Hà Nội: 19°C
Thừa Thiên Huế: 22°C
TP Hồ Chí Minh: 26°C
Quảng Ninh: 15°C
Hải Phòng: 17°C

Chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh: Từ lý luận đến thực tiễn

Chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh được đặt nền móng từ Nghị quyết số 1325 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua vào năm 2000, khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong phòng ngừa, giải quyết xung đột và xây dựng hòa bình. Đến nay, vấn đề này đã và đang được triển khai rộng khắp trên toàn cầu ở mọi cấp độ. Đối với Việt Nam, đây là một trong những lĩnh vực mà Việt Nam có thể phát huy để thể hiện vai trò thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đồng thời phục vụ các mục tiêu phát triển trong nước.
Bảo đảm quốc phòng - an ninh gắn với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Quân đoàn 3 hiện nay Việt Nam tích cực hợp tác chống biến đổi khí hậu và mất an ninh lương thực
Chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh: Từ lý luận đến thực tiễn
Hội nghị quốc tế về phụ nữ, hòa bình và an ninh với chủ đề "Tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng và củng cố hòa bình: Từ cam kết đến kết quả" được tổ chức tại Hà Nội_Ảnh: Tư liệu

Hòa bình và an ninh từ góc nhìn của thuyết vị nữ

Thuyết vị nữ (feminism) và các phong trào vì phụ nữ có chung mục đích hướng tới xóa bỏ sự đàn áp, gia tăng quyền năng cho phụ nữ, xây dựng một cộng đồng xã hội tôn trọng sự bình đẳng nam - nữ, ghi nhận, đánh giá và sử dụng đúng vị trí, vai trò của phụ nữ; hay nói cách khác là, thay đổi những quan niệm, định kiến do bản chất chế độ phụ hệ của xã hội đã tạo ra. Áp dụng trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, các mạch lý luận vị nữ coi nữ giới là một nhóm chủ thể trong quan hệ quốc tế, nhất là trong sự tương tác với nam giới và nhà nước, cao hơn là trong mối quan hệ quyền lực ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế. Yếu tố giới được đưa vào vấn đề hòa bình, an ninh quốc gia và quốc tế, được tách bạch rõ hơn trong cách tiếp cận các vấn đề an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, cũng như quyết sách liên quan đến những vấn đề này, theo hướng cổ vũ sự tham gia trực tiếp của nữ giới trong nền chính trị quốc gia và quốc tế.

Những học giả theo thuyết vị nữ đồng quan điểm với cách tiếp cận an ninh con người, lấy con người, thay vì các quốc gia, làm trung tâm của vấn đề an ninh. Tuy nhiên, các học giả cũng nhấn mạnh, khái niệm an ninh con người cần thực sự bao trùm, nghĩa là phải tính đến cả yếu tố về giới, xuất phát từ thực tiễn phụ nữ thường là nạn nhân chính của những bất ổn về chính trị và xã hội(1). Các học giả, như Lau-ra Xiu-bơ (Laura Sjoberg), Xin-thia In-lâu (Cynthia Enloe), Lau-ra Sáp-phơ (Laura Shepherd), En Tích-nơ (Ann Tickner) và Ke-rô Con (Carol Cohn) qua những công trình nghiên cứu về giới đã làm rõ mối quan hệ giữa vấn đề giới và an ninh quốc tế. Các học giả cho rằng, cần nhận thức lại về vai trò của phụ nữ trong vấn đề an ninh; phụ nữ không chỉ là nạn nhân của chiến tranh, mà còn là những chủ thể trong các giai đoạn trước, trong và sau xung đột vũ trang, có vai trò quan trọng trong tiến trình gìn giữ và tái thiết hòa bình; vấn đề đàn áp giới sẽ được giải quyết nếu phụ nữ được tính đến trong cấu trúc an ninh và chính trị hiện hành trên thế giới(2). Đặc biệt, vị trí và tầm quan trọng của phụ nữ trong xây dựng hòa bình đã trở thành chủ đề trọng tâm được bàn thảo.

