Chuyển đổi số để hướng đến phát triển nông nghiệp xanh bền vững
Phát triển nền nông nghiệp xanh- thân thiện với môi trường Giảm phát thải khí nhà kính để phát triển xanh bền vững |
Ngày 17/8, trong khuôn khổ dự án "Thúc đẩy đầu tư của tư nhân vào nông nghiệp carbon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu", Bộ NN&PTNT phối hợp với UNDP tổ chức hội thảo "Chuyển đổi số hướng tới nông nghiệp xanh và phát triển bền vững".
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung vào số hóa dữ liệu để phục vụ việc ứng dụng số hóa trong ngành NNPTNT trong thời gian tới.
Mô hình sản xuất rau an toàn là hướng đi mới cho nhiều hợp tác xã.Nguồn: ITN |
Hiện nay, tỉ lệ nông dân Việt Nam sử dụng internet hằng ngày khá cao. Đây là một trong những thuận lợi giúp nông dân ứng dụng số hóa vào trong sản xuất. Việc ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ giúp sản phẩm nông, lâm, thủy sản của nông dân đáp ứng được đòi hỏi của thị trường về tính minh bạch trong quá trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm mà chuyển đổi số còn giúp nông dân gia tăng giá trị, hiệu quả của sản phẩm nông, lâm, thủy sản.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung nhấn mạnh đến việc thiết lập kiến trúc dữ liệu nền tảng số của ngành nông nghiệp, cũng như tăng cường sự phối hợp giữa địa phương với Trung ương trong bảo vệ các hoạt động nông nghiệp xanh và bền vững.
Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết, theo "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Đến nay, Bộ NN&PTNT đã thành lập Trung tâm Chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp thực hiện chức năng tham mưu, tổ chức triển khai hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử trong Bộ và ngành NNPTNT.
Với sự nỗ lực, quyết tâm của các bên liên quan, sự phối hợp chặt chẽ của Bộ NN&PTNT với UNDP, các tổ chức quốc tế và các địa phương sẽ góp phần thực hiện thành công chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn là yêu cầu tất yếu khách quan và là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của cả hệ thống, của ngành, doanh nghiệp, khoa học công nghệ và đặc biệt là người nông dân; là phương thức để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong chuỗi sản xuất, chế biến, thị trường và nền kinh tế.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, khoa học và công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục phát triển, là giải pháp đột phá về năng suất, chất lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời tạo 3 trục sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, phát triển theo hướng nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp thông minh.
Theo ông Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS), cơ sở hạ tầng số ở nông thôn còn thiếu, trong khi nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của nông dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu số phục vụ nông nghiệp còn rải rác, chưa được thiết kế và số hóa đồng bộ. Nông nghiệp thông minh và công nghệ cao cần phải đầu tư hơn nhiều so với nông nghiệp truyền thống nên phần lớn các hộ không đủ điều kiện để đầu tư.
Công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật mặc dù đã được đầu tư chuyên sâu nhưng vẫn còn chưa theo kịp thực tiễn yêu cầu sản xuất; các tiêu chí về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh cùng với các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình sản xuất cho từng đối tượng vật nuôi, cây trồng chưa được ban hành. Ngoài ra, nguồn lực từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn tín dụng trong đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh còn hạn chế.
Nguồn:Chuyển đổi số để hướng đến phát triển nông nghiệp xanh bền vững