Đắk Lắk: Bảo hiểm nông nghiệp: Vì sao nông dân chưa "mặn mà"?
Sản phẩm bảo hiểm còn ít
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, nền nông nghiệp Việt Nam có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhưng cũng chất chứa những rủi ro hiện hữu và lặp đi lặp lại nhiều lần khiến nông dân rơi vào cảnh khó khăn. Cụ thể là rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, sâu bệnh, giá cả thị trường và đối tượng gây hại khác.
Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 của Chính phủ về BHNN quy định, BHNN là loại hình bảo hiểm cho đối tượng sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; theo đó bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Nghị định cũng khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện BHNN và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại về tài chính do các rủi ro xảy ra trong quá trình sản xuất.
Sản xuất nông nghiệp luôn đối mặt với rủi ro. Trong ảnh : Vườn hồ tiêu ở xã Ea M'droh, huyện Cư M'gar bị khô cháy do hạn hán. |
Theo phân tích của các chuyên gia, nhờ giảm thiểu rủi ro tài chính, BHNN có thể khuyến khích đầu tư nhiều hơn cho hoạt động nông nghiệp vì khi có BHNN, nông dân dễ tiếp cận các khoản vay và đầu vào (đầu tư giống, vật tư chất lượng cao) sản xuất giá trị cao hơn; lợi ích mang lại của bảo hiểm rất lớn (ngắn hạn và dài hạn) trong bảo vệ tài sản, phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng cường khả năng ứng phó với các rủi ro trong sản xuất.
Tuy nhiên, thực tế thì nông dân lại chưa mặn mà bởi gần như nông sản nào cũng có rủi ro và có thể triển khai mua bảo hiểm nhưng hiện nay số lượng nông sản được bảo hiểm còn rất ít, chưa kể đối tượng mua bảo hiểm phải là tổ chức (nhiều nông dân). Cụ thể là bảo hiểm cho lúa gạo đối với trồng trọt; trâu, bò đối với chăn nuôi; tôm thẻ, tôm sú đối với ngành thủy sản. Trong khi đó, các loại cây trồng, vật nuôi có tính rủi ro cao cũng cần được bảo hiểm như điều, cà phê, cao su, hồ tiêu, gà, vịt…
Tỉnh Lâm Đồng là vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trọng điểm của Việt Nam và khái niệm BHNN không còn mới với nông dân nữa. Tuy nhiên, đến nay nông dân Lâm Đồng mới chỉ tiếp cận BHNN ở lĩnh vực chăn nuôi. Tại lớp tập huấn BHNN do Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Ban Quản lý dự án, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) và Quỹ quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD) tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột trung tuần tháng 9 vừa qua, ông Phan Hữu Dụng, Phó Ban Kinh tế - Xã hội (Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng) cho hay, thông qua công ty bảo hiểm, nông dân Lâm Đồng đã có những hiểu biết nhất định. Một số tổ chức nông dân đã triển khai mô hình BHNN đối với bò sữa và chăn nuôi heo. Tuy nhiên, nhiều nông dân sản xuất ở các lĩnh vực khác như hoa màu, cà phê, sầu riêng… vẫn chưa mua được bảo hiểm và mong muốn được tiếp cận với BHNN.
Ông Nguyễn Khắc Toàn, Chánh Văn phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phân tích, BHNN đang gặp phải các rào cản như: ít sản phẩm; chính sách chưa hỗ trợ cho nhiều đối tượng nông dân; ngành sản xuất, cây con được bảo hiểm bị giới hạn…
Đẩy mạnh công tác thông tin, hỗ trợ
Bản chất của BHNN là số đông những người tham gia hỗ trợ cho số ít những người bị rủi ro. Tuy nhiên, thực tế số nông dân tham gia BHNN không nhiều nên doanh nghiệp bảo hiểm không có lợi nhuận trong việc thiết kế, triển khai các sản phẩm BHNN.
Một diện tích cà phê ở huyện Cư M'gar bị hạn hán, thiếu nước tưới mùa khô. |
Ông Nguyễn Khắc Toàn, Chánh Văn phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thông tin, những năm qua, Chính phủ đã có các nghị định về chính sách BHNN nhưng nguồn lực hạn chế, do đó những chính sách này mới dừng ở đối tượng hộ nghèo và cận nghèo. Với trách nhiệm là tổ chức đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nông dân, những năm qua Hội Nông dân Việt Nam đã thực hiện tốt công tác tham mưu về việc có các chính sách hỗ trợ phí BHNN cho nông dân nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Theo ông Toàn, hội nông dân các cấp sẽ đẩy mạnh công tác thông tin để nông dân biết, tham gia bảo hiểm với số lượng đủ đông; cùng với đó doanh nghiệp bảo hiểm cần thiết kế nhiều sản phẩm BHNN phù hợp với mong muốn, yêu cầu của nông dân trong sản xuất nông nghiệp; Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ về phí bảo hiểm để nông dân có thêm cơ hội tham gia. Do đó, rất mong cơ quan chức năng và doanh nghiệp có động thái để Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg về việc thực hiện chính sách hỗ trợ BHNN sớm đi vào cuộc sống.
Ông Trương Đình Ry, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Buôn Hồ cho hay, BHNN hiện nay chủ yếu thực hiện trên diện tích lớn, trong khi đó đa phần nông dân vẫn còn sản xuất quy mô nông hộ, manh mún. Do đó, thời gian tới, hội sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, hỗ trợ nông dân thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để bà con có thêm cơ hội tiếp cận BHNN.
Ngày 9/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg về việc thực hiện chính sách hỗ trợ BHNN. Theo đó, đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ phí BHNN là cây trồng (lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê); vật nuôi (trâu, bò, lợn); nuôi trồng thủy sản (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra). Tỉnh Đắk Lắk được hỗ trợ bảo hiểm đối với cây cao su, cà phê, hồ tiêu, điều, trâu, bò, lợn. Thời gian thực hiện hỗ trợ phí BHNN đến hết ngày 31/12/2025 |
Nguồn: Bảo hiểm nông nghiệp: Vì sao nông dân chưa "mặn mà"?