Chuyên gia lý giải tại sao mưa dông kéo dài trên diện rộng, nhiều thủy điện vẫn hoạt động cầm chừng
Bắc Bộ tiếp tục có mưa lớn, đề phòng thời tiết cực đoan Tiền Giang: Kiểm tra khắc phục thiệt hại do mưa giông tại huyện Cai Lậy |
Mặc dù lượng nước về hồ đã được cải thiện song Nhà máy thuỷ điện Tuyên Quang vẫn chỉ vận hành 1 tổ máy với khoảng 3 tiếng một số ngày để đảm bảo nước trong hồ không về mực nước chết |
Mấy ngày nay, mưa dông diện rộng kéo dài nhưng lượng nước đổ về các hồ chứa thủy điện chưa đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất điện. Nhiều nhà máy thủy điện trong tình trạng dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.
Phải chờ mưa hoàn lưu bão
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đêm qua và sáng sớm nay (14/6), ở khu vực Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông; lượng mưa tính từ 19h ngày 13/6 đến 07h ngày 14/6 có nơi trên 100mm như: Chiêm Hóa (Tuyên Quang) 176.0mm, Bảo Nhai (Lào Cai) 111.0mm, Minh Tiến (Yên Bái) 137.2mm, Vạn Ninh (Lạng Sơn) 127.2mm, Vũ Chấn (Thái Nguyên) 112.9mm,… Ngày và đêm 14/6, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông (thời gian mưa lớn tập trung vào chiều tối và đêm). Từ ngày 15/6 mưa lớn có xu hướng giảm dần.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết mưa dông diện rộng và mưa lớn cục bộ ở khu vực Bắc Bộ có khả năng còn kéo dài đến khoảng ngày 16/6. Mưa xuống đúng vào thời gian mà mực nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đang rất thấp. Nhiều sông suối miền Bắc cũng đang thiếu hụt lượng nước so với trung bình nhiều năm.
Theo ông Hưởng, với vùng mưa tập trung ở thượng nguồn các hệ thống sông miền Bắc, đợt mưa này sẽ giúp các hồ chứa lớn ở Bắc Bộ như Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu, Tuyên Quang, Thác Bà được bổ sung một lượng nước. Dự báo từ nay đến ngày 15/6, lưu lượng trung bình đến các hồ chứa lớn trên sông Đà sẽ tăng nhẹ. Nếu tính theo phương án các hồ trữ lại nước và không phát điện thì mực nước hồ Lai Châu có khả năng tăng 4-4.5m; Hồ Sơn La tăng 1-1,3m; khu giữa hồ Sơn La - Hòa Bình: 400-500 m3/s.
Tuy nhiên, mặc dù có mưa dông kéo dài song mực nước hồ Hòa Bình lại giảm 0,5 – 0,7m là do các hồ Sơn La và Lai Châu đang trong thời kỳ tích nước, không còn xả xuống trong khi hồ Hòa Bình vẫn phát điện nên dù có nước về do mưa thì mực nước vẫn giảm.
TS Nguyễn Đức Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai cho biết, hiện nay khối mây phía Tây Bắc có thể duy trì mưa tới 16/6. Tin tốt cho các hồ thuỷ điện phía Bắc là tháng 7 cũng có nhiều mưa ở vùng này, tình trạng thiếu nước phát điện có thể được cải thiện.
“Dù lượng mưa trong tháng 6 và 7 được tăng cường (mà thực tế giai đoạn này là mùa mưa ở miền Bắc) thì lượng nước bổ sung vào hồ chứa cũng không được như mọi năm do lượng nước tích trữ tại các hồ chứa không còn. Giai đoạn này là giai đoạn mưa bù nước và thuỷ điện vẫn thiếu nước để phát điện trong mùa hè chứ chưa nói đến việc tích trữ nước để phát điện trong mùa khô (giai đoạn Thu - Đông 2023). Trong các năm khác, các cơn bão sớm thường di chuyển theo hướng Bắc - Tây Bắc về phía biên giới Việt Nam -Trung Quốc và gây mưa hoàn lưu bão ở vùng núi phía Bắc. Nhưng năm nay chưa thấy có cơn bão nào gây mưa hoàn lưu như vậy. Chỉ có mưa hoàn lưu bão mới có lượng nước lớn và trên diện rộng được”, TS Nguyễn Ngọc Huy nói.
Theo ông Huy, để kết thúc "cơn khát" của các hồ thủy điện, chỉ còn mong chờ sự xuất hiện của mưa hoàn lưu bão - những cơn mưa đặc trưng của mùa mưa bão. Khi đó tình trạng khó khăn về nguồn nước phát điện mới được giải quyết cơ bản.
Nhà máy thuỷ điện lớn thứ 5 miền Bắc đang phải phát điện cầm chừng
Đó là Nhà máy thuỷ điện Tuyên Quang được khởi công xây dựng vào cuối năm 2002 và được khánh thành vào ngày 15/12/2008. Công trình được thiết kế có 3 tổ máy, phát điện lên lưới điện quốc gia với công suất là 342 MW, sản lượng điện trung bình hằng năm đạt gần 1,3 tỉ kWh. Tổng diện tích mặt nước trên hồ thủy điện hơn 8.000 ha, dung tích 2 tỉ m3 nước.