Theo đó, mối liên hệ giữa phụ nữ, hòa bình và an ninh gắn với vị trí, vai trò của phụ nữ không chỉ trong và ngay sau một cuộc chiến tranh, xung đột, mà còn trong các vấn đề vĩ mô và dài hạn, như bất bình đẳng, bất công bằng kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị vốn chứa đựng nguy cơ trở thành ngòi nổ của chiến tranh, xung đột nếu không được xử lý thỏa đáng. Mối liên hệ này cũng mang nội hàm về vị trí, vai trò của phụ nữ trong các lĩnh vực an ninh, trong đó khái niệm về an ninh được hiểu theo nghĩa rộng, bao hàm cả khía cạnh truyền thống và phi truyền thống.

Cụ thể, mối liên hệ giữa phụ nữ, hòa bình và an ninh thể hiện qua vai trò, vị trí của phụ nữ trên sáu khía cạnh chính: Một là, phụ nữ với tư cách là nạn nhân của xung đột, chiến tranh. Trong các hoàn cảnh chiến tranh, xung đột, đói nghèo, dịch bệnh ở nhiều quốc gia và khu vực trong suốt quá trình lịch sử, phụ nữ thường là nạn nhân chịu nhiều ảnh hưởng của bạo lực về giới; sinh mạng và phẩm giá của phụ nữ bị đe dọa và xâm phạm, nhiều trẻ em gái không được tới trường; phụ nữ phải đối mặt với nhiều rào cản về chính trị, kinh tế và văn hóa, thiếu sự hỗ trợ cần thiết để phát huy đầy đủ vai trò hoặc thậm chí bị gạt ra bên lề sự phát triển của xã hội; hai là, phụ nữ với tư cách là chủ thể trong xung đột, chiến tranh. Trong nhiều trường hợp, phụ nữ nắm vai trò lãnh đạo và đề ra các quyết sách xung đột, chiến tranh hoặc tham gia lực lượng quân đội tham chiến; ba là, phụ nữ tham gia gìn giữ hòa bình, phòng ngừa xung đột với vai trò kiểm soát và ngăn chặn bạo lực ở tất cả các cấp; bốn là, phụ nữ trong quản lý và giải quyết xung đột thông qua khả năng hòa giải, bảo vệ người dân, tiếp xúc cộng đồng, đưa ra quyết định giải quyết xung đột; năm là, phụ nữ trong tái thiết sau xung đột với các kế hoạch, chương trình, hoạt động cứu trợ, phục hồi; sáu là, phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tăng cường bảo vệ, tiếp cận cơ hội về phát triển, nguồn lực và trao quyền cho phụ nữ trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội quốc gia và quốc tế.

Ra đời trên cơ sở sự phát triển của lý luận và thực tiễn về mối liên hệ giữa phụ nữ, hòa bình và an ninh, đến nay vấn đề phụ nữ, hòa bình và an ninh đã trở thành một chương trình nghị sự toàn cầu, được triển khai rộng khắp ở nhiều khu vực và quốc gia trên thế giới. Với tư cách là một khung khổ chính sách được thúc đẩy bởi các quan niệm vị nữ và được hoạch định, triển khai dựa trên sự công nhận rằng phụ nữ là những chủ thể thiết yếu trong mọi nỗ lực nhằm đạt tới nền hòa bình và an ninh bền vững, chương trình nghị sự phụ nữ, hòa bình và an ninh thúc đẩy quan điểm về giới, nhấn mạnh sự tham gia bình đẳng và có ý nghĩa của phụ nữ trong các tiến trình xây dựng, duy trì hòa bình và an ninh.

Chương trình nghị sự phụ nữ, hòa bình và an ninh bao gồm bốn trụ cột chính: 1- Sự tham gia: thúc đẩy bình đẳng giới và bảo đảm phụ nữ được tham gia một cách đầy đủ và bình đẳng trong quá trình ra quyết định, bao gồm các tiến trình ngăn ngừa và giải quyết xung đột, gìn giữ và kiến tạo hòa bình, tiến trình bầu cử ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế; 2- Ngăn ngừa xung đột: lồng ghép quan điểm giới và sự tham gia của phụ nữ trong ngăn chặn xung đột và giải quyết nguồn gốc của xung đột; 3- Bảo vệ: bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em gái trong xung đột; 4- Cứu trợ và phục hồi: đáp ứng những nhu cầu cụ thể của phụ nữ và trẻ em gái (dịch vụ y tế và chăm sóc sang chấn tâm lý), tăng cường vai trò của phụ nữ trong công tác cứu trợ và phục hồi trong và sau xung đột(3).

