Đa dạng nguồn điện phát triển kinh tế
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết: Việc Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) là rất quan trọng, phản ánh nhu cầu, khả năng cung cấp điện và các kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống điện Việt Nam trong khoảng thời gian đến năm 2030. Trên cơ sở đó, đây còn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động tăng trưởng và phát triển của hệ thống mạng lưới cung cấp, sản xuất hoạt động của lưới điện.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 - Ảnh: VGP |
TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Quy hoạch điện VIII là một trong những định hướng chung có ý nghĩa rất quan trọng cho việc bảo đảm năng lượng điện cho nền kinh tế phát triển. Nếu không có điện không thể phát triển, muốn hiện đại hóa, công nghiệp hóa, thu hút đầu tư nước ngoài... thì đòi hỏi phải có lượng điện ổn định, thường xuyên, liên tục.
“Chúng ta vẫn nói với nhau, mỗi năm nhu cầu về điện năng thường tăng lên khoảng 10%, thực tế có tăng không? Vậy chúng ta phải đầu tư thế nào để có được các cơ sở sản xuất điện đáp ứng được mục tiêu 10%. Từ đó dẫn đến chuyện, nguồn lực ở đâu, Nhà nước đầu tư bao nhiêu, tư nhân bao nhiêu, kêu gọi vốn đầu tư ra sao,… tất cả liên quan đến quy hoạch điện. Như vậy, để hoàn thành mục tiêu, từng bộ, ngành, từng địa phương phải có chuẩn bị chi tiết theo kế hoạch đề ra để thực hiện” - TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết.
Đánh giá về việc Phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, TS. Ngô Tuấn Kiệt, Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng cho rằng: Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 là quy hoạch mở, sau quy hoạch phải có kế hoạch. Kế hoạch mà không được phê duyệt thì các dự án không đi vào triển khai chi tiết được. Sau nhiều lần nâng lên đặt xuống, nay kế hoạch mới chính thức được phê duyệt. Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được phê duyệt sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư trong giai đoạn từ nay đến 2030 để kịp đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng theo các chuyên gia, Quy hoạch điện VIII sẽ là căn cứ quan trọng để triển khai các dự án nguồn điện đáp ứng nhu cầu không ngừng tăng của kinh tế - xã hội, giải bài toán cơ cấu về nguồn điện, kết hợp điện năng lượng tái tạo với nguồn truyền thống như điện than, điện khí. Đồng thời, là căn cứ pháp lý để triển khai loạt dự án đầu tư mở rộng dự án truyền tải điện.
Ngoài ra, việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điệnn VIII sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để ngành điện giải quyết các khó khăn về giá, chính sách nhằm giải quyết công suất các dự án điện mặt trời, điện gió đang gặp khó và phát triển điện mặt trời mái nhà,…
Trước đó, ngày 1/4/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định 262/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050. Xây dựng lộ trình tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án/dự án đáp ứng các mục tiêu đã đề ra của Quy hoạch điện VIII, đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ, đảm bảo điện đi trước một bước.
Thực hiện chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo để giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần hướng tới các mục tiêu đã cam kết theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định và mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 của Việt Nam.
Xác định các giải pháp thu hút đầu tư phát triển điện lực theo Quy hoạch điện VIII trong thời kỳ quy hoạch; cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc triển khai thực hiện.
Định hướng cho các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc phối hợp với Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan để thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện VIII.
Về danh mục các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành tới năm 2030, trong đó, tổng công suất nhiệt điện khí trong nước là 14.930 MW; tổng công suất nhiệt điện LNG là 22.400 MW; tổng công suất nhiệt điện than là 30.127 MW; tổng công suất nguồn điện đồng phát, nguồn điện sử dụng nhiệt dư, khí lò cao, sản phẩm phụ của dây chuyền công nghệ là 2.700 MW; tổng công suất thủy điện là 29.346 MW; tổng công suất thủy điện tích năng là 2.400 MW.
Công suất nguồn điện năng lượng tái tạo của các địa phương/vùng và danh mục các dự án nguồn điện tới năm 2030: Tổng công suất điện gió ngoài khơi là 6.000 MW; tổng công suất điện gió trên bờ (điện gió trên đất liền và gần bờ) là 21.880 MW; tổng công suất thủy điện là 29.346 MW; tổng công suất điện sinh khối là 1.088 MW; tổng công suất điện sản xuất từ rác là 1.182 MW; tổng công suất điện mặt trời mái nhà (tự sản, tự tiêu) tăng thêm là 2.600 MW; tổng công suất pin lưu trữ là 300 MW,…
Nguồn: Đa dạng hóa nguồn điện để phát triển kinh tế - xã hội