Đắk Lắk: Chiếc bánh của tình yêu
Bánh không chỉ là thức ăn đơn thuần mà là món quà mang đầy ý nghĩa nhân văn. Chiếc bánh thơm thảo dành để đãi khách quý đến thăm nhà, thăm bản làng, biếu tặng bà con thân thuộc. Đặc biệt, chiếc bánh là lễ vật thanh khiết để dâng cúng thần linh trong các lễ hội cộng đồng, lễ cưới... Trong lễ cưới, cặp bánh nếp gói bằng lá đót dành cho cô dâu, chú rể trong nghi lễ linh thiêng, tượng trưng cho tình yêu son sắt, nên nghĩa vợ chồng.
Loại bánh đặc trưng của đồng bào các dân tộc miền núi là bánh nếp gói bằng lá đót. Cây đót (có nơi gọi là cây chít) là cây hoang dại mọc rất nhiều trên các cánh rừng. Theo hình dáng, bánh giống như chiếc sừng trâu nên cũng được gọi bằng cái tên quen thuộc là bánh sừng trâu.
Ở vùng đồng bào Cơ Tu và Tà Ôi, tùy nơi mà có tên gọi khác nhau như c’cot, avị cuốt, a cuốt, a koát, a quát... Bánh này làm rất dễ, nguyên liệu là lá đót, dây lạt và nếp ngon. Cách làm bánh cũng không quá cầu kỳ, nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của người làm. Công đoạn chuẩn bị để làm bánh sừng trâu phải kể tới lên núi hái cây lá đót.
Loại cây có lá thon dài, được nhiều vùng miền núi sử dụng gói bánh, bông của loài cây này làm chổi đót khá phổ biến. Lá được dùng để gói bánh phải to bản, không bị rách, mang về rửa và lau sạch sẽ rồi ép nhanh để lá không khô. Bánh sừng trâu được làm từ loại gạo nếp nương thơm dẻo, vị béo bùi.
Bánh sừng trâu của dân tộc Cơ Tu. |
Khác với bánh chưng, bánh tét, để làm bánh sừng trâu không cần phải ngâm gạo trước khi gói và không cần nhân bánh. Người làm chỉ cần khum chiếc lá đót theo hình sừng trâu, đổ gạo vào và khéo léo uốn đầu bánh còn lại thành đầu nhọn, rồi dùng lạt buộc lại là đã xong phần gói bánh. Hai chiếc bánh sừng trâu sẽ buộc lại thành cặp, sau đó đem ngâm trong nước cho gạo nếp ngấm mềm hơn. Nước ngâm bánh cũng phải cầu kỳ hơn ngày thường, phải chọn nước nơi đầu nguồn con suối, bảo đảm sạch sẽ và tinh khiết. Sau đó bánh sẽ được mang đi luộc, thời gian chừng 2-3 giờ. Khi chín, bóc lớp vỏ bánh sừng trâu ra vẫn vương màu xanh của lá đót, mùi hương hòa quyện giữa gạo nếp nồng nàn và mùi lá thơm mát khó quên.
Bánh sừng trâu được dùng trong thời gian 2-3 ngày, khi để lâu bánh cứng, có thể nướng trên than hồng ăn giòn và dẻo ngon hơn. Đặc biệt trong đám cưới, nhà trai không tổ chức làm bánh a cuốt mà chỉ có nhà gái làm đãi khách và làm quà cho nhà trai. Đối với các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Cơtuic, bánh a cuốt được xem là chiếc bánh của tình yêu bởi lẽ nó luôn xuất hiện trong các dịp lễ cưới truyền thống của đồng bào. Bánh được gói thành một cặp, chiếc bánh to hơn tượng trưng cho người con trai và bánh nhỏ gợi đến hình ảnh của người con gái.
Cô dâu, chú rể ăn bánh sừng trâu trong lễ cưới. |
Bánh a yớh cũng là loại bánh phổ biến trong các lễ hội như lễ cúng tổ tiên, lễ cưới, mừng mùa, Tết Nguyên đán của đồng bào các dân tộc miền núi. Đây là loại bánh nếp giã trộn vừng, giống như bánh dày của người Việt, được mỗi dân tộc gọi bằng tên khác nhau, người Cơ Tu ở Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) gọi là azưh, người Vân Kiều ở Quảng Trị và một nhóm nhỏ sinh sống tại huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) gọi là a yớh, người Tà Ôi, Pa Cô gọi là a deep man. Bánh tượng trưng cho những điều tốt đẹp nhất, sự thủy chung son sắt và nghĩa tình.
Nguyên liệu đơn giản là nếp, mè đen, muối hạt... nhưng công đoạn làm bánh thì rất kỳ công, đòi hỏi sự kiên trì, chú tâm. Người được chọn làm bánh là những người phụ nữ khỏe mạnh, đủ sức lên nương rẫy và vung chày giã gạo, giã nếp làm bánh. Gạo nếp làm bánh phải chọn kỹ, không lẫn lộn với những loại gạo khác. Gạo được đãi sạch, để khô ráo rồi cho vào nấu cách thủy trên bếp than. Mè đen đem trộn với ít muối rồi cho lên bếp rang đều, giữ lửa vừa, đến khi nào mè tỏa mùi thơm phức thì ngừng.
Sau khi nếp chín thì cho vào cối giã, vừa giã vừa rắc bột mè đen vào cối. Để bánh được dẻo, mịn thì phải giã liên tục, đều tay đến khi hạt xôi nếp nhuyễn mịn. Giã đến khi xôi và mè hòa chung thành màu đen sẫm thì lấy ra dùng tay phết đều lên mâm (đồng, nhôm) hoặc khay tre, vun vét thành cái bánh tròn trịa và đầy dặn như vầng trăng rằm.
Bánh a yớh ăn ngon nhất là lúc mới được làm xong, vừa dẻo vừa dai, có vị ngọt ngào của nếp nương và hương thơm dịu nhẹ của mè đen. Bánh này có thể ăn kèm với thịt nướng và rau rừng. Theo phong tục của người Vân Kiều, nhà gái phải gùi bánh a yớh và xấn (váy) sang nhà trai để làm lễ tiễn con gái về nhà chồng. Đặc biệt, trong đám cưới bắt buộc phải có bánh a yớh, bởi vì khi có loại bánh này mới được tiến hành các nghi lễ tiếp theo. Đây cũng là các món ăn vừa ngon vừa tiện lợi, có thể bảo quản được lâu ngày nên cũng được đồng bào làm nguồn thức ăn dự trữ như lương khô. Bà con thường mang theo vài miếng bánh để lót dạ khi đi rừng, săn bắn hay lên nương rẫy.
Nguồn: Chiếc bánh của tình yêu