Chuyển động Năng lượng bền vững tuần qua: Indonesia triển khai chương trình nhiên liệu B35 từ năm 2023
Indonesia yêu cầu tăng tỷ lệ pha trộn dầu diesel sinh học bắt buộc lên 35%. Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Indonesia triển khai chương trình nhiên liệu B35 từ năm 2023
Từ ngày 1/1/2023, Indonesia sẽ triển khai bắt buộc chương trình B35, yêu cầu tăng tỷ lệ pha trộn dầu diesel sinh học bắt buộc lên 35%, nhằm giảm nhập khẩu nhiên liệu trong bối cảnh giá mặt hàng này tăng cao và hướng tới sử dụng năng lượng sạch hơn.
Phát ngôn viên Bộ Năng lượng Indonesia Agung Pribadi ước tính “nhu cầu về dầu diesel sinh học để hỗ trợ triển khai B35 là 13,15 triệu kilôlít (kl), hoặc tăng khoảng 19% so với mức phân bổ 11,03 triệu kl vào năm 2022”. Indonesia ước tính sẽ tiêu thụ 37,58 triệu kl dầu diesel vào năm 2023, trong đó 35% sẽ được cung cấp bởi dầu diesel sinh học từ cây cọ. Ngành công nghiệp dầu diesel sinh học của Indonesia có công suất là 16,65 triệu kl.
Cũng theo ông Agung Pribadi, từ tháng 7/2022, Indonesia đang tiến hành thử nghiệm pha trộn dầu diesel sinh học với tỷ lệ khoảng 40% là dầu cọ nhằm đáp ứng nhu cầu nhiên liệu ngày càng khan hiếm đồng thời duy trì sự ổn định của động cơ. Kết quả chương trình thử nghiệm dự kiến sẽ được công bố vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023.
Nhật Bản: Từ 2025, nhà xây mới tại Tokyo phải lắp tấm pin năng lượng mặt trời
Hội đồng thủ đô Tokyo đã biểu quyết thông qua quy định về bắt buộc lắp các tấm pin năng lượng mặt trời vào ngày 15/12 và quy định sẽ có hiệu lực từ tháng 4/2025.
Đây là lần đầu tiên một đô thị Nhật Bản bắt buộc sử dụng năng lượng mặt trời cho những ngôi nhà mới. Chính quyền thành phố Tokyo dự kiến sẽ áp dụng quy định này đối với khoảng 50 công ty, bao gồm các công ty nhà ở có tổng diện tích sàn xây dựng hàng năm từ 2.000m2 trở lên.
Các đối tượng này sẽ được xem xét điều kiện về ánh sáng mặt trời của công trình xây dựng để quy định số lượng tấm pin cần lắp đặt, đồng thời có nghĩa vụ báo cáo định kỳ hàng năm cho chính quyền thành phố.
Những người mua nhà trong thời điểm này cũng sẽ được khuyến khích lắp đặt điện mặt trời. Đối với những căn nhà được xây dựng để cho thuê, sẽ có chính sách trợ giá để cả người cho thuê lẫn người thuê không phải chịu mức phí lớn.
Để hỗ trợ các công ty thực hiện chương trình, Hội đồng thủ đô Tokyo cũng thông qua khoản ngân sách bổ sung là 30 tỉ yen (khoảng 221 triệu USD). Theo tính toán, chi phí ban đầu để lắp đặt một tấm pin mặt trời 4kW trong một ngôi nhà điển hình là khoảng 980.000 yen (7.177 USD). Các công ty sẽ thu hồi vốn sau khoảng 6 năm nhờ thu nhập từ việc bán điện, hiệu quả tiết kiệm điện mang lại khoảng 7.800 yen/tháng (57 USD), cùng với các khoản hỗ trợ của thành phố.
IMF thúc giục các quốc gia đóng góp chống biến đổi khí hậu
Ngày 13/12/2022, bà Kristalina Georgieva - Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết các nước đã cam kết đóng góp khoảng 40 tỷ USD cho quỹ mới lập nhằm giúp các nước có thu nhập thấp ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu, song con số này vẫn thấp so với nhu cầu.
bà Georgieva cảnh báo: “Nếu chúng ta không làm gì để tăng tài trợ thì vào năm 2030, 66% khí thải CO2 sẽ đến từ các nước đang phát triển”.
Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các chuỗi cung ứng trong việc tạo khả năng chống chịu tốt cho các quốc gia đang phát triển.
Theo bà Okonjo-Iweala, các chuỗi cung ứng một số sản phẩm đang bị tập trung cao vào một số nơi. Cụ thể là 80% các loại vaccine được xuất khẩu chỉ từ 10 quốc gia, và tình trạng tương tự cũng xảy ra với các sản phẩm như tấm pin quang điện và chip bán dẫn.
Ai Cập xây dựng trang trại điện gió với tổng kinh phí 12 tỷ USD
Người phát ngôn Bộ Điện lực và Năng lượng Tái tạo Ai Cập, ông Ayman Hamza cho biết nước này đang triển khai xây dựng một trong những trang trại điện gió lớn nhất thế giới, như một phần của các dự án đã được ký kết tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27).
Báo chí Ai Cập ngày 12/12 dẫn lời ông Hamza cho hay 4 thỏa thuận về hợp tác triển khai các dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất 28.000 MW đã được ký kết tại COP27, trong đó có một trang trại điện gió có công suất 10 GW với tổng kinh phí 12 tỷ USD.
Ông Hamza cho biết dự án này sẽ giúp Ai Cập xuất khẩu điện thông qua mạng lưới kết nối điện với châu Âu, cũng như sản xuất hydro xanh bằng cách tối đa hóa việc sử dụng các loại năng lượng khác nhau.