Chữa "bệnh thừa tiền", ngân hàng đẩy mạnh cuộc đua giảm lãi suất cho vay
Nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay từ 17/8 Tin ngân hàng ngày 16/8: Yêu cầu tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 1,5 - 2% |
Tính đến ngày 29/8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, mới chỉ tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%), và còn cách xa so với mục tiêu 14% cả năm.
Trong 3 năm gần đây, tín dụng toàn hệ thống tăng thêm bình quân khoảng 1 triệu tỷ đồng/năm. Thực tế doanh số cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng ra nền kinh tế trong năm lớn hơn rất nhiều lần. Cụ thể, năm 2021 là 17,4 triệu tỷ đồng; năm 2022 là 19,7 triệu tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2023 gần 10,2 triệu tỷ đồng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, trước bối cảnh các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn đang tồn tại một số vấn đề đã khiến nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế tập trung phần lớn qua kênh tín dụng ngân hàng, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt từ năm 2020, tuy có dấu hiệu tăng chậm lại trong năm 2022 nhưng vẫn trong xu hướng tăng, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống các tổ chức tín dụng.
Trước bối cảnh tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong 8 tháng đầu năm vẫn còn thấp, các ngân hàng đẩy mạnh cuộc đua giảm lãi suất cho vay hoặc tung ra các gói cho vay ưu đãi lãi suất thấp dành cho khách hàng.
Điển hình tại VPBank, nhằm kích cầu tín dụng nhà băng này vừa mới dành 13.000 tỷ đồng triển khai gói vay dành cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay mua ô tô, vay sản xuất kinh doanh, vay mua nhà, vay tiêu dùng với lãi suất từ 5%/năm, tỷ lệ cho vay tối đa 85%, thời gian vay tối đa đến 35 năm.
Trong đó, gói vay phục vụ sản xuất kinh doanh của VPBank được thiết kế với lãi suất 5%/năm cố định trong 6 tháng đầu. Gói ưu đãi lãi suất dành cho các khách hàng vay mua nhà của VPBank có lãi suất từ 5,9%/năm. Riêng với gói vay mua xe ô tô, VPBank hiện áp dụng lãi suất 7%/năm.
Đây được xem là mức lãi suất cạnh tranh nhất trên trên thị trường tính đến thời điểm hiện nay. Chương trình được áp dụng từ nay đến hết 31/12/2023.
Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) cũng giảm lãi suất cho vay bằng việc triển khai chương trình chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác với lãi suất chỉ 8%/năm cố định trong 12 tháng.
Ngân hàng MB cho phép khách hàng không phải trả nợ gốc trong vòng 12 tháng, thời gian vay lên đến 300 tháng và chứng minh nguồn tài trợ một cách linh hoạt, thông qua tài sản tích lũy. Ngoài ra, đối với khách hàng ưu tiên, MB còn có thể điều chỉnh lãi suất xuống còn 7,5%/năm cố định trong vòng 12 tháng.
Tương tự, Ngân hàng MSB cũng đã triển khai chương trình chuyển khoản vay từ ngân hàng khác với lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,8%/năm. Theo chương trình ưu đãi, MSB cho phép khách hàng miễn trả gốc đến 24 tháng, thời gian vay lên tới 35 năm và chứng minh nguồn trả nợ thông qua tài sản tích lũy.
Ngân hàng ACB cũng áp dụng chính sách cho khách hàng vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay mua bất động sản tại ngân hàng khác với lãi suất năm đầu là 8%/năm.
Techcombank cũng đang triển khai chương trình này với lãi suất từ 7,3%/năm. Techcombank áp dụng khoản vay mua nhận chuyển nhượng bất động sản dự án đã có chứng nhận; khoản vay mua bất động sản chưa có giấy chứng nhận nhưng mua tại dự án có liên kết với Techcombank. Yêu cầu dư nợ vay mua bất động sản tại ngân hàng khác từ 1 tỷ đồng trở lên, khoản vay không được hỗ trợ lãi suất và ân hạn gốc trong 12 tháng gần đây.
Ngân hàng quy mô nhỏ hơn như NamABank cũng vừa triển khai giảm lãi suất cho vay dành cho khách hàng cá nhân hiện hữu đến 2,6%/năm. Theo NamABank, hoạt động này nhằm đồng hành khách hàng đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần hỗ trợ khách hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong những tháng cuối năm cũng như thực hiện kịp thời các chủ trương của Ngân hàng Nhà nước.
