Chuyển biến tích cực trong quản lý chất thải rắn ở Đà Nẵng
Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng thông tin, năm 2018, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 204/NQ-HĐND về quản lý rác sinh hoạt của thành phố đến năm 2025, với mục tiêu đề ra phải giảm tối đa ô nhiễm môi trường do chất thải rắn gây ra; nâng cao chất lượng công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác; thu hút các thành phần từ khu vực tư nhân trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác. Cụ thể, đối với việc giảm rác phát sinh tại nguồn, từ năm 2019, thành phố triển khai phân loại rác sinh hoạt tại nguồn, hiện đã có 96,63% số tổ dân phố, thôn; 93,45% tổng số hộ gia đình; 91,83% tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ quan, tổ chức được tuyên truyền và phân loại đối với nhóm rác có thể tái sử dụng, tái chế như giấy, nhựa, kim loại...
Để nâng cao hiệu quả công tác thu gom, phân loại, vận chuyển rác, vệ sinh công cộng, thành phố đã đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành hai trạm trung chuyển rác với công nghệ hiện đại ở khu vực quận Sơn Trà và đường Lê Thanh Nghị. Đồng thời đang chuẩn bị đầu tư thêm một số trạm trung chuyển rác khác cũng như nghiên cứu cải tạo các điểm tập kết rác khác ở khu vực đô thị, nông thôn, góp phần bảo đảm cảnh quan, môi trường sạch, đẹp và văn minh.
Đà Nẵng đến năm 2030 sẽ được kiểm soát chặt chẽ đối với hoạt động phát sinh chất thải cả về số lượng và chất lượng |
Bên cạnh đó, thông qua việc đấu thầu dịch vụ thu gom, vận chuyển rác và vệ sinh công cộng tạo sự cạnh tranh công bằng; công tác phối hợp kiểm tra, giám sát vệ sinh môi trường từ quận, huyện đến phường, xã được đẩy mạnh; việc tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh của người dân về vệ sinh môi trường được giải quyết kịp thời. Đặc biệt, phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển rác và vệ sinh công cộng được đầu tư theo hướng cơ giới hóa, góp phần bảo đảm mỹ quan đô thị và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhờ vậy, tình hình vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố được cải thiện theo hướng tích cực.
Thành phố đang thực hiện các giải pháp bảo đảm đầu tư toàn diện công tác xử lý rác an toàn, bảo đảm an ninh rác trên địa bàn thành phố đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050. Đối với Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn, năm 2019, UBND thành phố phê duyệt đầu tư dự án Nâng cấp, cải tạo một số hạng mục tại bãi rác Khánh Sơn với mục tiêu tăng khả năng tiếp nhận rác của 5 hộc chôn lấp rác (số 1 đến số 5) và đầu tư mới hộc chôn lấp rác số 6. Đến năm 2021, thành phố đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước rỉ rác giai đoạn 2, nâng tổng công suất xử lý nước rỉ rác lên 1.750m3/ngày, bảo đảm toàn bộ nước rỉ rác thu gom về được xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường.
Qua quá trình đầu tư, đến nay, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn được đánh giá là khu xử lý chất thải rắn có hạ tầng kỹ thuật cơ bản tốt, thu gom và xử lý nước rỉ rác đạt quy chuẩn, bảo đảm công tác vận hành chôn lấp rác hợp vệ sinh. Thành phố cũng đang kêu gọi đầu tư đổi mới công nghệ xử lý rác thay thế dần công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh đối với dự án Nhà máy đốt chất thải rắn phát điện tại Khánh Sơn có công suất xử lý rác 650 tấn/ngày, dự kiến thời gian đưa vào sử dụng từ quý 3-2026...
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng - ông Võ Nguyên Chương cho biết, thời gian tới, thành phố đầu tư hộc rác số 7 và hợp nhất các hộc rác hiện trạng để nâng công suất chôn lấp rác hợp vệ sinh. Điều đáng mừng là khối lượng rác sinh hoạt tại nguồn được vận chuyển lên chôn lấp giảm so với dự báo. Có khoảng 25% tổng khối lượng rác sinh hoạt được phân loại tại nguồn, trong đó có 93% khối lượng rác đó được tái chế, tái sử dụng, giảm đáng kể khối lượng rác phải chôn lấp tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn.
Hiện thành phố tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn đến năm 2030 và tiếp tục nghiên cứu quy hoạch khu xử lý chất thải rắn phía tây định hướng đến năm 2050. Đồng thời, Đà Nẵng cũng đang kêu gọi đầu tư các dự án: nhà máy xử lý chất thải đa năng; nhà máy xử lý thực phẩm thừa, rác thải hữu cơ, bùn thải; lò đốt chất thải nguy hại (đầu tư mới); khu chôn lấp tro xỉ tổng thể... để hoàn thiện hạ tầng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn.
Chủ trương về quản lý CTRSH của thành phố Đà Nẵng đến năm 2025
Trước thực trạng quản lý CTRSH của thành phố nêu trên, ngày 19/12/2018, HĐND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết số 204/NQ-HĐND về việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt đến năm 2025, trong đó đề ra các mục tiêu như sau:
Tất cả các phường, xã tổ chức phân loại CTRSH tại hộ gia đình, 100% khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ quan, tổ chức thực hiện phân loại rác thải tại nguồn.
Tỷ lệ CTRSH tái chế, tái sử dụng đạt 12% năm 2020 và 15% năm 2025.
95% tổng lượng CTRSH phát sinh được thu gom và xử lý.
Đảm bảo tất cả các khu dân cư, khu đô thị có điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH được quy hoạch, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.
Đáp ứng về phương tiện thu gom, vận chuyển, không để rơi vãi CTRSH tại điểm tập kết và trên đường vận chuyển.
Đến năm 2020, dừng hoạt động chôn lấp CTRSH không đảm bảo vệ sinh tại bãi chôn lấp; đầu tư xây dựng mới nhà máy xử lý CTR và nâng cấp các công trình đảm bảo xử lý triệt để các nguồn thải phát sinh từ Bãi chôn lấp rác Khánh Sơn, quận Liên Chiểu.
Đầu tư cơ sở xử lý CTRSH có tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 25%.
Nguồn: Chuyển biến tích cực trong quản lý chất thải rắn ở Đà Nẵng