Đây là nhà máy thủy điện có công suất lớn thứ 5 miền Bắc sau các Nhà máy thủy điện Sơn La, Nhà máy thủy điện Hòa Bình, Nhà máy thủy điện Lai Châu và Nhà máy thủy điện Huổi Quảng.
Báo cáo của Công ty Thuỷ điện Tuyên Quang gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam ngày 13/6 cho thấy, lưu lượng nước về hồ thuỷ điện Tuyên Quang rất thấp (tháng 5/2023 chỉ bằng 33% so với trung bình nhiều năm, các ngày đầu tháng 6/2023 chỉ bằng 20% trung bình nhiều năm).
Mực nước đo được vào 7h00 ngày 13/6 chỉ ở mức 92,21m (hơn mực nước chết 2,21m). Với mực nước này nếu phát điện hết cả 3 tổ máy cũng chỉ đạt công suất khoảng 70% (tương đương 80MW/tổ máy so với định mức 114MW/tổ máy). Trước đó, từ ngày 1 đến ngày 3/6 (50,25 giờ) lần đầu tiên huy động các tổ máy Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang vận hành dưới mực nước chết.
Để tích trữ phần sản lượng trong hồ thuỷ điện, tăng công suất khả dụng cho các tổ máy, trong 5 ngày tới theo phương thức dự kiến thì nhà máy thuỷ điện Tuyên Quang sẽ khai thác với sản lượng 0,76 triệu kWh mỗi ngày.
Theo ông Vũ Văn Tinh, Giám đốc Công ty Thủy điện Tuyên Quang, nếu bây giờ Nhà máy Thuỷ điện Tuyên Quang mà phát điện hết công suất cả 3 tổ máy thì chỉ được 2 ngày mực nước hồ lại trở về mực nước chết. Hiện nay nhà máy đang hạn chế phát điện để tích nước đảm bảo cung ứng điện cho hệ thống trong thời gian tới.
"Từ ngày 3/6 đến nay hầu hết các tổ máy phải dừng, chỉ duy trì phát điện tối thiểu 1 tổ máy với khoảng 3 tiếng một số ngày để đảm bảo mực nước hồ lên trên mực nước chết. Hầu hết các nhà máy thuỷ điện lớn đều đang hạn chế phát điện để tích nước lên theo chủ trương của Tập đoàn. Bây giờ để mực nước thấp quá thì công suất khả dụng rất thấp chỉ khoảng 70% định mức, không đảm bảo an toàn cho hệ thống" - ông Tinh thông tin.
Về lưu lượng nước về hồ Thuỷ điện Tuyên Quang, ông Vũ Văn Tinh cho hay, khoảng 1 tuần trở về trước lưu lượng nước về chỉ khoảng hơn 60m3/s. Đến sáng 13/6 do có mưa lớn cục bộ trên khu vực lòng hồ nên lượng nước về đã cải thiện phần nào, khoảng 1.000m3/s và sau đó giảm rất nhanh nên mực nước trong hồ vẫn ở ngưỡng sát mực nước chết.
Cũng theo ông Tinh, vừa rồi một số tổ máy của các nhà máy nhiệt điện hoạt động trở lại đã giảm áp lực phần nào việc cung ứng điện, ưu tiên của Tập đoàn là tập trung tích nước các hồ thuỷ điện lớn để đảm bảo công suất khả dụng cao. Bên cạnh việc đảm bảo cung ứng điện trong hoàn cảnh thời tiết cực đoan năm nay, cần sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp và người dân trong việc sử dụng tiết kiệm điện hiệu quả để vượt qua khó khăn này.
Về tình hình nắng nóng ở Trung Bộ, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày hôm nay (14/6), ở khu vực từ Nghệ An đến Bình Định có nắng nóng với nhiệt độ lúc 13h phổ biến 35-36 độ, có nơi trên 36 độ như: Tam Kỳ (Quảng Nam) 36.9 độ, Tp. Quảng Ngãi 37.2 độ,… Độ ẩm tương đối phổ biến 55-65%.
Ngày hôm nay (14/6), ở khu vực từ Nghệ An đến Bình Định có nắng nóng với nhiệt độ lúc 13h phổ biến 35-36 độ, có nơi trên 36 độ như: Tam Kỳ (Quảng Nam) 36.9 độ, TP. Quảng Ngãi 37.2 độ,… Độ ẩm tương đối phổ biến 55-65%.
Trong những ngày nắng nóng, vào chiều tối ở vùng núi khu vực Trung Bộ có khả năng xuất hiện mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột qụy do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Nguồn: Chuyên gia lý giải tại sao mưa dông kéo dài trên diện rộng, nhiều thủy điện vẫn hoạt động cầm chừng