Thực tiễn quốc tế

Được khích lệ bởi tư tưởng và quan điểm vị nữ, các phong trào vì quyền của phụ nữ trên thực tế đã phát triển qua bốn giai đoạn (còn gọi là bốn làn sóng) nhằm hướng tới mục tiêu giống nhau, nhưng khác nhau ở các quan niệm và hành động cụ thể. Những làn sóng vì quyền của phụ nữ diễn tiến theo sự thay đổi về quan điểm và nhận thức giữa các thế hệ phụ nữ khác nhau, gắn với những thay đổi và phát triển về quyền, vai trò và vị trí của phụ nữ trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội quốc gia và quốc tế qua các thời kỳ.

Tiêu biểu về vai trò và tiếng nói của phụ nữ về an ninh và hòa bình phải kể đến sự ra đời của Liên đoàn Phụ nữ quốc tế vì hòa bình và tự do (WILPF) vào năm 1915. Đây là tổ chức hoạt động vì hòa bình lâu đời nhất của phụ nữ trên thế giới với mục tiêu tập hợp những người phụ nữ có quan điểm chính trị, nền tảng tôn giáo và triết lý sống khác nhau cùng nghiên cứu và tìm ra nguyên nhân gây nên chiến tranh, cùng làm việc vì một nền hòa bình lâu dài, đồng thời phản đối áp bức, bóc lột phụ nữ. Trong những năm qua, dự án lớn nhất mà WILPF triển khai là dự án mang tên “Phụ nữ hòa bình”, với mục đích gia tăng vai trò của phụ nữ trong ngăn ngừa xung đột, thúc đẩy sự tham gia đầy đủ và bình đẳng của phụ nữ trong mọi nỗ lực kiến tạo, duy trì hòa bình, an ninh quốc tế. Hoạt động của dự án tập trung vào giám sát hoạt động của Liên hợp quốc, chia sẻ thông tin và gia tăng đối thoại, hợp tác ở những hoạt động, lĩnh vực có tác động tích cực đến cuộc sống của phụ nữ trong các môi trường xung đột và sau xung đột.

Trong khuôn khổ Liên hợp quốc, vai trò và sự tham gia của phụ nữ nói chung và hoạt động gìn giữ hòa bình nói riêng đã được nhìn nhận từ rất sớm với việc thành lập Ủy ban địa vị phụ nữ vào ngày 21-6-1946. Trong hơn nửa thế kỷ qua, Liên hợp quốc luôn đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ trên toàn cầu. Hoạt động trên nguyên tắc bình đẳng giới và không phân biệt đối xử được nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc đã dẫn dắt các nỗ lực công nhận và ghi nhận các quyền cơ bản của phụ nữ trong các văn kiện quốc tế quan trọng, tăng cường sự hiểu biết về vai trò trung tâm của phụ nữ trong xây dựng hòa bình và phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động của Liên hợp quốc vì sự tiến bộ của phụ nữ được thể hiện trong hơn 100 văn kiện của tổ chức này về các nội dung liên quan đến các quyền, địa vị chính trị - xã hội của phụ nữ và những vấn đề cấp bách cần giải quyết, như đói nghèo, bạo hành phụ nữ và cơ hội tiếp cận giáo dục, việc làm, y tế bình đẳng cho phụ nữ. Liên hợp quốc đã thông qua Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (năm 1979) nhằm thúc đẩy các nỗ lực gia tăng bình đẳng giới, Tuyên bố về sự tham gia của phụ nữ trong thúc đẩy hòa bình và hợp tác quốc tế (năm 1982) và tổ chức Hội nghị quốc tế về phụ nữ tại thủ đô của các nước Mê-hi-cô (năm 1975), Đan Mạch (năm 1980), Ai Cập (năm 1985) và Trung Quốc (năm 1995).

