Đắk Lắk: Bếp lửa miền sơn cước
Đắk Lắk có 1 dự án đạt giải tại Cuộc thi Dự án khởi nghiệp xanh 2023 Đắk Lắk: Ra mắt Câu lạc bộ dệt thổ cẩm truyền thống của người Êđê |
Riêng nhà ở đồng bào thường làm thêm một cái gác/giàn bếp nằm ngay trên bếp lửa. Bếp và gác bếp không chỉ để nấu nướng thức ăn, bảo quản lương thực, chế biến thực phẩm theo tập quán ẩm thực của người miền núi mà còn giúp giữ gìn hạt giống cho mùa sau, giữ ấm vào mùa đông, bảo vệ vật liệu trong ngôi nhà khỏi hư hại bởi côn trùng và sự hủy hoại của thời gian.
Gác bếp của các dân tộc miền núi thường treo các loại hạt giống. |
Một số tộc người làm kho lúa ngay trong nhà ở. Kho lúa thường nằm trên bếp lửa. Lửa giữ ấm và khói quyện lên để lúa không bị ẩm và bị mọt ăn. Bắp ngô và bầu bí cũng được đồng bào cất giữ trên gác bếp để lấy hạt làm giống. Quả bầu thu hoạch về khoét rỗng ruột để trên giàn bếp lâu ngày đến lúc phủ một màu đen bóng mới mang ra chế tác những vật dụng đựng nước, đựng gạo, bầu cộng hưởng của các nhạc cụ thuộc bộ dây, bộ hơi. Ngoài ra, những món không thể thiếu trong tập quán ẩm thực của đồng bào miền núi như cau khô, thuốc lá khô, vỏ cây dùng để ăn trầu, vỏ cây để tạo men rượu tà vạc, tà đin, những bánh men dùng để ủ rượu cần cũng được tìm thấy nơi gác bếp.
Ngày xưa, khi chưa có tủ lạnh thì cái gác/giàn bếp là cái “tủ ấm” giúp đồng bào cất giữ và để dành thức ăn. Món ăn phổ biến nhất của đồng bào là thịt gác bếp. Các loại thịt trâu, bò, heo, thịt thú rừng... được rửa sạch, xâu vào cây rồi mang đi treo giàn bếp cho đến khi thịt khô, ráo. Tùy mỗi nhà chế biến khác nhau, có thể ướp gia vị, sả, ớt, tiêu rừng để cho thịt thơm, ngon và trữ được lâu. Trong các loại thịt gác bếp, thịt lợn bản nuôi tự nhiên, nếu để “đủ tháng đủ ngày” thì thịt sẽ săn, dai, ngọt tự nhiên, thái lát có màu hồng bắt mắt. Nhiều món ăn khác của đồng bào đều phải nhờ có nhiệt độ và hơi khói của bếp lửa mới có hương vị đặc trưng.
Trong các ngôi nhà dài truyền thống cổ xưa của dân tộc Cơ Tu, Cor... ở núi rừng Trường Sơn hay nhà dài mẫu hệ của dân tộc Êđê, J’rai... ở vùng Tây Nguyên thì mỗi bếp lửa tượng trưng cho một gia đình. Càng nhiều gia đình, nhiều thế hệ sống chung trong ngôi nhà thì càng có nhiều bếp lửa. Trong nhà, cái bếp lửa luôn sạch sẽ, trước khi ra khỏi nhà người ta phải dọn bếp lửa và dập hết lửa, chỉ để một thanh củi gộc vùi dưới tro để giữ lửa. Củi gộc là cây củi khô, to bằng bắp đùi trở lên. Nó là cây củi giữ than đêm này sang đêm khác. Củi gộc là cây củi cái trong bếp và làm trụ cho những cây củi nhỏ hơn (củi con) và đóm (đóm là các cây để nhen nhóm lửa như tre, trúc, nứa, vầu...). Củi và lửa là những thứ thể hiện sự no ấm của mỗi gia đình.
Gian bếp của người Cơ Tu đỏ lửa nấu cơm tối. |
Với đồng bào miền núi, bếp lửa không chỉ để nấu nướng. Nó là thứ ánh sáng huyền thoại cháy rực trong đêm sâu thẳm của núi rừng, bản làng. Quanh bếp lửa các già làng kể cho bọn trẻ câu chuyện xưa, qua đó để giáo dục về nhận thức và lẽ sống. Trong đêm lễ hội, quanh bếp lửa, đồng bào quây quần bên nhau trò chuyện, uống rượu và nằm ngủ luôn bên hơi lửa cho ấm.