Đắk Lắk: “Cầu nối” đưa vốn tín dụng đến với người nghèo
Đắk Lắk: Đề nghị hỗ trợ, kiểm dịch thực vật sầu riêng tại địa phương niên vụ 2023 Đắk Lắk: Tượng nhà mồ là sáng tạo để thức tỉnh |
Là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 9 (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn), những năm qua, ông Lò Xuân Thương luôn nắm bắt kịp thời hoàn cảnh, nhu cầu vay vốn của người dân trong thôn. Nhờ đó, việc tư vấn, giới thiệu nguồn vốn tín dụng chính sách đến với người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn được thực hiện kịp thời.
Ông cũng giới thiệu, tư vấn những mô hình phát triển kinh tế mới để hộ vay tham khảo, áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. Hiện tổ đang quản lý dư nợ hơn 1,7 tỷ đồng, với 40 hộ vay, trong tổ không có nợ quá hạn.
Ông Lò Xuân Thương (đứng giữa), Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 9 (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) tư vấn những mô hình phát triển kinh tế mới để hộ vay tham khảo. |
Tại huyện Krông Bông hiện có 300 tổ tiết kiệm và vay vốn, trong đó Hội Nông dân có 78 tổ, Hội Liên hiệp Phụ nữ 79 tổ, Hội Cựu chiến binh 73 tổ và Đoàn Thanh niên 70 tổ. Theo đại diện Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Krông Bông, các tổ tiết kiệm và vay vốn tại địa phương đã phát huy vai trò quan trọng trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách, là “cầu nối” giữa ngân hàng với người vay vốn, mang lại hiệu quả kinh tế.
Toàn tỉnh hiện có 4.070 tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động. Cụ thể, Hội Nông dân có 1.244 tổ, với 50.674 hộ dư nợ; Hội Liên hiệp Phụ nữ 1.291 tổ, 53.066 hộ dư nợ; Hội Cựu chiến binh 773 tổ, 31.291 hộ dư nợ; Đoàn Thanh niên 762 tổ, 30.983 hộ dư nợ. Qua đánh giá cho cho thấy, 4.001 tổ xếp loại tốt (chiếm tỷ lệ 98,3%); 54 tổ xếp loại khá (1,3%); còn lại là tổ trung bình, không có tổ loại yếu. |
Theo đó, các tổ hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, giúp đỡ nhau trong sản xuất, đời sống và cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng hạn. Đồng thời, tổ chức bình xét công khai, dân chủ những người có đủ điều kiện vay vốn ưu đãi; giám sát các tổ viên trong việc sử dụng vốn vay đúng mục đích; thực hiện tốt công tác thu lãi, thu tiền tiết kiệm hằng tháng do ngân hàng ủy nhiệm.
Với sự năng động, nhiệt huyết của mình, nhiều năm qua, anh Trần Đức Ánh, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 2 (xã Cư Drăm, huyện Krông Bông) đã phát huy vai trò gương mẫu đi đầu của mình. Hiện anh đang quản lý 52 hộ vay, với tổng dư nợ hơn 2 tỷ đồng. Trong sinh hoạt, bình xét đối tượng vay, anh luôn công khai, minh bạch. Nhờ vậy, các tổ viên đã tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả trong trồng trọt và chăn nuôi, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo.
Ông Nguyễn Xuân Điền, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Krông Bông cho biết, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, đơn vị thường xuyên lựa chọn những người có uy tín trong cộng đồng để làm tổ trưởng, quan tâm đến công tác tập huấn nghiệp vụ hằng năm cho ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn.
Ngoài ra, tham mưu các tổ chức hội nhận cho vay ủy thác, Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo các tổ tiết kiệm và vay vốn tuân thủ công tác sinh hoạt định kỳ để kịp thời thông báo chính sách mới đến tổ viên. Đồng thời, thường xuyên rà soát, nâng cao chất lượng hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn; thực hiện kiện toàn những tổ hoạt động yếu kém, không hoàn thành công việc đã được ủy nhiệm và hướng dẫn ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn sử dụng phần mềm tương tác để đạt hiệu quả cao hơn trong công việc.
Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Krông Bông cùng Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xã Ea Trul kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn của người dân. |
Được biết, từ đầu năm đến nay, các tổ chức hội nhận cho vay ủy thác đã chủ động lập và thực hiện công tác kiểm tra, giám sát tại những tổ chức hội cơ sở. Đối với hội, đoàn thể cấp tỉnh, Đoàn Thanh niên thực hiện kiểm tra được 8 huyện, 8 xã, 32 tổ, 160 hộ vay; Hội Cựu chiến binh kiểm tra được 7 huyện, 7 xã, 7 tổ, 35 hộ vay; Hội Liên hiệp Phụ nữ kiểm tra được 5 lượt huyện, 5 lượt xã, 17 lượt tổ, 31 hộ vay và Hội Nông dân kiểm tra được 4 lượt huyện, 4 lượt xã, 4 tổ, 20 hộ vay.
Đối với hội, đoàn thể cấp huyện thực hiện kiểm tra được 479 lượt xã, 1.237 lượt tổ và 6.185 hộ vay. Hội, đoàn thể cấp xã kiểm tra 2.444 lượt tổ và 88.232 hộ vay. Các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác các cấp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH triển khai thực hiện tốt những nội dung ủy thác, thực hiện giải ngân nhanh chóng, đúng đối tượng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và hộ chính sách khác. Chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn ngày càng được kiện toàn và nâng cao, với 3.875 tổ không có nợ quá hạn (đạt tỷ lệ 95,2%).
Theo đại diện Ngân hàng CSXH Chi nhánh Đắk Lắk, với vai trò “cầu nối”, các tổ tiết kiệm và vay vốn đã giúp đơn vị chuyển tải nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng, theo dõi các hộ vay thực hiện tốt việc trả lãi, trả nợ. Hiện có gần 100 tổ trưởng sử dụng app VBSP Smart Banking để thu lãi, tiền tiết kiệm nên đã rút ngắn đáng kể thời gian giao dịch.
Bên cạnh đó, các tổ thường xuyên phân tích, đánh giá chất lượng tín dụng để có giải pháp xử lý phù hợp với tình hình thực tế. Thời gian tới, chi nhánh sẽ tăng cường rà soát, theo dõi nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn; kiện toàn, củng cố đối với các tổ hoạt động trung bình, yếu kém; chú trọng nâng cao chất lượng họp bình xét cho vay, sinh hoạt định kỳ và đôn đốc, giám sát tổ viên sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi theo đúng quy định...
Nguồn: “Cầu nối” đưa vốn tín dụng đến với người nghèo