Chuyển đổi cơ cấu, tăng tính kết nối trong chăn nuôi
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến cuối năm 2023, tổng đàn lợn cả nước đạt 25,5 triệu con (chưa tính khoảng 4 triệu lợn con theo mẹ), tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022. Năm 2023 là năm có số đầu con lợn cao nhất trong 5 năm trở lại đây và tốc độ tăng trưởng về đầu con đạt trung bình là 6,0%/năm trong giai đoạn 2019 - 2023. Tổng đàn lợn đến thời điểm cuối tháng 6/2024 ước tính đạt 25.549,2 nghìn con, tăng khoảng 2,9% so với cùng thời điểm năm 2023 (theo Tổng cục Thống kê). Trong đó, đàn lợn vùng Tây Nguyên có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất cả nước, tăng 16,5%.
Ngành chăn nuôi đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo xu hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ ở hộ gia đình, tăng mạnh các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp và trang trại quy mô lớn. Trong 5 năm qua, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ giảm từ 5-7%/năm. Riêng giai đoạn 2019-2022, cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ giảm 15-20%. Hiện nay sản lượng lợn sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 35-40%; sản lượng lợn sản xuất trong hộ chuyên nghiệp và trang trại chiếm 60-65%.
(Ảnh minh họa) |
Cục Chăn nuôi cho biết, chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ không bị mất đi hoàn toàn, vì đó là sinh kế của hàng triệu hộ chăn nuôi được hình thành bao đời nay. Tuy nhiên, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ muốn đứng vững buộc phải liên kết với nhau nhằm tăng sức mạnh để trở thành thành viên của tổ nhóm, HTX, hoặc liên kết với doanh nghiệp. Còn muốn đứng vững độc lập thì các hộ chăn nuôi buộc phải chăn nuôi chuyên nghiệp hoặc chăn nuôi con đặc sản, quý hiếm có giá trị cao, chăn nuôi hữu cơ, sinh thái gắn với dụ lịch.
Cũng theo Cục Chăn nuôi, xu hướng tất yếu của chăn nuôi lợn hiện nay là chuyển từ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ (nông hộ) sang chăn nuôi trang trại và chăn nuôi trang trại kết hợp với liên kết HTX, tổ hợp tác (liên kết ngang), liên kết giữa các khâu và liên kết theo chuỗi khép kín (liên kết dọc), trong đó doanh nghiệp là trung tâm. Vì vậy, số hộ chăn nuôi lợn có quy mô nhỏ giảm dần theo từng năm do không cạnh tranh được về giá thành, chất lượng, an toàn thực phẩm.
Một vấn đề khác cũng cần được lưu ý, đó là về dịch bệnh trên đàn gia súc. Theo Cục Thú y, thực tế dịch bệnh xảy ra chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, sát trùng, tiêu độc và chăn nuôi an toàn sinh học. Mặc dù đã có vaccine dịch tả lợn châu Phi, nhưng các địa phương và người chăn nuôi chưa tổ chức tiêm phòng rộng rãi cho đàn lợn thịt; một số địa phương còn chủ quan, lơ là, buông lỏng công tác phòng chống dịch bệnh.
Nguồn: Chuyển đổi cơ cấu, tăng tính kết nối trong chăn nuôi