Cổ phiếu Vingroup dẫn sóng sau "cơn sốt" xe điện
Khối ngoại bán ròng 5 phiên liên tiếp
Trong phiên giao dịch ngày 14/5, VN-Index tăng điểm nhẹ cùng với khối lượng giao dịch chưa có sự cải thiện rõ ràng, cho thấy tâm lý phân vân của các nhà đầu tư. VN-Index đóng cửa tăng nhẹ 3,1 điểm tương đương 0,25%, yếu hơn phiên sáng một chút. Nguyên nhân chủ yếu là do một vài trụ đỡ buổi sáng đã tụt giá thêm.
Toàn thị trường hôm nay có 377 mã tăng, 337 mã giảm. Thanh khoản giảm so với phiên trước, đạt chưa đến 18 nghìn tỷ đồng.
Bán lẻ là nhóm có diễn biến nổi bật nhất hôm nay khi MWG và DGW tăng lần lượt 3,1% và 2,2%. Riêng MWG là mã có thanh khoản lớn nhất thị trường, đạt hơn 968 tỷ đồng.
Ngoài ra, sắc xanh trên thị trường chủ yếu đến từ các mã riêng lẻ ở rải rác từng ngành. Trong đó, đóng góp chính cho VN-Index là VIC, HVN, MWG, VPB, BCM, GVR. Ở chiều ngược lại, các mã PLX, BID, VCB, TCB hình thành lực cản.
Kết phiên ngày 14/5, có 13 nhóm ngành giảm điểm, trong đó có các ngành đáng chú ý như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, xây dựng, vật liệu xây dựng. Ngược lại, có 12 ngành tăng điểm, trong đó bán lẻ có mức tăng ấn tượng hơn 2%, ngành cao su cũng lấy lại đà tăng 1,86%, kế đến là sản xuất nhựa – hóa chất, công nghệ thông tin, chế biến thủy sản, chăm sóc sức khỏe đều tăng hơn 1%; ngành bất động sản tăng 0,92% so với phiên trước.
Khối ngoại hôm nay bán ròng 800 tỷ trên toàn thị trường, đây là phiên bán ròng thứ 5 liên tiếp kể từ phiên mua ròng gần đây nhất của khối này. Tâm điểm bán ròng của khối ngoại là VHM với giá trị 148 tỷ đồng, tiếp đó là VPB (100 tỷ đồng) và HPG (94 tỷ đồng)... Ở chiều ngược lại, MWG tiếp tục là mã được khối ngoại mua ròng nhiều nhất phiên với giá trị 220 tỷ đồng, tiếp đó là HVN 60 tỷ đồng, VNM 37 tỷ đồng...
Cổ phiếu Vingroup tăng mạnh sau cơn sốt xe điện
Trong phiên sáng 14/05, VIC tăng giá mạnh kèm theo khối lượng giao dịch vượt mức trung bình 20 phiên cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang khá tích cực.
Từ ngày 13/5, VinFast đã chính thức nhận cọc mẫu cọc mẫu xe điện mini VF 3. Cụ thể, từ 6 giờ ngày 13/5 đến hết ngày 15/5, VinFast VF 3 có mức giá ưu đãi 235 triệu đồng/xe (chưa bao gồm pin) và 315 triệu đồng/xe (kèm pin). Sau thời gian trên, giá bán của VF 3 được điều chỉnh lần lượt là 240 triệu đồng/xe (thuê pin) và 322 triệu đồng/xe (kèm pin) cho 4 màu ngoại thất cơ bản.
Ngay sau thông tin trên, cổ phiếu VIC của Vingroup đã tăng "bốc đầu" hơn 6% khi mở phiên 14/5. So với mức giá thấp nhất từ đầu năm ghi nhận vào ngày 23/4, cổ phiếu này đã tăng 17% thị giá. Kết phiên 14/5, cổ phiếu này vẫn tăng 2,33% lên 46.050 đồng/cp.
Vốn hóa thị trường của Vingroup tương ứng khoảng 176.000 tỷ đồng, xếp thứ 3 trong danh sách các doanh nghiệp niêm yết giá trị nhất sau Vietcombank, BIDV.
Nguồn:Cổ phiếu Vingroup dẫn sóng sau "cơn sốt" xe điện