Đặc biệt, Nghị quyết số 1325, ngày 31-10-2000, của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về phụ nữ, hòa bình và an ninh, đã đưa vấn đề phụ nữ, hòa bình và an ninh trở thành một trong những chủ đề thảo luận chính tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và được thúc đẩy tại nhiều cơ chế khác của Liên hợp quốc. Đây được xem là dấu mốc quan trọng khi lần đầu tiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc công nhận ảnh hưởng của xung đột vũ trang đối với phụ nữ và trẻ em gái, sự tham gia và đóng góp của phụ nữ trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình, giải quyết xung đột và kiến tạo hòa bình(4). Đến nay, chủ đề phụ nữ, hòa bình và an ninh đã được đề cập trong 10 nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, bao gồm các Nghị quyết số 1325 (năm 2000); Nghị quyết số 1820 (năm 2008); Nghị quyết số 1888 và Nghị quyết số 1889 (năm 2009); Nghị quyết số 1960 (năm 2010); Nghị quyết số 2106 và Nghị quyết số 2122 (năm 2013); Nghị quyết số 2242 (năm 2015), Nghị quyết số 2467 và Nghị quyết số 2493 (năm 2019). Các nghị quyết này cùng hợp thành chương trình nghị sự phụ nữ, hòa bình và an ninh trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Phụ nữ, hòa bình và an ninh cũng là chủ đề thảo luận thường niên của Hội đồng Bảo an và trong nhiều cuộc họp khác với sự tham dự rộng rãi của các nước thành viên Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ. Các văn kiện và thỏa thuận được thông qua đã tạo nền tảng quan trọng cho những hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới; tăng cường sự bảo vệ, tham gia và quyền của phụ nữ trong suốt chu kỳ xung đột, từ ngăn ngừa xung đột cho đến tái thiết sau xung đột trên thực tiễn.

Tại khu vực Đông Nam Á, các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thể hiện cam kết và tích hợp các vấn đề liên quan đến chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh vào các chính sách và khuôn khổ hoạt động cấp khu vực trong cả ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN (AC), bao gồm Cộng đồng Chính trị - An ninh (APSC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC). ASEAN đã thông qua nhiều văn kiện, chương trình nghị sự, kế hoạch hành động có nội dung liên quan tới thúc đẩy phụ nữ, hòa bình và an ninh, tiêu biểu là Tuyên bố chung về thúc đẩy phụ nữ, hòa bình và an ninh trong ASEAN năm 2017, thể hiện sự ghi nhận của ASEAN đối với vai trò quan trọng của phụ nữ trong kiến tạo hòa bình, ngăn ngừa và giải quyết xung đột cũng như phục hồi, phát triển của khu vực; Tuyên bố chung của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) năm 2019 về Chương trình nghị sự phụ nữ, hòa bình và an ninh (WPS); Thông cáo báo chí của Chủ tịch Đối thoại cấp Bộ trưởng ASEAN về tăng cường vai trò của phụ nữ vì hòa bình và an ninh bền vững trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (năm 2020).

Tháng 3-2021, Ủy ban Phụ nữ ASEAN (ACW) và Ủy ban ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em (ACWC) phối hợp với Ban Thư ký ASEAN, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) về tối ưu hóa khu vực trong APSC và ASCC (PROSPECT) và Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đã tiến hành công trình Nghiên cứu khu vực ASEAN về phụ nữ, hòa bình và an ninh. Nghiên cứu đã phân tích việc xây dựng và thực hiện chương trình nghị sự phụ nữ, hòa bình và an ninh trong khuôn khổ ASEAN, tổng hợp bài học kinh nghiệm, đề xuất khuyến nghị xuất phát từ bối cảnh thực tiễn của ASEAN để mở đường cho những hoạt động tiếp theo, qua đó cung cấp nền tảng cơ sở tăng cường hiểu biết chung về phụ nữ, hòa bình và an ninh, cũng như cách thức cụ thể hóa chương trình nghị sự này ở cấp độ khu vực, quốc gia và địa phương trong khu vực ASEAN. Mục tiêu chính của công trình nghiên cứu là chuyển từ nhận thức về tầm quan trọng của phụ nữ trong việc tham gia xây dựng hòa bình, ngăn ngừa và giải quyết xung đột sang thực thi vai trò của phụ nữ trong khu vực; chỉ ra những tiến bộ và thách thức tại các quốc gia thành viên ASEAN, đề xuất những khuyến nghị cụ thể nhằm hỗ trợ các nước thành viên tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào việc xây dựng hòa bình(5). Trên cơ sở nghiên cứu, tháng 11-2022, ASEAN đã công bố Kế hoạch hành động khu vực ASEAN về phụ nữ, hòa bình và an ninh.

