Chuyển động Năng lượng bền vững tuần qua: Đầu tư cho năng lượng tái tạo tăng mạnh
Ảnh minh họa/ https://kinhtexaydung.petrotimes.vn |
Đầu tư cho năng lượng tái tạo tăng mạnh
Báo The National (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất) cho biết, đầu tư cho năng lượng tái tạo năm 2022 đã lên tới gần 500 tỷ USD, lần đầu tiên vượt qua lượng vốn dành cho các dự án dầu và khí đốt, ở mức chưa tới 450 tỷ USD, với động lực chính là để có thể đảm bảo được nguồn năng lượng giá rẻ.
Đáng chú ý, nguồn đầu tư vào năng lượng tái tạo đạt được bước tiến đáng kể như thời gian qua có một phần đóng góp không nhỏ từ chính các quốc gia xuất khẩu dầu và khí đốt hàng đầu thế giới.
Theo đó, vùng Vịnh - nơi chưa 1/3 trữ lượng dầu của thế giới đang mở đường cho một cuộc cách mạng xanh. Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã dành tới hơn 160 tỷ USD trong ngân sách để phát triển năng lượng xanh. Saudi Arabia - quốc gia xuất khẩu dầu số 1 thế giới - đã dành tới gần 200 tỷ USD cho Chương trình sáng kiến Saudi Arabia xanh. Còn nếu ở cả Trung Đông, đầu tư cho năng lượng xanh giờ đây đã gấp tới 7 lần so với cách đây 1 thập niên.
PECC2 và Hyme Energy hợp tác phát triển lưu trữ năng lượng tại Việt Nam
Ngày 2/11, CTCP Tư vấn xây dựng Điện 2 (PECC2) và Công ty Hyme Energy (Đan Mạch) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác về lưu trữ năng lượng tại Việt Nam. Lễ ký nằm trong khuôn khổ Diễn đàn thượng đỉnh năng lượng bền vững Việt Nam - Đan Mạch với sự chứng kiến của Thái tử Đan Mạch Frederik André Henrik Christian, Bộ trưởng Khí hậu và Năng lượng Đan Mạch, lãnh đạo Bộ Công Thương Việt Nam.
Theo đó, PECC2 và Hyme Energy sẽ cùng hợp tác nhằm phát triển và xây dựng các dự án lưu trữ năng lượng nhiên liệu tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu triển khai ít nhất 2GWh dung lượng lưu trữ trước năm 2030 và các mục tiêu xa hơn nữa trong tương lai.
Thái tử Frederik khẳng định, Việt Nam và Đan Mạch đang có cùng chí hướng phát triển năng lượng tái tạo. Thông qua sự hợp tác với các đối tác Việt Nam nói chung và PECC2 nói riêng, Việt Nam và Đan Mạch có thể tìm ra được những giải pháp chung nhằm đem lại lợi ích và thịnh vượng cho cả hai quốc gia.
Ấn Độ xuất khẩu năng lượng xanh sang Singapore từ năm 2025
Tập đoàn Greenko của Ấn Độ và Keppel Infrastructure của Singapore đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) về việc tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển trong lĩnh vực tiềm năng sản xuất hydro xanh ở Ấn Độ.
Cũng theo MoU, 2 bên sẽ tiến tới hợp đồng 250.000 tấn hydro xanh mỗi năm cung cấp cho nhà máy điện 600MW mới của Keppel ở Singapore.
Ông Mahesh Kolli, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành chung của Greenko Group cho biết ngoài ra hợp đồng xuất khẩu amoniac xanh cũng sẽ mở rộng để cung cấp dầu nhiên liệu thông qua mạng lưới cung cấp của Keppel tới các tàu.
Tương tự, nhiều khoản đầu tư của Greenko sẽ được mở rộng bao gồm 5 tỷ USD vào việc lưu trữ năng lượng hydro xanh không có carbon trên khắp Ấn Độ.
