Chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành giao thông vận tải
Theo đó, để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải carbon, metan, Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm: Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, quy hoạch. Cụ thể: Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trước hết là các luật chuyên ngành, trong đó tích hợp các nội dung, quy định và cam kết quốc tế liên quan đến chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính; bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các quy định về điều kiện tham gia giao thông, điều kiện kinh doanh, niên hạn sử dụng, đăng ký, đăng kiểm để giảm dần số lượng và tiến tới loại bỏ hoàn toàn phương tiện, trang thiết bị giao thông vận tải sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, định mức... liên quan đến sản xuất, đóng mới, chuyển đổi, hoán cải, nhập khẩu, quản lý, vận hành, khai thác phương tiện, trang thiết bị giao thông vận tải có hiệu suất năng lượng cao, sử dụng điện, năng lượng xanh. Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nâng cao năng lực tài chính, năng lực kỹ thuật để đầu tư hạ tầng, phương tiện, trang thiết bị, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng được sự đổi mới theo hướng chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính và tham gia trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon.
Ngày càng nhiều người dân sử dụng phương tiện công cộng để di chuyển. |
Nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung các chiến lược, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành giao thông vận tải và các quy hoạch, kế hoạch liên quan khác đảm bảo việc định hướng đầu tư, xây dựng, nâng cấp, vận hành khai thác kết cấu hạ tầng giao thông phù hợp và đồng bộ với đầu tư, khai thác phương tiện, trang thiết bị giao thông sử dụng điện, năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính.
Chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh: Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (Xây dựng chương trình chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với phương tiện cơ giới đường bộ; Xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng năng lượng hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh; Phương tiện giao thông đường sắt: Thực hiện chương trình chuyển đổi đầu máy, toa xe có động cơ sử dụng năng lượng hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh).
Phương tiện thủy nội địa (Xây dựng chương trình chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với phương tiện thủy nội địa; Xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện giao thông thủy nội địa sử dụng năng lượng hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh).
Tàu biển hoạt động tuyến nội địa (Xây dựng chương trình chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh hoặc các biện pháp tương đương đối với tàu biển; Xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi tàu biển sử dụng năng lượng hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Máy bay (Xây dựng chương trình chuyển đổi sử dụng năng lượng xanh, nhiên liệu bền vững đối với tàu bay; Xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi tàu bay sử dụng năng lượng hóa thạch sang sử dụng năng lượng xanh, nhiên liệu bền vững.
Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh: Đường bộ (Ưu tiên hoàn thành 5.000 km đường bộ cao tốc; cơ bản hoàn thành các tuyến cao tốc kết nối liên vùng, kết nối các cảng biển cửa ngõ quốc tế, cảng hàng không quốc tế; kết nối thuận lợi các quyết quốc lộ đến các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cảng thủy nội địa lớn, các ga đường sắt đầu mối; Quy hoạch và xây dựng: hệ thống trạm sạc điện, trạm cấp năng lượng xanh trên mạng quốc lộ chính yếu, mở rộng ra mạng lưới đường bộ toàn quốc; hạ tầng trạm sạc điện, trạm cấp năng lượng xanh cho phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tại các cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng hàng không, bến xe và nhà ga; Xây dựng quy định, tiêu chí bến xe khách xanh, trạm dừng nghỉ xanh; xây dựng chính sách khuyến khích chuyển đổi bến xe khách, trạm dừng nghỉ theo tiêu chí xanh; Xây dựng, thực hiện chương trình chuyển đổi toàn bộ bến xe khách, trạm dừng nghỉ theo tiêu chí xanh).
Đường sắt (Xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; nâng cấp 7 tuyến đường sắt hiện hữu; ưu tiên xây dựng một số tuyến đường sắt kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế đặc biệt khu vực Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu; kết nối TP. HCM với Cần Thơ; tiếp tục đầu tư hoàn thành các tuyến đường sắt mới tại khu đầu mối Hà Nội, khu đầu mối TP. HCM, đường sắt kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, kết nối các tỉnh Tây Nguyên. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư và đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch được duyệt; Cải tạo, nâng cấp hạ tầng tuyến, ga đường sắt hiện có, cơ bản đáp ứng việc chuyển đổi phương tiện đường sắt sử dụng điện, năng lượng xanh; Thí điểm xây dựng một số đoạn tuyến đường sắt mới đáp ứng việc chuyển đổi phương tiện đường sắt sử dụng điện, năng lượng xanh tiến tới đầu tư xây dựng, phát triển toàn bộ các tuyến đường sắt mới theo định hướng điện khí hóa đáp ứng cho phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh; Xây dựng quy định, tiêu chí nhà ga xanh và triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi toàn bộ nhà ga theo tiêu chí xanh).
Đường thủy nội địa (Cải tạo, nâng cấp các tuyến chính đáp ứng chạy tàu 24/24 giờ; phấn đấu tổng chiều dài các tuyến khai thác đồng bộ theo cấp kỹ thuật đạt khoảng 5.000 km; phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa, từng bước hiện đại hóa các cảng chính, cảng chuyên dùng; Xây dựng, ban hành quy định, tiêu chí cảng thủy nội địa xanh; triển khai, áp dụng mô hình cảng xanh; Quy hoạch và xây dựng hệ thống hạ tầng cung cấp điện, năng lượng xanh cho phương tiện và trang thiết bị tại các cảng thủy nội địa; Xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp cảng thủy nội địa chuyển đổi năng lượng xanh).
Hàng hải (Phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại, dịch vụ chất lượng cao, ưu tiên phát triển các khu bến cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, Cái Mép; triển khai đề án phát triển cảng xanh; Xây dựng, ban hành quy định, tiêu chí cảng xanh; triển khai áp dụng tiêu chí cảng xanh tại các cảng biển Việt Nam; Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển, chuyển đổi cảng xanh).
Hàng không (Phát triển hệ thống cảng hàng không hợp lý, theo hướng đồng bộ, hiện đại, ưu tiên tập trung đầu tư một số cảng hàng không lớn như cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Long Thành; từng bước nâng cấp và khai thác có hiệu quả 22 cảng hàng không hiện hữu, đầu tư 06 cảng hàng không mới; Quy hoạch và xây dựng hệ thống hạ tầng cung cấp điện, năng lượng xanh cho tàu bay, phương tiện mặt đất và các trang thiết bị tại cảng hàng không; Xây dựng quy định, tiêu chí cảng hàng không, sân bay xanh; xây dựng và thực hiện chương trình chuyển đổi cảng hàng không, sân bay xanh).
Giao thông đô thị (Quy hoạch và xây dựng hệ thống hạ tầng cung cấp điện, năng lượng xanh cho phương tiện giao thông tại các đô thị; Đẩy nhanh tiến độ đầu tư và đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch đã được phê duyệt; mở rộng, phát triển hạ tầng phục vụ phương tiện giao thông công cộng; Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phi cơ giới, điểm trông giữ phương tiện kết nối hợp lý với các phương thức vận tải hành khách công cộng khác)…/.
Nguồn: Chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành giao thông vận tải