Ngay từ tháng 8/2023, ngân hàng OCB đã chính thức triển khai nhiều gói vay ưu đãi với quy mô lên đến 5.000 tỷ đồng và lãi suất chỉ từ 6,5%/năm, nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh cùng đáp ứng các nhu cầu phục vụ đời sống như mua nhà, mua xe... Trong đó, với các khoản vay mua nhà, lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,5%/năm. Lãi suất vay mua ô tô từ 9,5%/năm.
Trước đó, ngân hàng OCB cũng đã tung 2 gói lãi suất ưu đãi dành cho hách hàng cá nhân với tổng hạn mức lên đến 12.000 tỷ đồng với mức giảm 1,8% bình quân kỳ hạn 12 tháng.
Tại nhóm Big4 ngân hàng cũng đua nhau tung chương trình cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ ở ngân hàng khác với lãi suất thấp bất ngờ.
Đầu tiên tại Vietcombank triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác, áp dụng đối với các khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống của khách hàng cá nhân với lãi suất ưu đãi từ 6,9%/năm trong 06 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 8,0%/năm trong 24 tháng đầu.
BIDV thì cho biết khách hàng đang vay vốn sản xuất kinh doanh hoặc phục vụ nhu cầu đời sống có tài sản đảm bảo tại các ngân hàng khác có nhu cầu trả nợ trước hạn và tiếp tục thanh toán các chi phí còn lại theo phương án vay có thể vay tại BIDV. Đối với khoản vay ngắn hạn, lãi suất vay chỉ từ 6%/năm. Đối với khoản vay trung dài hạn, lãi suất vay chỉ từ 6,8%/năm.
Tại VietinBank, lãi suất cho vay khách hàng cá nhân chỉ từ 5,6% đối với vay sản xuất kinh doanh và chỉ từ 7,5%/năm đối với vay tiêu dùng.
Ngoài lãi suất cho vay, lãi suất huy động của các ngân hàng cũng đã giảm mạnh thời gian qua do tình trạng dư thừa thanh khoản. Hiện mặt bằng lãi suất huy động đã tiến sát xuống mức thấp trong giai đoạn đại dịch Covid-19.
Hiện không còn ngân hàng thương mại nào niêm yết lãi suất huy động trên 8%/năm và phần lớn các ngân hàng niêm yết dưới 7%/năm. Thậm chí nhóm Big 4 và các ngân hàng tư nhân lớn đã điều chỉnh xuống mức 5,5%/năm.
Phó Thủ tướng yêu cầu NHNN rà soát điều kiện tín dụng, thiết kế mức lãi suất hợp lý
Phát biểu tại cuộc họp về giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế diễn ra sáng 7/9, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Đào Minh Tú cho hay, toàn hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền". Cũng giống như các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa, các ngân hàng thương mại cũng đang tồn kho tiền.
Theo Phó Thống đốc, hiện thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng, toàn hệ thống còn khoảng 9% để tăng trưởng tín dụng, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp.
Tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, các ngành sản xuất chủ lực trong nước, các lĩnh vực tạo sự phát triển đột phá, lan tỏa, truyền dẫn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thực hiện các biện pháp hiệu quả để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh những lĩnh vực ưu tiên cũng phải quan tâm cung ứng tín dụng cho các khu vực khác để "góp gió thành bão", thúc đẩy kinh tế hồi phục, phát triển…
Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước rà soát lại tất cả các điều kiện liên quan đến tín dụng, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, hiệp hội, dư luận, tiếp thu các kiến nghị hợp lý, tháo gỡ được gì thì phải tính toán, có giải pháp điều chỉnh kịp thời, phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế.
"Quan trọng nhất hiện nay là phải tìm điểm cân bằng, thiết kế lãi suất mặt bằng hợp lý… Đối với những gói hỗ trợ tín dụng đang còn hiệu lực thì tiếp tục cố gắng thúc đẩy, giải ngân tối đa có thể", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính điều hành chính sách tài khóa phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng để hỗ trợ kích thích tổng cầu của nền kinh tế. Thực hiện có hiệu quả các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã ban hành. Đẩy nhanh hơn nữa việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, người dân.
Nguồn:Chữa "bệnh thừa tiền", ngân hàng đẩy mạnh cuộc đua giảm lãi suất cho vay