Chuyên đề toán lớp 4 Chương trình GDPT 2018: Hướng đến các tiết học vui vẻ, sôi nổi lấy học sinh làm trung tâm
Tham dự chuyên đề có đại diện Phòng GD&ĐT, đại diện giám hiệu, giáo viên giảng dạy khối 4 của 20/20 trường tiểu học trong quận. Các cô giáo Vũ Thị Hương Giang - Trường Tiểu học Kim Đồng và Nguyễn Minh Châu - Trường Tiểu học Hoàng Diệu thực hiện giảng dạy tiết chuyên đề.
Năm học 2023-2024, bậc Tiểu học thực hiện thay sách giáo khoa lớp 4. Ngay từ trước khi năm học bắt đầu, Sở GD&ĐT Hà Nội, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình đã chỉ đạo việc bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên nhằm mang lại cho các thầy cô sự chủ động, sáng tạo, đáp ứng kịp thời những đổi mới của chương trình. Phòng GD&ĐT quận Ba Đình đã nỗ lực tổ chức nhiều chuyên đề thiết thực, bổ ích giúp các nhà trường giải đáp những băn khoăn, thắc mắc khi tiếp cận SGK mới; mời chuyên gia, tác giả chủ biên sách đến chia sẻ kinh nghiệm để các giáo viên hiểu rõ mục tiêu hoặc yêu cầu cần đạt, những đổi mới về nội dung khi giảng dạy từng môn học.
Tiết Toán lớp do cô giáo Vũ Thị Hương Giang - Trường Tiểu học Kim Đồng thực hiện với bài “Góc nhọn, góc tù, góc bẹt”.
Chuyên đề môn Toán do các giáo viên của Trường Tiểu học Kim Đồng và Trường Tiểu học Hoàng Diệu hôm nay thực hiện đã làm nổi rõ sự sáng tạo của giáo viên trong mỗi tiết học. Việc “Lấy học sinh làm trung tâm” đã khiến các tiết học vui vẻ, sôi nổi, học sinh chủ động, hào hứng tham gia tiếp nhận kiến thức một cách tích cực nhất.
Dưới sự hướng dẫn của cô giáo, học sinh được tự tìm hiểu, thảo luận nhóm, trao đổi những hiểu biết khi xác định các góc đã học, kiểm tra độ lớn của các góc trong bài. Tiết học diễn ra tự nhiên, sôi nổi và hiệu quả. Việc giáo viên tổ chức hoạt động hợp lý, tích hợp các phương pháp dạy học tích cực và lồng ghép hoạt động STEM giúp các con học sinh được chủ động tiếp thu kiến thức, hiểu đặc điểm các góc, thực hành vẽ góc… Trong phần vận dụng, qua video hướng dẫn, học sinh chia nhóm thực hành hoạt động Góc biến hình từ các miếng bìa màu và kéo. Chỉ từ các vật liệu đơn giản, nhờ sự sáng tạo và khéo léo, các nhóm học sinh đã hoàn thành sản phẩm, biểu diễn các góc biến hình đẹp mắt, tạo ra các góc vuông, góc nhọn, góc tù, góc bẹt rồi chia sẻ với nhau qua trò chơi: Pác-man ăn gì? Cuối tiết học, các con học sinh hào hứng, phấn khởi tự bình chọn sản phẩm STEM mình yêu thích nhất và được cô giáo tuyên dương, khen ngợi. Cô trò cùng nhau chia sẻ những ứng dụng về góc trong thực tế cuộc sống. Việc thiết kế phần mềm phục vụ bài dạy của giáo viên rất hợp lý, khoa học, phù hợp với đặc trưng môn Toán cũng góp phần không nhỏ cuốn hút học sinh tham gia vào bài học và rèn được những kỹ năng cần thiết: chủ động tiếp thu, tự tin giao tiếp, vui vẻ hợp tác…
Áp dụng phương pháp dạy học hiện đại trong tiết Toán của Trường Tiểu học Hoàng Diệu. |
Tiết Toán lớp do cô giáo Nguyễn Minh Châu - Trường Tiểu học Hoàng Diệu thực hiện với bài “Viết số tự nhiên trong hệ thập phân”. |
Chương trình GDPT 2018 đã trao cho giáo viên cơ hội được chủ động trong việc lựa chọn, sắp xếp nội dung học tập nhằm phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh. Chính vì vậy ở tiết dạy, cô giáo đã tổ chức các hoạt động của bài học theo hướng phát triển năng lực học sinh thông qua 4 hoạt động cơ bản: Hoạt động 1- Khởi động; Hoạt động 2 - Hình thành kiến thức; Hoạt động 3 - Thực hành luyện tập; Hoạt động 4 - Vận dụng. Ở hoạt động khởi động, cô giáo Nguyễn Minh Châu đã tổ chức cho học sinh ôn lại kiến thức cũ thông qua trò chơi “Thử tài đoán số”. Những số học sinh tìm ra qua trò chơi chính là những số tự nhiên. Vậy số tự nhiên được viết như thế nào? Đó là vấn đề được nêu ra trong tiết học và cô trò lớp 4A2 đã sôi nổi say mê khám phá. Những chữ số 0, 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 xuất hiện trong trò chơi chính là những chữ số dùng để viết số tự nhiên trong hệ thập phân. Với 10 chữ số này có thể viết được mọi số tự nhiên trong hệ thập phân.
