại (80% diện tích nuôi trồng), có sự liên kết chặt chẽ trong các khâu sản xuất- tiêu thụ mới có thể bảo đảm an ninh dinh dưỡng, cung cấp đủ nhu cầu thực phẩm thủy sản nội tỉnh và có khả năng xuất khẩu.
UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác giám sát công tác bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản tại các địa phương
Để sản xuất thủy sản trở thành ngành kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đơn vị liên quan đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản nhằm phát triển nuôi thủy sản thâm canh, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất theo hướng hàng hóa; xây dựng hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường, dịch bệnh thủy sản giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030.
Chủ động giám sát, có phương hướng xử lý kịp thời môi trường và dịch bệnh thủy sản phát sinh, vừa bảo đảm tái tạo nguồn lợi thủy sản, vẫn cân bằng hệ sinh thái trong mọi hoàn cảnh; phát triển các mô hình, vùng nuôi thủy sản đặc sản giá trị kinh tế cao gắn với các hoạt động tham quan, giáo dục, du lịch sinh thái; cải tạo, nâng cấp hạ tầng sản xuất giống thủy sản nhằm nâng cao năng lực quản lý...
Bắc Ninh là một trong những địa phương có phong trào nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh mẽ nhất ở khu vực đồng bằng sông Hồng. Trước những áp lực tới chất lượng môi trường, UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương tập trung kiểm soát, giám sát chất lượng môi trường trong quá trình phát triển kinh tế. Trong đó, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP với quy trình xây dựng khối lượng thức ăn cho phù hợp với từng giai đoạn, giảm tỷ lệ thất thoát, tránh việc thức ăn dư thừa làm ảnh hưởng đến môi trường nước.
Ngoài ra, hàng ngày người nuôi còn kiểm tra khả năng ăn mồi của cá nuôi; kiểm tra các yếu tố môi trường nước, pH, nhiệt độ, các loại địch hại. Khoảng 10 ngày ao nuôi lại được khử trùng bằng vôi bột, chế phẩm vi sinh nhằm duy trì màu nước, ổn định pH. Những giải pháp này góp phần kiểm soát hiệu quả chất lượng môi trường nước, hạn chế việc phát sinh nguồn thải ra môi trường.
Nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao và theo tiêu chuẩn VietGap đặc biệt được chú trọng phát triển
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao được địa phương này nhận định là sẽ góp phần giảm thiểu tác động tới chất lượng môi trường. Toàn tỉnh hiện có 162 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, với diện tích 2.757 ha, trong đó có 1.875 ha ao, hồ nuôi cá thâm canh, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.
Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục rà soát, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng các vùng nuôi thủy sản tập trung trong ao đất; nuôi cá lồng trên sông theo hướng thâm canh, siêu thâm canh gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và các đơn vị chuyên môn tích cực tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân và doanh nghiệp, tạo tập quán canh tác mới, chuyển từ sản xuất nhỏ sang sản xuất lớn theo hướng chuyên canh, thúc đẩy hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, hình thành cơ sở hậu cần trong các khâu bảo quản, chế biến, xuất khẩu thủy sản.
Vừa qua, nhằm kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm trong các hoạt động thủy sản; phòng ngừa và giải quyết các sự cố môi trường; bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và môi trường sống, góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học; nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Chính phủ đã thông qua Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021 – 2030. Trên cơ sở những mục tiêu, nhiệm vụ các địa phương trên cả nước chú trọng triển khai nhằm đảm bảo chất lượng môi trường trong phát triển kinh tế-xã hội.
Nguồn: Chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái trong nuôi trồng thủy sản