Cổ vật Huế hồi hương
Chiếc mũ quan còn khá nguyên vẹn sau khi hồi hương. |
Đó là chiếc mũ quan và áo Nhật Bình cung tần do Công ty CP Tập đoàn Sunshine có trụ sở ở Hà Nội đấu giá từ nhà đấu giá Balclis ở Barcelona (Tây Ban Nha). Cả hai cổ vật hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng cổ vật cung đình Huế.
Làm phong phú thêm kho tàng cổ vật triều Nguyễn
Tại buổi lễ trao tặng, ông Đinh Chí Hiếu, Phó Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Sunshine cho biết, sau một chuyến công tác ở Huế, công ty nhận được thông tin về hai món cổ vật nói trên. Kể từ đó, công ty đã thành lập một nhóm nhân sự tập trung vào tìm hiểu thông tin và tham gia đấu giá hai món cổ vật này.
Theo công ty này, hai cổ vật này nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận xã hội, có giá trị lớn về văn hóa - lịch sử, đồng thời được các chuyên gia về di vật, cổ vật triều Nguyễn đánh giá cao. Vì thế công ty đã quyết tâm đấu giá thành công với hy vọng “hồi hương”, tặng lại cho UBND tỉnh Thừa Thiên Huế với mục đích bảo quản, lưu giữ và trưng bày. Từ đó, mong muốn tạo ra những tác động tích cực về văn hóa - lịch sử, đóng góp một phần vào sự phát triển của Thừa Thiên Huế.
“Chúng tôi mong muốn hai món cổ vật này sẽ làm phong phú thêm kho tàng cổ vật triều Nguyễn ở Huế, giúp ích hơn trong công tác nghiên cứu, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của đất cố đô”, ông Hiếu nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương khi nhận hai cổ vật này đã nói lời cảm ơn và hoan nghênh tinh thần hiến tặng cổ vật của Công ty CP Tập đoàn Sunshine. Và ông Phương cũng hy vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều nhà sưu tập, các tập thể, cá nhân sẽ chung tay đưa các cổ vật triều Nguyễn về với vùng đất cố đô.
Cả hai món cổ vật triều Nguyễn đã gây chấn động dư luận khi lập kỷ lục trên sàn đấu giá Auctionet của nhà đấu giá Balclis ở Barcelona (Tây Ban Nha) vào tháng 10/2021. Chiếc mũ quan văn chánh nhất phẩm có giá gõ búa hơn 600 nghìn euro (gấp 1.000 lần giá khởi điểm là 600 euro) và chiếc áo Nhật Bình có giá hơn 160 nghìn euro.
Nói về hành trình hồi hương cổ vật này, không riêng gì các nhà nghiên cứu tại Huế mà rất nhiều nhà nghiên cứu danh tiếng khác trên cả nước đều cho rằng, đó là tín hiệu vui mừng. Việc hai cổ vật trở về Huế đã làm phong phú thêm kho cổ vật triều Nguyễn tại vùng đất cố đô vốn bị thất lạc rất nhiều sau bao cuộc bể dâu, biến cố.
Áo Nhật Bình được giới nghiên cứu đánh giá rất có giá trị. |
Cần có phương án bảo quản, trưng bày một cách trân trọng
Nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc (TP Hồ Chí Minh), người nổi tiếng đã khôi phục thành công nhiều mũ vua quan triều Nguyễn được mời tham gia thẩm định giá trị của hai cổ vật. Nói về chiếc mũ quan triều Nguyễn, ông Lộc cho rằng, đây là một chiếc mũ quan rất nguyên vẹn, hoàn chỉnh. Nhiều khả năng chiếc mũ này thuộc hàm quan trên nhất phẩm (hàng tứ trụ triều đình), là một cổ vật rất độc đáo và có niên đại vào khoảng đầu thế kỷ XX. Quan sát chiếc mũ, ông Lộc nhận định rằng, toàn bộ phần trang sức đính trên mũ là vàng thật, khoảng tám tuổi rưỡi. Nghệ thuật chế tác kim thuộc hàng đỉnh cao.
Được biết, chu vi vòng mũ là 59 cm và đường kính khoảng 20 cm, nên nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, tương ứng với khổ đầu của người Việt và khả năng đó là mũ quan người Việt. “Đây là kích thước đầu của người Việt xưa chứ không phải kích thước của người nước ngoài, đặc biệt là người phương Tây. Họa tiết trên mũ có điểm khác với những mũ thông thường là thừa thêm hai con giao long. Tuy nhiên điểm này không có gì đặc biệt bởi có thể đó là đặc ân của nhà vua ban cho chủ mũ”, ông Lộc giải thích.
Riêng chiếc áo Nhật Bình, nhiều nhà nghiên cứu nói rằng, khả năng đó là áo lễ phục của vợ một vị quan. Nhà sưu tầm Nguyễn Hữu Hoàng, người đang sở hữu bộ sưu tập áo vua và quan triều Nguyễn (TP Huế) rất xúc động và cho biết, đây là chiếc áo có giá trị. Ban đầu khi nhìn qua ảnh chụp, tưởng chừng chiếc áo đã bị cắt tay. Nhưng sau khi nhận được ảnh chụp kỹ hơn chiếc áo do Bảo tàng cổ vật cung đình Huế gửi nhờ giám định, ông phát hiện phần tay còn nguyên vẹn chứ không phải bị cắt.
Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn cho rằng, việc một đơn vị xuất tiền mua hai cổ vật để tặng lại cho tỉnh Thừa Thiên Huế là đáng trân trọng. Đó còn là việc làm tốt đẹp với quê hương, với công tác bảo tồn cổ vật. Theo ông Sơn, khi phía tặng đã có tấm lòng, tình cảm, thì phía tiếp nhận cần phải có phương án bảo quản, trưng bày một cách phù hợp để thể hiện sự trân trọng.
Nguồn: Cổ vật Huế hồi hương