Có phải học dở mới vào học cao đẳng, trung cấp?
Học sinh vẫn chưa "mặn mà" với trường nghề
Đầu tháng 3, Trường Trung cấp Việt Khoa đã tổ chức Hội nghị công tác hướng nghiệp "Đổi mới giáo dục hướng nghiệp sau THCS năm học 2021 - 2022" với sự tham gia của ban giám hiệu, giáo viên làm công tác hướng nghiệp các trường THCS trên địa bàn TPHCM.
Tại hội nghị, lãnh đạo Trường Trung cấp Việt Khoa đã cung cấp cho các thầy cô thông tin đổi mới trong công tác hướng nghiệp, định hướng cho học sinh nhiều hướng đi sau THCS.
Đặc biệt, trường giới thiệu những ưu đãi rất lớn của Nhà nước dành cho học sinh tốt nghiệp THCS đi học trung cấp, cao đẳng như: hỗ trợ học phí chương trình Trung cấp, chương trình 9+ (học 4 năm có bằng Cao đẳng) đã được "cởi trói" sau khi Chính phủ cho phép trường nghề dạy văn hóa THPT giáo dục thường xuyên…
Các chuyên gia tham dự hội nghị đều có chung nhận xét là công tác phân luồng cho học sinh học nghề sau khi tốt nghiệp THCS tại TPHCM được thực hiện rất quyết liệt và đồng bộ trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc lựa chọn học nghề vẫn chưa phải là ưu tiên của học sinh và phụ huynh, chỉ khi không thể thi đậu vào trường THPT công lập thì các em mới tính đến chuyện học nghề.
Các trường nghề bắt đầu công tác hướng nghiệp, tuyển sinh cho mùa hè 2022 (Ảnh: Công Trí). |
Trong các chương trình tư vấn tuyển sinh, nhiều học sinh cho biết muốn học trung cấp, cao đẳng nhưng cha mẹ phản đối vì cho rằng: "Học dở mới học trung cấp, cao đẳng. Học giỏi phải vào đại học".
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) TPHCM, đó là quan niệm hết sức sai lầm, tạo nên tình trạng "thừa thầy thiếu thợ" nặng nề trên thị trường lao động hiện nay.
Kết quả khảo sát việc làm năm 2021 của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) cho thấy rất rõ điều này.
Falmi khảo sát khoảng 121.000 người tìm việc thì có 57.000 người trình độ Đại học nhưng doanh nghiệp (DN) chỉ cần gần 39.000 người. Ở nhóm trình độ Cao đẳng có gần 23.000 người đi tìm việc nhưng DN cần hơn 37.000 người. Nhóm trình độ Trung cấp chỉ có gần 15.000 người đi tìm việc nhưng DN cần gần 50.000 người.
Quan niệm lỗi thời
Ông Trần Anh Tuấn cho rằng, quan niệm "Học dở mới học Cao đẳng, Trung cấp" đã lỗi thời. Ngành GDNN đi theo con đường đào tạo kỹ năng nghề với thời lượng thực hành cao, sinh viên ra trường giỏi tay nghề, dễ nắm bắt công việc nên rất được DN ưa chuộng.
Ngoài ra, thị trường lao động hiện nay coi trọng kỹ năng, hiệu quả làm việc của người lao động hơn là bằng cấp. Ai làm được việc thì sẽ được lựa chọn chứ không phải là bằng cấp cao hơn thì dễ tìm việc hơn.
Doanh nghiệp hiện cần nhiều lao động có kỹ năng nghề thực tế (Ảnh minh họa: TC Việt Giao). |
Trong những năm gần đây, các cơ sở GDNN cũng đầu tư rất nhiều cho giáo trình đào tạo, đặc biệt là mô hình đào tạo theo module cho từng kỹ năng nghề đã đáp ứng tốt định hướng chú trọng dạy kỹ năng nghề, dễ dàng cho sinh viên linh động đổi ngành học, học bổ sung ngành mới…
Mô hình nhà trường kết hợp DN để đưa sinh viên đến thực tập, học nghề trực tiếp tại cơ sở kinh doanh được phát triển rất mạnh. Dạy nghề theo hình thức cầm tay chỉ việc, làm việc thực tế như trên giúp sinh viên học kỹ năng nghề rất nhanh.
Với những cơ sở thực tập có nhu cầu tuyển nhân sự, mô hình liên kết nhà trường và GDNN càng thể hiện tính ưu việc vì sinh viên học nghề đúng vị trí mình mong muốn làm việc khi ra trường, được nhận làm đúng vị trí đã học.
Mô hình này đang được các hệ thống GDNN phát triển hoàn thiện. Như tại Trường Cao đẳng Nova, trường đào tạo những ngành mà tập đoàn Nova có kinh doanh như bất động sản, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ hàng không…
Giảng viên của trường đều là những quản lý cao cấp trong ngành của tập đoàn. Sinh viên được thực hành đúng ngành nghề ngay tại những DN thành viên của tập đoàn. Khi ra trường, sinh viên được nhận làm ngay tại các DN này.
Theo ông Trần Anh Tuấn, định hướng đào tạo kỹ năng của GDNN phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động nên sinh viên ra trường dễ kiếm việc. Hơn nữa, nhu cầu lao động trình độ nghề (Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp) hiện rất cao, cung không đủ cầu.