Chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống thành khu công nghiệp xanh: Thách thức và cơ hội
Tại Việt Nam, với sự gia tăng đầu tư từ cả trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp đang ngày càng chú trọng đến tiêu chuẩn phát triển bền vững và mục tiêu "Net Zero" vào năm 2050. Đây là mục tiêu quan trọng nhằm giảm thiểu khí thải carbon, bảo vệ môi trường, đồng thời duy trì sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hành trình chuyển đổi này cũng đặt ra nhiều thách thức đáng kể, đòi hỏi sự quyết tâm, hỗ trợ chính sách, và sự đổi mới từ cả Nhà nước lẫn cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Thomas Rooney, Quản lý Cấp cao của Bộ phận Bất động sản công nghiệp Savills Hà Nội cho biết, việc chuyển đổi các KCN truyền thống thành KCN xanh là xu hướng quan trọng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, và Philippines, nơi đã có nhiều trung tâm công nghiệp sinh thái và KCN xanh.
Phát triển các KCN xanh là xu thế không thể tất yếu chứ không phải là lựa chọn. Ảnh: Tham khảo |
Thách thức trong quá trình chuyển đổi
Việc chuyển đổi từ mô hình KCN truyền thống sang KCN xanh không chỉ đơn giản là sự thay đổi về hạ tầng hay công nghệ, mà còn đòi hỏi một cuộc cách mạng toàn diện trong tư duy và quản lý. Thực tế tại Việt Nam, các khu công nghiệp vẫn đang loay hoay tìm lời giải để cân bằng giữa lợi ích kinh tế và trách nhiệm môi trường.
Một trong những thách thức lớn nhất là chi phí đầu tư ban đầu. KCN xanh yêu cầu sử dụng các công nghệ mới, thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng, đồng thời đòi hỏi các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn. Việc xây dựng hạ tầng xanh, áp dụng năng lượng tái tạo, và sử dụng vật liệu tái chế đều đòi hỏi chi phí lớn, vượt xa so với việc duy trì mô hình KCN truyền thống. Điều này đòi hỏi sự xem xét kỹ lưỡng từ phía các nhà đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều biến động.
Bên cạnh đó, hệ thống pháp lý tại Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện để hỗ trợ cho việc phát triển KCN xanh. Các quy định liên quan đến KCN xanh - thông minh hiện vẫn còn rải rác, thiếu đồng bộ và chưa đủ chi tiết để hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp. Quy chuẩn về tuần hoàn, tái sử dụng chất thải, cũng như các quy định về ứng dụng công nghệ thông minh trong quản lý và sản xuất còn mơ hồ. Điều này không chỉ tạo ra những rào cản về pháp lý mà còn khiến doanh nghiệp khó khăn trong việc định hướng và triển khai mô hình KCN xanh một cách hiệu quả.
Một yếu tố quan trọng khác là sự phản đối từ các cộng đồng dân cư khi đất đai bị thu hồi để phát triển KCN. Sự thiếu hài hòa trong quy hoạch, thiếu sự đồng thuận của người dân, và những xung đột lợi ích kinh tế-xã hội đã và đang là nguyên nhân dẫn đến nhiều dự án KCN gặp khó khăn trong việc triển khai.
Cơ hội từ sự chuyển đổi
Dù đối mặt với nhiều thách thức, việc chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN xanh cũng mang lại những cơ hội to lớn cho Việt Nam. Trước hết, KCN xanh là một giải pháp hiệu quả để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Thông qua việc sử dụng năng lượng tái tạo như mặt trời, gió, và nước, kết hợp với việc quản lý chất thải hiệu quả, KCN xanh không chỉ góp phần giảm lượng khí thải carbon mà còn nâng cao chất lượng không khí và nước, cải thiện sức khỏe cộng đồng.
Hệ thống xử lý nước thải hiện đại tại Công ty TNHH KHKT Texhong Ngân Hà (KCN Cảng biển Hải Hà - Quảng Ninh). Ảnh: Tham khảo |
KCN xanh cũng mở ra cơ hội lớn trong việc thu hút đầu tư quốc tế. Các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt từ các quốc gia phát triển, đang ngày càng ưu tiên các tiêu chí bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội trong quá trình đầu tư. Việt Nam, với chiến lược phát triển KCN xanh, có thể trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư có trách nhiệm và mong muốn đóng góp vào sự phát triển bền vững.
