Đắk Lắk: Bao giờ hết cảnh “trồng - chặt”?
Đắk Lắk: Thu hút đầu tư FDI vì sao vẫn khó? Đắk Lắk: Khi kinh tế tập thể được “tiếp sức” |
Có thể nói, trong thời gian qua, tình trạng chặt cây nọ trồng cây kia, được mùa mất giá, bao gồm cả cây cao su, cà phê… xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước, nhất là Tây Nguyên. Nguyên nhân của tình trạng này phần lớn là do còn “thiếu ăn khớp” giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản, trong khi khả năng bảo quản, chế biến sản phẩm còn thấp.
Sự “thiếu ăn khớp” được nói đến ở đây là có một thực tế: hầu như sản xuất không đúng theo quy hoạch. Tình trạng nông dân sản xuất theo kiểu “mạnh ai nấy làm” và chạy theo phong trào vẫn diễn ra khá phổ biến. Nói một cách khác là “quy hoạch một đàng, sản xuất một nẻo” nên dẫn tới sản phẩm nông sản làm ra lắm lúc cung vượt quá cầu, chịu nhiều tác động của thị trường. Chỉ cần thị trường thế giới bị “hắt hơi, sổ mũi” là ngay lập tức nông dân phải hứng chịu.
Nông dân xã Tân Lập (huyện Krông Búk) chăm sóc vườn sầu riêng. (Ảnh minh họa) |
Điển hình như chuyện cây cao su, một thời được mệnh danh là “vàng trắng”, nông dân ồ ạt trồng, nhưng khi thị trường có những biến động theo chiều hướng bất lợi thì lại rơi vào cảnh bị phá bỏ không thương tiếc. Bây giờ, khi giá sầu riêng tăng đến tốc độ “chóng mặt”, nông dân lại đổ xô vào trồng sầu riêng, bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng. Rõ ràng, nông dân kêu “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, nhưng một phần lớn cũng là do chính nông dân đã tác động không nhỏ đến tình trạng này.
Theo Bộ NN-PTNT, để khắc phục và giúp nông dân sản xuất ổn định, tăng thu nhập, nâng cao mức sống, trong quá trình điều hành, Chính phủ nhất quán chủ trương chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương, quyết liệt triển khai tái cơ cấu nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Trên cơ sở Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với các địa phương, các bộ, ngành triển khai các giải pháp đồng bộ.
Cụ thể, cùng với việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất các loại cây trồng phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và yêu cầu thị trường, các tỉnh cần tập trung điều chỉnh cơ cấu đầu tư, phát triển chế biến sâu các loại nông sản để giảm xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm đã qua chế biến, nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế. Mặt khác, thông qua hệ thống khuyến công, ngành chức năng chuyển tải các tiến bộ kỹ thuật mới, hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất theo quy hoạch, sử dụng các công nghệ canh tác mới, giống mới, đảm bảo nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh. Việc đàm phán mở rộng thị trường, tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu, tiêu thụ các loại nông sản cũng như đẩy mạnh nghiên cứu, dự báo và cung cấp thông tin thị trường cho nông dân cần được chú trọng hơn.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, chính nông dân phải là người quyết định trong việc điều chỉnh sản xuất nông nghiệp cho “ăn khớp” với thị trường tiêu thụ, chứ không ai khác. Ngoài sự vào cuộc của Nhà nước, ngành chức năng trong việc triển khai các biện pháp mang tính vĩ mô, nông dân cần nâng cao nhận thức, tuân thủ quy hoạch, khắc phục triệt để tình trạng chạy theo phong trào, đảm bảo sản xuất ổn định, bền vững.)
Nguồn: Bao giờ hết cảnh “trồng – chặt”?