Từ bài cũ, chuyển sang bài mới thật tự nhiên và hấp dẫn. Trong giờ học, cô giáo Nguyễn Minh Châu đã phối hợp nhiều phương pháp dạy học tích cực: Hỏi - đáp, làm việc nhóm, thực hành, trò chơi… sử dụng thành thạo các kĩ thuật dạy học một cách hợp lí trong từng hoạt động khiến cho tiết học trở nên vui tươi, gần gũi và dễ hiểu. Áp dụng phương pháp KWL trong tiết dạy, cô giáo để học sinh tự nêu vấn đề của mình và tìm cách giải quyết. Giáo viên yêu cầu học sinh nêu những điều đã biết về hệ thập phân (Know) - những điều em muốn biết về hệ thập phân (Want) - những điều em đã học được (Learned). Từ những điều đã biết làm cơ sở phát hiện kiến thức mới. Khả năng ứng dụng công nghệ thông tin tốt trong thiết kế bài giảng điện tử của cô giáo đã giúp cho việc lĩnh hội kiến thức của học sinh được dễ dàng và hiệu quả hơn.
Trong suốt quá trình tiết học diễn ra, học sinh học tập sôi nổi, chủ động, tích cực hợp tác nhóm và hoàn thành tốt mục tiêu tiết học. Dưới sự hướng dẫn của cô giáo Minh Châu, học sinh được tìm hiểu, trao đổi và tự tin trình bày những hiểu biết của mình về số tự nhiên trong hệ thập phân, được học cách so sánh số tự nhiên trong hệ thập phân. Thông qua tiết học Toán, năng lực toán học, năng lực giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề của học sinh cũng nhờ đó mà được rèn luyện và phát triển.
Phòng GD&ĐT quận Ba Đình cùng Ban Giám hiệu hai trường chúc mừng hai cô giáo dạy tiết chuyên đề. |
Phòng GD&ĐT quận Ba Đình đã luôn chỉ đạo sát sao và giúp đỡ nhiệt tình các cô giáo thực hiện tiết dạy, giải đáp những băn khoăn vướng mắc của các cô giáo. Ở tiết dạy của cô giáo Hương Giang, cô luôn trăn trở tìm các hình thức để đưa những hình ảnh gần gũi từ cuộc sống vào bài học và từ bài học lại được áp dụng trong cuộc sống. Đồng thời dựa trên nền kiến thức toán học để tạo ra các sản phẩm STEM thì sẽ kích thích khả năng tư duy, sáng tạo và hứng thú học tập của học sinh. Có như vậy học sinh thấy được toán học và cuộc sống vô cùng gần gũi và thêm yêu thích học môn toán.
Còn cô giáo Nguyễn Minh Châu luôn suy nghĩ tìm cách phát huy những kiến thức mà học sinh đã biết để dẫn dắt vào những bài học mang nhiều kiến thức tổng hợp và trừu tượng. Qua đó giúp cho các em mạnh dạn thể hiện những suy nghĩ của mình, tự tin chiếm lĩnh kiến thức toán học.
02 tiết dạy chuyên đề Toán 4 được ban giám hiệu các trường và giáo viên đánh giá rất cao về tinh thần mạnh dạn, đổi mới sáng tạo phương pháp, hình thức tổ chức dạy học. Thông qua chuyên đề, các cán bộ quản lý và giáo viên rút ra được những kinh nghiệm, đưa ra các giải pháp về việc tổ chức hoạt động dạy học, việc tích hợp các nội dung giảng dạy, sự chủ động của giáo viên trong việc chọn lựa hoạt động phù hợp với đối tượng học sinh, chú trọng việc rèn luyện năng lực. phẩm chất gắn với những tình huống của cuộc sống.