Hà Nội: 25°C
Thừa Thiên Huế: 21°C
TP Hồ Chí Minh: 31°C
Quảng Ninh: 20°C
Hải Phòng: 22°C

Đắk Lắk: "Bỏ phố về vườn": Lựa chọn của người trẻ dám nghĩ, dám làm

"Bỏ phố về vườn" là lựa chọn của những người trẻ dám sống, dám theo đuổi đam mê để tạo ra những giá trị mới cho cuộc sống. Họ là những "người hùng" của nông nghiệp hiện đại, những người đang viết nên câu chuyện về một Việt Nam xanh, sạch và bền vững.

Không phải trào lưu nhất thời

"Bỏ phố về vườn" - cuộc "di cư ngược" của những người trẻ không còn là một trào lưu nhất thời, mà đã trở thành một lựa chọn nghiêm túc của nhiều người trẻ.

Chàng trai thế hệ 9X Nguyễn Tuấn Dũng (xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar) là một minh chứng sống động. Anh từng là kỹ sư cơ khí chế tạo máy với mức lương hấp dẫn tại một công ty của Nhật Bản ở TP. Hồ Chí Minh. Trong hai năm được công ty cử đi tu nghiệp tại Nhật Bản, anh đã có cơ hội trải nghiệm và học hỏi nền nông nghiệp tiên tiến của xứ sở hoa anh đào. Đó cũng là thời điểm "gieo" vào lòng anh niềm đam mê mãnh liệt với nông nghiệp sạch, bền vững và muốn làm điều gì đó để góp phần phát triển quê hương, đưa cà phê Việt Nam vươn tầm thế giới.

Đắk Lắk: "Bỏ phố về vườn": Lựa chọn của người trẻ dám nghĩ, dám làm
Anh Nguyễn Tuấn Dũng giới thiệu sản phẩm cà phê cho du khách tại Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025.

Năm 2018, anh Dũng quyết định "bỏ phố về quê", bắt đầu hành trình khởi nghiệp với “Nông trại bền vững iForest”. Năm 2021, cùng với một người bạn thân, anh chính thức thành lập nông trại trên diện tích 6 ha đất của gia đình, theo mô hình sinh thái vườn rừng đa tầng tán. Không đi theo lối mòn truyền thống, Dũng mạnh dạn áp dụng các phương pháp canh tác hữu cơ và công nghệ cao vào sản xuất. Nhờ đó, chất lượng cà phê của trang trại ngày càng được nâng cao, đạt tiêu chuẩn cà phê đặc sản Việt Nam, được thị trường đón nhận.

Hay như chàng trai trẻ 9X Đoàn Tuấn Nhật - người sáng lập thương hiệu Ant Bee, đã chọn con đường phát triển cà phê đặc sản. Sinh ra và lớn lên ở vùng trọng điểm sản xuất cà phê của Đắk Lắk – huyện Krông Năng, khi lớn lên, cũng như nhiều bạn trẻ khác, Nhật thoát ly khỏi vùng nông thôn đến TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp. Tuy nhiên, sau vụ cà phê pin xảy ra ở tỉnh Đắk Nông (năm 2018), anh Nhật chợt thấy thương người nông dân làm ra hạt cà phê, trong đó có bố mẹ và người thân mình lại không được uống những ly cà phê tử tế. Đó cũng chính là động lực thôi thúc anh bỏ công việc của một kỹ sư điện, quay lại quê hương tìm thầy học và chuyển sang chế biến cà phê đặc sản vào năm 2019.

Vậy là chàng trai trẻ mê mải theo hương cà phê, chọn một trang trại tại Lâm Đồng làm điểm khởi nghiệp, bởi theo Nhật, muốn có cà phê đặc sản, phải có nguyên liệu tốt nhất, khí hậu phù hợp. Robusta thì Đắk Lắk vô địch, nhưng Arabica quyến rũ nhất thì phải là Cầu Đất (Lâm Đồng). Để bảo đảm chất lượng, anh giám sát chặt chẽ từ khâu đầu vào ở các vùng nguyên liệu (khoảng 13 ha) nằm ở hai tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng. Tại đây, cà phê được chăm sóc theo quy trình an toàn, không sử dụng thuốc diệt cỏ, tăng cường phân hữu cơ và chỉ thu hái những trái chín mọng. Với kiến thức và niềm đam mê, anh Nhật đã xây dựng một thương hiệu cà phê mang đậm dấu ấn riêng, được đánh giá cao bởi các chuyên gia và người tiêu dùng.

Những "người hùng" của nông nghiệp hiện đại

Những người trẻ "bỏ phố về vườn" không chỉ mang đến sự thay đổi cho cuộc sống của chính họ, mà còn góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn. Họ không ngại đầu tư vào công nghệ, áp dụng các phương pháp canh tác hiện đại. Đồng thời, chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm trên các kênh trực tuyến, tiếp cận thị trường trong và ngoài nước. Họ không chỉ bán sản phẩm, mà còn "bán" câu chuyện, giá trị và trải nghiệm.