Liên minh châu Âu (EU) cũng là một tổ chức khu vực tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 1325 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. EU coi chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại và an ninh chung của EU, một công cụ thiết yếu để bảo đảm các quyền, khả năng tự quyết và sự bảo vệ của phụ nữ và trẻ em gái được tuân thủ, duy trì mọi lúc, mọi nơi; phụ nữ đóng vai trò quan trọng và bình đẳng trong các quyết sách ở mọi giai đoạn ngăn ngừa xung đột, kiến tạo hòa bình, duy trì hòa bình và phục hồi sau xung đột(6). Các văn kiện chính sách quan trọng của EU về chương trình nghị sự phụ nữ, hòa bình và an ninh, bao gồm Kết luận của Hội đồng EU về phụ nữ, hòa bình và an ninh năm 2018; Cách tiếp cận chiến lược của EU về phụ nữ, hòa bình và an ninh và Kế hoạch hành động của chiến lược giai đoạn 2019 - 2024; Kế hoạch Hành động về giới III năm 2020.

Ở cấp độ quốc gia, các nước thành viên Liên hợp quốc cũng tích cực hưởng ứng và xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh. Đến nay, chương trình hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh đã được xây dựng và triển khai theo từng giai đoạn tại 104 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó 54 nước đã thông qua chương trình hành động đầu tiên, 27 nước thông qua chương trình hành động thứ hai, 17 nước thông qua chương trình hành động thứ ba và 6 nước thông qua chương trình hành động thứ tư về phụ nữ, hòa bình và an ninh.

Nhìn chung, các kế hoạch hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh được xây dựng theo một trong ba mô hình. Mô hình hướng ngoại là mô hình của các nước tài trợ được triển khai thông qua chính sách đối ngoại nhằm thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực hòa bình, an ninh tại nước tiếp nhận viện trợ, thường là các quốc gia đang trải qua xung đột. Mô hình hướng nội là mô hình của các nước đang có xung đột nhằm giải quyết những vấn đề về hòa bình, an ninh trong nước. Mô hình kết hợp giữa hướng ngoại và hướng nội thường được xây dựng và triển khai tại những nước đang trong điều kiện hòa bình, có thể đóng góp cho hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế đồng thời với giải quyết những mối quan tâm về hòa bình và an ninh trong nước. Các kế hoạch hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh bao gồm các nội dung chính là ngăn ngừa xung đột, tăng cường sự tham gia của phụ nữ, bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái, xử lý thách thức an ninh, nhất là thách thức an ninh phi truyền thống, như biến đổi khí hậu, buôn bán người, dịch bệnh, di cư bất hợp pháp,… điều phối, giám sát, đánh giá, báo cáo và huy động nguồn lực.

Quan điểm và sự tham gia của Việt Nam

Trong quan hệ đối ngoại, từ nhiều năm qua, Việt Nam luôn quan tâm thúc đẩy vấn đề phụ nữ, hòa bình và an ninh tại các diễn đàn đa phương; đồng thời, có những đóng góp quan trọng được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Việt Nam tích cực nâng cao vai trò của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, chủ trì, tham gia và thúc đẩy các sáng kiến, chương trình nghị sự cụ thể liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái, nghiên cứu thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN và Liên hợp quốc trong triển khai sáng kiến về phụ nữ, hòa bình và an ninh tập trung vào ngăn ngừa xung đột và ngoại giao phòng ngừa, tranh thủ thu hút các nguồn lực bên ngoài hỗ trợ thực hiện chương trình chính sách của Việt Nam liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái.

Việt Nam cũng là một trong những nước sớm phê chuẩn và nội luật hóa các quy định của Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1979. Việt Nam đã đẩy mạnh triển khai Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, thực hiện thành công nhiều Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và Mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2008 - 2009, Việt Nam đã đề xuất và thúc đẩy thông qua Nghị quyết số 1889 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về phụ nữ trong giai đoạn sau xung đột. Nghị quyết số 1889 được đánh giá là một trong những nghị quyết chủ chốt về phụ nữ, hòa bình và an ninh của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tháng 12-2020, mặc dù trong bối cảnh tác động của dịch bệnh COVID-19, nhân kỷ niệm 20 năm Nghị quyết số 1352, Việt Nam đã phối hợp với Liên hợp quốc tổ chức thành công Hội nghị quốc tế về phụ nữ, hòa bình và an ninh. Hội nghị đã thông qua Cam kết hành động Hà Nội nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong kiến tạo hòa bình, thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ, cũng như ghi nhận vai trò của phụ nữ trong giải quyết những thách thức mới nổi. Hội nghị được xem là sự tiếp tục khẳng định quyết tâm, nỗ lực mạnh mẽ để thực hiện bốn trụ cột chính của chương trình nghị sự toàn cầu về phụ nữ, hòa bình và an ninh. Sau gần một thập niên tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, Việt Nam luôn duy trì tỷ lệ nữ cao hơn mức yêu cầu của Liên hợp quốc.

Chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh: Từ lý luận đến thực tiễn
Cán bộ, chiến sĩ quân y và công binh lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Abyei và Nam Sudan_Nguồn: thanhnien.vn

Trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam tích cực đóng góp trong việc xây dựng Kế hoạch hành động khu vực ASEAN về phụ nữ, hòa bình và an ninh, tham gia Nhóm Phụ nữ ASEAN vì hòa bình (AWPR). Trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã tổ chức phiên Đối thoại cấp Bộ trưởng ASEAN về tăng cường vai trò của phụ nữ vì hòa bình và an ninh bền vững (tháng 9-2020), Cuộc họp lần thứ hai của Nhóm Phụ nữ ASEAN vì hòa bình theo hình thức trực tuyến (tháng 6-2020), Hội thảo về Tăng cường vai trò của phụ nữ ASEAN trong thúc đẩy hòa bình bền vững và an ninh (tháng 11-2020). Với vai trò là Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN (AMMW) giai đoạn 2018 - 2021, Việt Nam đã cùng với các nước thành viên ASEAN nỗ lực hoàn thành Kế hoạch công tác của Ủy ban Phụ nữ ASEAN (ACW) giai đoạn 2016 - 2020, xây dựng Kế hoạch công tác ACW giai đoạn 2021 - 2025 và thúc đẩy hoạt động trong các lĩnh vực về tăng cường vai trò lãnh đạo của phụ nữ, thay đổi quyền năng kinh tế của phụ nữ và bảo vệ phụ nữ trong tình huống dễ bị tổn thương. Trong nhiệm kỳ Chủ tịch AMMW, Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy lồng ghép vấn đề giới trong nội dung cả ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN, nêu trong Tuyên bố về việc thực hiện có đáp ứng giới Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Việt Nam tích cực tăng cường quan hệ đối tác với các cơ quan chuyên ngành của ASEAN, các đối tác đối thoại của ASEAN và các tổ chức liên kết với ASEAN, như Mạng lưới doanh nhân nữ ASEAN, Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, cùng các cơ quan liên quan khác của Liên hợp quốc, nhằm thực hiện những ưu tiên đã đề ra. Ủy ban Phụ nữ ASEAN với sự tham gia tích cực của Việt Nam đã có nhiều biện pháp ứng phó mạnh mẽ với những thách thức phát sinh từ bối cảnh xã hội đang thay đổi do đại dịch COVID-19 và những thách thức khác tạo ra.

Ở cấp độ quốc gia, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn chú trọng vấn đề phụ nữ và giới, tích cực thúc đẩy vai trò và quyền lợi của phụ nữ trong chiến lược phát triển đất nước được đề ra tại các kỳ Đại hội của Đảng; đã ban hành và tiếp tục hoàn thiện các văn bản về bình đẳng giới, lồng ghép giới trong luật pháp, chính sách và các chương trình cụ thể, trong đó có Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27-4-2007, của Bộ Chính trị, “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 (ngày 24-12-2010); Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (tháng 5-2015); Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20-1-2018, của Ban Bí thư, “Về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới”; Quyết định số 2282/QĐ-TTg, ngày 31-12-2020, của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chương trình tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo, quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết số 28/NQ-CP, ngày 3-3-2021, của Chính phủ, ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030. Trong nội dung đột phá chiến lược về phát triển văn hóa - xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Thực hiện đồng bộ và toàn diện các giải pháp phát triển thanh niên, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Giảm dần khoảng cách giới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình(7). Trên thực tiễn, các tổ chức phụ nữ của Việt Nam đóng vai trò tích cực trong khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng xã hội an toàn, hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế.

Thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện nền tảng pháp lý, chính sách và đẩy mạnh thực hiện chương trình nghị sự phụ nữ, hòa bình và an ninh cả ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu. Đây có thể được xem là một trong những lĩnh vực ưu thế của Việt Nam, giúp tăng cường vị thế, uy tín của quốc gia, đóng góp vào hòa bình, an ninh và phát triển của đất nước cũng như cộng đồng quốc tế. Ở trong nước, Việt Nam cần tăng cường phổ biến và thống nhất nhận thức về vấn đề phụ nữ, hòa bình và an ninh; tăng hiệu quả phối hợp liên ngành về vấn đề bình đẳng giới và sự tham gia của Việt Nam vào các hoạt động gìn giữ hòa bình; tiếp tục nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ nữ tham gia trong lĩnh vực hòa bình và an ninh đáp ứng yêu cầu của công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Về đối ngoại, Việt Nam cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, tích cực tham gia, đóng góp vào các chương trình, hoạt động hợp tác chung và triển khai các cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực phụ nữ, hòa bình và an ninh, đưa vấn đề phụ nữ, hòa bình và an ninh trở thành một nội hàm hợp tác trong các khuôn khổ quan hệ đối tác của Việt Nam với các nước. Đặc biệt, Việt Nam cần xây dựng và sớm thông qua Chương trình hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh nhằm góp phần kết nối, tăng cường hiệu quả những nỗ lực đang triển khai và tạo cơ sở thu hút thêm nguồn lực quốc tế phục vụ thực hiện các chủ trương, chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong nước, đồng thời thể hiện cam kết, khả năng tiếp nối những sáng kiến của Việt Nam về phụ nữ, hòa bình và an ninh, góp phần nâng cao vị thế, uy tín và hình ảnh của Việt Nam là thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, đóng góp thiết thực vào hòa bình, an ninh thế giới./.

--------------------------

(1) J. Ann Tickner: “Gender in International Relations: Feminist Perspectives on Achieving Global Security” (Tạm dịch: Vấn đề giới trong quan hệ quốc tế: Quan điểm về quyền của phụ nữ trong việc đạt được an ninh toàn cầu), Journal of American History, 108(2), tháng 12-1993; J. Ann Tickner: Gender in International Relations: Feminist Perspectives on Achieving Global Security (Tạm dịch: Vấn đề giới trong quan hệ quốc tế: Quan điểm về quyền của phụ nữ trong việc đạt được an ninh toàn cầu), Columbia University Press, 1992; Betty A. Reardon: Women and Peace: Feminist Visions of Global Security (Tạm dịch: Phụ nữ và hòa bình: Tầm nhìn về quyền của phụ nữ về an ninh toàn cầu), State University of New York Press, 1993

(2) Laura Sjoberg: “Gender and International Security: Feminist Perspectives” (Tạm dịch: An ninh giới và quốc tế: Quan điểm về quyền của phụ nữ), The British Journal of Criminology, Vol.50, No.6, tháng 10-2010, tr. 1195 - 1197; Zainab Olaitan: “Feminist Rethinking of the Representation of African Women in Peacebuilding: A Theoretical Analysis” (Tạm dịch: Chủ nghĩa vị nữ suy nghĩ lại về sự đại diện của phụ nữ châu Phi trong xây dựng hòa bình: Một phân tích lý thuyết), African Journal of Gender, Society and Development, London: 12(1), tháng 3-2023, tr. 185 – 207

(3) United Nations: “Security Council Resolution 1325” (Tạm dịch: Nghị quyết số 1325 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc), Peacewomen, 2023, https://www.peacewomen.org/SCR-1325

(4) Nguyễn Việt Lâm: “Vấn đề phụ nữ, hòa bình và an ninh tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hiện nay và sự tham gia của Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 17-5-2020, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/quoc-phong-an-ninh-oi-ngoai1/-/2018/816389/van-de-phu-nu%2C-hoa-binh-va-an-ninh-tai-hoi-dong-bao-an-lien-hop-quoc-hien-nay-va-su-tham-gia-cua-viet-nam.aspx

(5) Hữu Chiến: “ASEAN công bố nghiên cứu về phụ nữ, hòa bình và an ninh,” Tạp chí Tuyên giáo điện tử, ngày 9-3-2021, https://tuyengiao.vn/the-gioi/asean-cong-bo-nghien-cuu-ve-phu-nu-hoa-binh-va-an-ninh-132360

(6) Xem: “Implementing the Women, Peace and Security Agenda” (Tạm dịch: Thực hiện chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh), The Diplomatic Service of the European Union, ngày 21-1-2022, https://www.eeas.europa.eu/eeas/implementing-women-peace-and-security-agenda_en

(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 271

Nguồn: Chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh: Từ lý luận đến thực tiễn

PGS, TS ĐẶNG CẨM TÚ

Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao

www.tapchicongsan.org.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin mới nhất

Thị trường chứng khoán ngày 7/1: VN-Index hồi phục nhẹ

Thị trường chứng khoán ngày 7/1: VN-Index hồi phục nhẹ
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/1, sàn HOSE có 156 mã tăng và 252 mã giảm, VN-Index tăng 0,60 điểm (+0,05%), lên 1.