Ông Kolli cho biết Greenko sẽ tham gia xuất khẩu hydro xanh từ năm 2025-26 trở đi, ước tính nhu cầu toàn cầu là 50 triệu tấn mỗi năm, bao gồm 15 triệu tấn thay thế dầu nhiên liệu sử dụng cho các con tàu.
Amoniac xanh sẽ cung cấp nhiên liệu cho các tàu đóng mới, bao gồm cả một đội tàu do tập đoàn vận tải biển quốc tế Maersk đặt hàng.
Mỹ, UAE ký hợp tác chiến lược thúc đẩy 100 tỷ USD đầu tư năng lượng sạch
Ngày 1/11, Mỹ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã thông báo về việc ký kết quan hệ đối tác chiến lược với 100 tỷ USD sẽ được huy động để phát triển 100 gigawatt năng lượng sạch vào năm 2035.
Thỏa thuận có tên “Đối tác để tăng tốc năng lượng sạch” (PACE), và bao gồm bốn trụ cột chính: phát triển đổi mới năng lượng sạch và chuỗi cung ứng, quản lý khí thải carbon và mêtan, năng lượng hạt nhân và khử cacbon trong công nghiệp và vận tải.
Theo tuyên bố của chính phủ UAE, sự hợp tác đã “khẳng định cam kết của cả hai bên trong việc tăng cường an ninh năng lượng và thúc đẩy tiến bộ trong hành động vì khí hậu”.
Nhà Trắng mô tả mối quan hệ đối tác mới là một thành tựu quan trọng trong chương trình nghị sự về khí hậu của Tổng thống Joe Biden. Tuyên bố của Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden một lần nữa “thể hiện cam kết sâu sắc của mình trong việc đảm bảo một tương lai năng lượng sạch toàn cầu và an ninh năng lượng lâu dài khi Hoa Kỳ và UAE tuyên bố quan hệ đối tác bền chặt nhằm đảm bảo quá trình chuyển đổi nhanh chóng và suôn sẻ sang năng lượng sạch…”.
Nhà Trắng cho biết hai nước sẽ thành lập một “nhóm chuyên gia” để “xác định các dự án ưu tiên, loại bỏ các rào cản tiềm ẩn và đo lường tiến độ của PACE trong việc đạt được mục tiêu xúc tác 100 tỷ USD tài trợ, đầu tư, và các hỗ trợ khác và triển khai 100 gigawatt năng lượng sạch trên toàn cầu".
Pháp tái khởi động lò phản ứng hạt nhân
Bộ trưởng Năng lượng Agnès Pannier-Runacher Trả lời phỏng vấn đài phát thanh France Inter hôm 2/11, Bộ trưởng Năng lượng Agnès Pannier-Runacher tiết lộ 6 trong số 12 lò phản ứng hạt nhân ở Pháp sẽ sớm khởi động lại sau thời gian phải ngừng hoạt động để sửa chữa.
“Không có lý do gì để tin rằng Nhà điều hành năng lượng EDF không thể đáp ứng lịch trình tái khởi động tất cả các lò phản ứng đã ngừng hoạt động trước mùa đông”, bà Pannier-Runacher cho hay. Trước đó, các phương tiện truyền thông cho biết EDF đã thuê khoảng 100 thợ hàn của Công ty chế tạo nhà máy điện hạt nhân Westinghouse (Mỹ) để sửa chữa các cơ sở cung cấp năng lượng đúng thời hạn.
Pháp sản xuất khoảng 70% điện năng từ hệ thống hạt nhân gồm 56 lò phản ứng, tất cả đều do EDF vận hành. Tuy nhiên, nhiều lò phản ứng đã phải đóng cửa để bảo trì do vấn đề ăn mòn. Hiện tại, chỉ có 31 đơn vị đang hoạt động. EDF cam kết sẽ khởi động lại tất cả các lò phản ứng ngừng hoạt động trước mùa đông để tránh tình trạng thiếu điện trong nước.
Nguồn: Chuyển động Năng lượng bền vững tuần qua: Đầu tư cho năng lượng tái tạo tăng mạnh