Những ngày đầu tiên làm nông nghiệp, anh Nguyễn Tuấn Dũng cùng các cộng sự đã phải từng bước vượt qua khó khăn chồng chất, từ việc chuyển đổi phương pháp canh tác truyền thống sang hữu cơ, đến việc tìm đầu ra cho sản phẩm thô. Nhưng với quyết tâm và sự sáng tạo, nhóm của anh Dũng đầu tư máy móc, nghiên cứu chế biến sản phẩm và dần khẳng định vị thế trên thị trường. Đến nay, các sản phẩm của nhóm đã có mặt ở 21 cửa hàng của 7 tỉnh, thành phố trên cả nước; có 4 sản phẩm cà phê đạt OCOP 3 sao. Đặc biệt, nông trại của anh đã có mẫu cà phê đã đạt chứng nhận Cà phê đặc sản Việt Nam năm 2023.

Đắk Lắk: "Bỏ phố về vườn": Lựa chọn của người trẻ dám nghĩ, dám làm
Du khách tìm hiểu sản phẩm viên nén cà phê đặc sản - Antbeepresso của Ant Bee tại Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025.

Cũng dấn thân vào “con đường hẹp” đầy thử thách của cà phê đặc sản, anh Đoàn Tuấn Nhật chia sẻ, năm 2020 anh đã có sản phẩm đạt chứng nhận Cà phê đặc sản Việt Nam. Tuy nhiên thời điểm đó, phân khúc cà phê đặc sản trong nước còn rất mới mẻ nên sản phẩm (nhân xanh) bán không ai mua. Đối diện với khó khăn, trong đầu anh nảy ra ý tưởng khởi nghiệp bằng một xe bán cà phê mang đi - coffee take away bằng chính những hạt cà phê mình làm ra. Rất may mắn, cà phê của anh đã chinh phục được nhiều khách hàng. Từ một xe đẩy, đến nay anh đã mở được một chuỗi quán cà phê để đáp ứng lượng khách đến với thương hiệu Ant Bee.

Năm 2022, Công ty TNHH Trà cà phê Ant Bee được thành lập, những giải thưởng từ các cuộc thi cà phê đặc sản trong và ngoài nước đã giúp Ant Bee tạo dựng được uy tín và thu hút khách hàng. Hiện không chỉ cung cấp cà phê nhân xanh đặc sản cho các nhà rang xay, Ant Bee còn tự mình rang xay và cung cấp cà phê bột, cà phê hạt đã qua chế biến cho người tiêu dùng. Trà từ vỏ cà phê Arabica cũng là một sản phẩm được ưa chuộng của thương hiệu này. Đặc biệt, sản phẩm viên nén cà phê đặc sản - Antbeepresso của Ant Bee, một dòng sản phẩm cà phê tiện lợi lần đầu tiên có mặt ở thị trường trong nước do chính anh nghiên cứu sản xuất đã tạo ấn tượng mạnh và thu hút du khách tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025.

Có thể thấy, hành trình “hồi hương” của Nguyễn Tuấn Dũng và Đoàn Tuấn Nhật, cũng như nhiều bạn trẻ khác là minh chứng cho khát vọng của những người trẻ dám nghĩ, dám làm, góp phần đánh thức tiềm năng cà phê Việt và xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. Tuy nhiên, con đường "bỏ phố về vườn" không hề trải hoa hồng. Người trẻ phải đối mặt với nhiều thách thức, từ vốn đầu tư, kiến thức chuyên môn đến biến đổi khí hậu và rủi ro thị trường. Song với sự quyết tâm, sáng tạo và sự hỗ trợ từ Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp, cùng với sự phát triển của công nghệ, thị trường… đang tạo ra những cơ hội lớn cho người trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Nguồn: "Bỏ phố về vườn": Lựa chọn của người trẻ dám nghĩ, dám làm

Minh Thuận
baodaklak.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin mới nhất

Giá xăng dầu trong nước đồng loạt tăng

Giá xăng dầu trong nước đồng loạt tăng
Liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong kỳ điều chỉnh hôm nay 3/4. Thời gian áp dụng từ 15h ngày 3/4/2025.

Cảnh báo thời tiết cực đoan khi giao mùa

Cảnh báo thời tiết cực đoan khi giao mùa
Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo trên phạm vi toàn quốc có khả năng xảy ra nhiều trận dông, lốc và mưa đá vào thời điểm giao mùa tháng 4.

Phát động chương trình trồng một triệu cây xanh cho Trường Sa thân yêu

Phát động chương trình trồng một triệu cây xanh cho Trường Sa thân yêu
Chương trình được khởi động nhằm tri ân những người lính đảo và đồng bào ta đang ngày đêm bám biển thông qua mục tiêu trồng một triệu cây xanh, góp phần xây dựng cảnh quan môi trường chính quy, xanh, sạch, đẹp trên đảo.

TT Trump áp thuế 46%: Những ngành hàng Việt Nam chịu thiệt hại lớn nhất

TT Trump áp thuế 46%: Những ngành hàng Việt Nam chịu thiệt hại lớn nhất
Các chuyên gia cho rằng, rất nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ chịu “thiệt hại nặng” từ chính sách thuế quan của Hoa Kỳ và sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của Việt Nam với các đối thủ trong khu vực

Miền Bắc sắp đón đợt nồm ẩm, Hà Nội mưa vào dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Miền Bắc sắp đón đợt nồm ẩm, Hà Nội mưa vào dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương
Đợt rét nàng Bân đang suy yếu dần ở miền Bắc. Dự báo trong vài ngày tới nhiệt độ sẽ tăng lên khá nhiều và nồm ẩm cũng sẽ quay trở lại.