Tử vi vòng quay công nghệ ngày 8/1/2025: Tuổi Ngọ coi trọng sức khỏe, tuổi Hợi thuận lợi hơn

Tử vi vòng quay công nghệ ngày 8/1/2025: Tuổi Ngọ coi trọng sức khỏe, tuổi Hợi thuận lợi hơn
Những bí ẩn của khoa học đời sống là "món ăn" tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Tử vi vòng quay công nghệ xem tử vi 12 con giáp ngày 8/1/2025 cho tất cả các tuổi nhằm dự đoán vận hạn về công danh, tiền bạc, tình duyên, sức khỏe...

CEO Nguyễn Quang Huy: Tạo mã QR trên sổ đỏ tiện ích nhưng cũng nhiều rủi ro

CEO Nguyễn Quang Huy: Tạo mã QR trên sổ đỏ tiện ích nhưng cũng nhiều rủi ro
Theo chuyên gia Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính Ngân hàng (Đại học Nguyễn Trãi), các mã QR trên sổ đỏ sẽ mang lại nhiều tiện ích trong việc xác minh thông tin bất động sản, tuy nhiên, cũng tồn tại nhiều rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt khi cơ sở hạ tầng công nghệ và kiến thức của người dân chưa phát triển đồng bộ dẫn đến nhiều nguy cơ như mã QR giả mạo.

Chuyển đổi xanh - giải pháp căn cơ góp phần giảm phát thải

Chuyển đổi xanh - giải pháp căn cơ góp phần giảm phát thải
Biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, gây hậu quả khốc liệt, do đó, Việt Nam cần hành động nhanh hơn nữa, đồng thời triển khai thực hiện nghiêm cam kết về giảm phát thải và biến đổi khí hậu, hướng tới chuyển đổi xanh theo hướng tuần hoàn, bền vững.

Ô nhiễm không khí lên mức xấu, nguy cơ gia tăng bệnh tim mạch, đột quỵ

Ô nhiễm không khí lên mức xấu, nguy cơ gia tăng bệnh tim mạch, đột quỵ
Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội đang gia tăng, có thời điểm, chỉ số chất lượng không khí lên mức xấu. Điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, các bệnh tim mạch và đột quỵ.
Net Zero - Lộ trình chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp Việt Nam

Net Zero - Lộ trình chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp Việt Nam

Net Zero - Gửi tương lai

Net Zero - Gửi tương lai

Cầu treo dành cho người đi bộ không có giá đỡ dài nhất thế giới

Cầu treo dành cho người đi bộ không có giá đỡ dài nhất thế giới

Cuộc thi ảnh, video "Việt Nam hạnh phúc"

Cuộc thi ảnh, video "Việt Nam hạnh phúc"

Những ngôi mộ gió ở Lý Sơn- Phần 2

Những ngôi mộ gió ở Lý Sơn- Phần 2

5 Minute Countdown Timer

5 Minute Countdown Timer

Need a 5 minute timer for your next event? Look no further! This timer is perfect for morning services, youth sessions, ceremonies, church meetings, and many other things! Enjoy this nice and simple universal design to fit whatever you need it for.
Milky Way timelapse compilation & relaxation - 4K

Milky Way timelapse compilation & relaxation - 4K

The milky way is such a common subject to shoot for stills and timelapse. While many sequences feature wide-angle shots of our home galaxy, there seem to be lacking many close-ups (medium format, deep-sky timelapse). That's how I made the latter my specialty over the past 4 years, with a hand-crafted workflow that enabled me to produce some of the best detailed/colored time lapses of the milky way on the market for that resolution.
NOX ATACAMA | 8K

NOX ATACAMA | 8K

The Atacama desert is home to the darkest and cleanest skies in the world. A view to the nightsky rewards with uncountable numbers of stars and fantastic nebulas in one of the most quiet a empty places on earth. Not a single noise distracts from the grand show the nightsky has to offer. The environment is harsh though. Filmed in freezing temperatures, altitudes up to 5000m/16000ft, salt lakes and icy slopes, the Atacama is not friendly to life and equipment. Though it provides without doubt for epic and vast vistas of one of the greatest landscapes on earth.