Đà Nẵng: Làm khô bùn được nạo vét thành vật liệu hoàn thổ mỏ đá
Dự án Nâng cấp, cải tạo Công viên 29 Tháng 3 có tổng mức đầu tư 673 tỷ đồng, trong đó, kinh phí xây lắp 271 tỷ đồng, kinh phí đền bù giải tỏa 297 tỷ đồng. Một trong những hạng mục quan trọng của dự án là nạo vét khoảng 100.000m3 bùn á sét (bùn pha sét có sỏi, sạn) trong lòng hồ nước giữa công viên với diện tích mặt hồ 106.300m² để cải tạo môi trường.
Thời gian qua, do khó khăn trong việc chọn vị trí đổ trữ lượng bùn dẫn đến hồ chậm được nạo vét. Thực hiện chủ trương của UBND thành phố về việc san lấp, không để lại các hố sâu, hồ nước tại các mỏ sau khi hoàn thành khai thác khoáng sản để tránh xảy ra nguy cơ xảy ra sự cố vỡ hồ chứa do mưa cực đoan gây ra, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng đã khảo sát các mỏ đá hoàn thành khai thác, đang thực hiện hoàn thổ để chọn vị trí đổ bùn nạo vét.
Đầu tháng 4-2024, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp lựa chọn vị trí đổ bùn được nạo vét lòng hồ thuộc dự án Nâng cấp, cải tạo Công viên 29 Tháng 3 và làm việc với các đơn vị, địa phương liên quan về việc đổ thải bùn này tại một số mỏ đá.
Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng, Công ty CP Tư vấn kiểm định xây dựng M.I.T.K.O, Công ty CP Kỹ thuật xây dựng Dinco, Kho K83 thuộc Cục Kỹ thuật (Binh chủng Công binh) tiến hành kiểm tra thực tế, làm việc với các chủ mỏ. Qua đó, các đơn vị đã lựa chọn được 2 vị trí tiếp nhận bùn á sét, đất thừa được nạo vét lòng hồ Công viên 29 Tháng 3, gồm: mỏ đá xây dựng Hố Chuồn thuộc xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) của Công ty CP Kỹ thuật xây dựng Dinco với trữ lượng khoảng 100.000m3 và Kho K83 tại tổ 69, phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) khoảng 15.000m3.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Hồng An cho hay, nhìn chung bùn á sét, đất thừa được nạo vét từ lòng hồ công viên 29 Tháng 3 được xem là vật liệu khác phục vụ việc hoàn thổ các mỏ sau khi hoàn thành khai thác khoáng sản. Sau khi được đổ xuống mỏ, đơn vị hoàn thổ sẽ đổ lên trên bề mặt một lớp đất màu dày để trồng cây phủ xanh, phục hồi môi trường. Chất nạo vét được đánh giá an toàn về mặt môi trường mới được vận chuyển về đổ thải, san lấp hố trong mỏ. Vấn đề lo ngại nhất về môi trường là chất nạo vét rơi vãi trong quá trình vận chuyển từ hồ về vị trí mỏ đổ thải. Trong hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án, quá trình vận chuyển chất nạo vét được đánh giá kỹ. Các chất nạo vét sau khi múc hoặc bốc lên sẽ được dồn lại, làm khô rồi mới đưa lên thùng xe và phủ bạt che kín để tránh rơi vãi.
“Đơn vị thi công phải bảo đảm không có việc bùn được nạo vét lên còn lỏng rồi đổ lên xe và chảy xuống đường trong quá trình vận chuyển đi đổ thải tại mỏ đá. Giải pháp để bảo đảm môi trường trên đường vận chuyển được yêu cầu đưa vào biện pháp thi công. Vị trí đổ thải chất nạo vét đã được các sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị liên quan khảo sát kỹ và được sự thống nhất của 2 chủ mỏ khoáng sản. Hai vị trí mỏ vừa đủ đổ thải trữ lượng chất nạo vét từ hồ Công viên 29 Tháng 3, vừa bảo đảm an toàn về mặt môi trường (do chất nạo vét đổ xuống được “bọc” bao quanh bởi đá nguyên khối còn lại không khai thác nằm dưới lòng đất). Vấn đề là biện pháp thi công nạo vét, vận chuyển..., phải được đơn vị thi công thực hiện nghiêm túc theo đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt”, ông Nguyễn Hồng An cho hay.
Nguồn: Làm khô bùn được nạo vét thành vật liệu hoàn thổ mỏ đá