Công ty CP Bất động sản Thế Kỷ: Phó tổng giám đốc “bán chui” cổ phiếu
PJICO ước đạt hơn 150 tỷ đồng lãi trước thuế nửa đầu năm, giảm 25% Licogi 14 đang lỗ gần 380 tỷ khi tất tay cổ phiếu DIG và CEO |
Cổ phiếu CRE được “bán chui”
Vừa qua, ông Nguyễn Anh Hương - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Thế Kỷ (CRE) đã “bán chui” cổ phiếu CRE, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch.
Cụ thể, ngày 26/04/2022, ông Nguyễn Anh Hương đã có báo cáo giải trình gửi Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh về việc đã “bán chui” 19.900 cổ phiếu CRE. Trước đó, ngày 17/02/2022, ông cũng đã mua vào 100 cổ phiếu CRE mà không tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Báo cáo giải trình của ông Nguyễn Anh Hương với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước về việc bán chui cổ phiếu. |
Theo quy định tại điều 33 Thông tư 96/2020/BTC-TT hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán ban hành ngày 16/11/2020, người nội bộ tại doanh nghiệp phải công bố thông tin, báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cùng Sở giao dịch Chứng khoán trước (ít nhất 3 ngày) và sau khi thực hiện giao dịch (trong 5 ngày làm việc) trong ngày từ 50 triệu trở lên, hoặc trong tháng từ 200 triệu đồng trở lên tính theo mệnh giá.
Trong khi đó, số lượng cổ phiếu mà Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Thế Kỷ đã bán ra thuộc trường hợp phải công bố thông tin trước và sau khi thực hiện giao dịch.
Tuy nhiên, việc mua bán cổ phiếu của ông Hương đã không được thực hiện theo quy định. Việc này gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường chứng khoán và lợi ích của những nhà đầu tư khác.
“Bán chui” cổ phiếu là hành vi lừa đảo
Trước đó, việc “mua bán chui” cổ phiếu của VPBank vào tháng 7/2021 cũng đã bị Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định xử phạt 940 triệu đồng đối với ông Trần Ngọc Bê - anh rể Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng - do vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Ngoài việc bị phạt gần 1 tỷ đồng, ông Bê còn chịu hình thức phạt bổ sung là đình chỉ giao dịch chứng khoán trong thời hạn 4 tháng.
Mới đây, bà Lưu Thị Thảo, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng thông báo đã bán ra 25.000 cổ phiếu VPBank (với mệnh giá 250 triệu đồng) theo phương thức khớp lệnh, trong thời gian từ 7/2 đến 24/2.
Số lượng cổ phiếu mà bà Thảo đã bán ra thuộc trường hợp phải công bố thông tin trước và sau khi thực hiện giao dịch. Tuy nhiên, cả trên cổng thông tin HOSE và website VPBank đều không có thông báo đăng ký bán cổ phiếu của bà Lưu Thị Thảo. Sau khi đã hoàn tất việc bán số cổ phiếu nói trên, Bà Lưu Thị Thảo mới công bố thông tin khi "việc đã rồi".
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC |
Cũng chiêu trò bán chui cổ phiếu, nhằm thao túng thị trường chứng khoán gây hoang mang dư luận đáng phải nhắc đến là vụ việc của ông Trịnh Văn Quyết chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FLC.
Ông Trịnh Văn Quyết đã bị xác định là người chỉ đạo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật để thao túng giá chứng khoán, bán chui 74,8 triệu cổ phiếu FLC. Ngày 29/3, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Trịnh Văn Quyết để điều tra về hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho biết: “Khi thành viên HĐQT, ban giám đốc, cổ đông lớn công bố bán cổ phiếu với số lượng lớn và giá trị lớn so với số cổ phần họ nắm giữ thì sẽ ảnh hưởng tới giá chứng khoán vì ảnh hưởng tới tâm lý đầu tư.
Khi đó, giá giao dịch thường giảm, cầu giảm và việc bán cổ phiếu số lượng lớn phải diễn ra trong khoảng thời gian dài nếu muốn bán được giá, còn nếu bán trong thời gian ngắn thì giá giảm sâu và không thu được nhiều tiền.
Từ những bất lợi trên mới dẫn đến hiện trạng cố tình bán chui cổ phiếu để đem lại giá trị cao nhất cho người bán.
Như vậy, hành vi cố tình "bán chui" cổ phiếu là hành vi lừa đảo nhà đầu tư. Lừa đảo ở đây là việc che giấu thị trường, che giấu các nhà đầu tư chứng khoán về hành vi lén lút của mình.
Việc cố tình bán chui nhằm trục lợi từ các nhà đầu tư cùng tham gia giao dịch. Hành vi này phải bị lên án và ngăn chặn. Nhà đầu tư cũng phải lên án những hành động bao che, tiếp tay cho những kẻ cố tình bán chui cổ phiếu”.
Theo Luật Chứng khoán 2019 cùng với Nghị định 156/2020/NĐ-CP đã có những sửa đổi mới trong xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Theo đó, mức phạt cao nhất cho các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán với tổ chức là 3 tỉ, cá nhân là 1,5 tỉ đồng. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm đến hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán; có hành vi sách nhiễu, gây phiền hà đối với tổ chức, cá nhân tham gia thị trường chứng khoán; không giải quyết kịp thời yêu cầu của tổ chức, cá nhân theo quy định; không thực thi các công vụ khác do pháp luật quy định thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. |
Nguồn: Công ty CP Bất động sản Thế Kỷ: Phó tổng giám đốc “bán chui” cổ phiếu