Ngoài ra, KCN xanh còn là cơ hội để Việt Nam nâng cao năng lực công nghệ và quản lý. Việc áp dụng các công nghệ mới, từ năng lượng tái tạo đến các hệ thống quản lý thông minh, không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận hành mà còn tạo ra những sản phẩm và dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, việc phát triển các mô hình KCN xanh còn góp phần nâng cao hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế, khẳng định vai trò tích cực của Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Ông Nguyễn Quang Vinh – PCT Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiêm CTHĐ Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), nhận định rằng việc xây dựng các khu công nghiệp bền vững mang lại nhiều lợi ích to lớn, không chỉ về mặt kinh tế mà còn về môi trường và xã hội. Những lợi ích này bao gồm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, thúc đẩy sự đổi mới và hợp tác, nâng cao uy tín và hình ảnh thương hiệu, đồng thời giảm thiểu rủi ro pháp lý trong tương lai, cải thiện điều kiện làm việc trong các khu công nghiệp và mang lại lợi ích cho cộng đồng xung quanh.
Cầm sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước và doanh nghiệp
Hiện nay, nhận thức của các doanh nghiệp về khái niệm khu công nghiệp bền vững vẫn còn hạn chế, với 50% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp được khảo sát cho biết chưa nghe đến khái niệm này, 30% có nghe nhưng chưa hiểu rõ và chỉ 20% thực sự nắm vững. Để vượt qua các thách thức và nắm bắt cơ hội từ xu hướng khu công nghiệp xanh, sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước và doanh nghiệp là yếu tố quyết định.
Về phía Nhà nước, cần sớm nghiên cứu và đưa ra các giải pháp để hỗ trợ quá trình chuyển đổi mô hình của các khu công nghiệp. Nhà nước cần hoàn thiện hành lang pháp lý, ban hành các chính sách ưu đãi về đất đai, tài chính, và tín dụng để khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi.
Theo nhiều chuyên gia, để thực hiện thành công mô hình KCN xanh, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về chế độ, chính sách đối với nhân dân khu vực có đất bị thu hồi cũng như với chủ đầu tư xây dựng KCN sinh thái, do tỷ suất đầu tư lớn. Bên cạnh đó là các chính sách ở tầm vĩ mô như quy hoạch "vùng đệm" ổn định, lâu dài và không bị phá vỡ bởi các dự án khác. Quy hoạch phát triển KCN xanh phải hài hòa với quy hoạch chung và quy hoạch sử dụng đất để bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững.
Ngoài việc xử lý nước thải trong KCN, cần xử lý nước thải trong khu dân cư liền kề; quản lý đầu tư vào KCN để không phá vỡ quy hoạch và mục tiêu môi trường đặt ra; quan tâm xây dựng nhà ở cho người lao động trong KCN; xây dựng các trung tâm thương mại, dịch vụ chung quanh các KCN để đời sống người lao động ngày càng tốt hơn.
Về phía doanh nghiệp, mặc dù phát triển bền vững đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn, nhưng không thể bỏ qua xu hướng này. Với khoảng 418 khu công nghiệp đã được thành lập, trong đó có 298 khu công nghiệp đi vào hoạt động với tổng diện tích khoảng 92.200 ha, Việt Nam được đánh giá còn nhiều dư địa để phát triển các khu công nghiệp xanh, sinh thái và bền vững. Doanh nghiệp cần chủ động trong việc áp dụng các công nghệ ít carbon, sử dụng năng lượng tái tạo và hợp tác với nhau trong các mô hình kinh tế tuần hoàn.
Chuyển đổi KCN truyền thống thành KCN xanh là một bước đi đầy thách thức nhưng cũng tràn đầy cơ hội. Để thực hiện thành công, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, từ Nhà nước đến doanh nghiệp và cộng đồng. Sự hỗ trợ về chính sách, quy hoạch, và công nghệ sẽ là yếu tố quyết định, giúp Việt Nam vượt qua những rào cản hiện tại và vươn lên trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong phát triển kinh tế xanh và bền vững.
Nguồn: Chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống thành khu công nghiệp xanh: Thách thức và cơ hội