Đắk Lắk: Dấu ấn chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới
Đắk Lắk có đường biên giới khoảng 72 km tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri - Vương quốc Campuchia, qua địa phận bốn xã: Krông Na (huyện Buôn Đôn), Ia Lốp, Ea Bung và Ia R'vê (huyện Ea Súp).
Về dân cư, huyện Buôn Đôn có 17.441 hộ, với 29 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ 47,36%. Huyện Ea Súp có 20.112 hộ, 34 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ 40,84%.
Nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới, chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng được Nhà nước rất quan tâm đầu tư. Kết cấu hạ tầng được thực hiện thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đồng thời, lồng ghép các cơ chế, chính sách vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hằng năm và các chương trình, dự án khác để triển khai.
Theo số liệu của UBND tỉnh, giai đoạn 2016 - 2022, tổng kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn các xã biên giới thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia là gần 191 tỷ đồng.
Người Lào ở xã biên giới Krông Na (huyện Buôn Đôn) đón Tết Bunpimay. |
Về hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã có hai chương trình, dự án được triển khai, trong đó có hai huyện biên giới, gồm: Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên (tổng mức đầu tư 659,6 tỷ đồng) và Dự án hỗ trợ phát triển khu vực biên giới (tổng mức đầu tư gần 596 tỷ đồng). Nhờ đó đến nay, xã Ea Bung đã đạt chuẩn nông thôn mới, xã Ia R'vê đạt 12/19 tiêu chí, xã Ia Lốp đạt 12/19 tiêu chí, xã Krông Na gần đạt chuẩn nông thôn mới (3/3 buôn chưa đảm bảo tiêu chí về hộ nghèo).
Một chính sách khác cũng tạo dấu ấn rõ rệt ở địa bàn biên giới là giao đất rừng, bảo vệ và phát triển rừng.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 14 dự án phát triển nông, lâm nghiệp đã được triển khai thực hiện tại các xã biên giới, tổng diện tích gần 9.724 ha. Ngoài ra, có gần 5.054 ha rừng và đất lâm nghiệp thuộc hai xã Ia R'vê và Ea Bung được giao cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức quản lý, sử dụng để làm nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng; bảo vệ an ninh chính trị khu vực biên giới và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên đoạn biên giới được giao, tạo sự ổn định về an ninh chính trị trong khu vực biên giới.
Các dự án phát triển nông, lâm nghiệp đã giải quyết việc làm và thu nhập cho người dân tại địa phương, đặc biệt là đồng bào DTTS tại chỗ.
Chủ dự án trên địa bàn các xã biên giới đã ưu tiên tuyển dụng lao động là người DTTS tại chỗ vào làm công nhân và nhận khoán trồng rừng, trồng cao su, chăm sóc bảo vệ vườn cây nhằm giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập; đồng thời, nâng cao dân trí, nâng cao nhận thức của người dân vùng dự án.
Đắk Lắk cũng đã triển khai nhiều chính sách khác đối với đồng bào DTTS vùng biên giới liên quan đến hỗ trợ đời sống, an sinh xã hội; giáo dục đào tạo, dạy nghề, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm; hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; quy hoạch, định canh định cư, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư cho đồng bào DTTS.
Theo đánh giá của chính quyền hai huyện biên giới Buôn Đôn và Ea Súp, những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã tạo sự chuyển biến mạnh về cơ sở hạ tầng kinh tế; tình hình sản xuất của đồng bào DTTS đã có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực, chất lượng giáo dục, điều kiện chăm sóc sức khỏe của người dân ngày một tốt hơn.
Ông Lê Văn Hoàng Lâm, Chủ tịch UBND xã biên giới Ia R'vê (huyện Ea Súp) cho biết, những năm qua, địa phương được quan tâm đầu tư lớn nhiều công trình cơ sở hạ tầng giao thông, điện, cơ sở khám chữa bệnh, chợ và các mô hình phát triển kinh tế. Nhờ đó, diện mạo kinh tế - xã hội địa phương ngày càng khởi sắc, đời sống người dân từng bước cải thiện, xây dựng vành đai biên giới vững chắc.
Một góc trung tâm huyện biên giới Ea Súp. |
Đánh giá của UBND tỉnh cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, thực hiện các chính sách đối với đồng bào DTTS vùng biên giới vẫn còn một số hạn chế, bất cập.
Các chính sách thường chỉ là hỗ trợ, giải quyết tình thế, chưa phải là đầu tư phát triển để khai thác các thế mạnh vùng DTTS và miền núi, xã biên giới.
Chưa có chính sách khuyến khích người dân vươn lên thoát nghèo bền vững, còn một số chính sách nặng về "cho không".
Bên cạnh đó, trong thực thi chính sách, chưa phát huy vai trò của chính quyền địa phương, người dân được thụ hưởng chính sách trong tham gia hoạch định, xây dựng và tổ chức thực hiện.
Ngoài ra, một bộ phận đồng bào DTTS còn tâm lý tự ti, mặc cảm, chưa chủ động vươn lên thoát nghèo…
Nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách đối với đồng bào DTTS vùng biên giới, tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống giao thông vào các đồn biên phòng, đường tuần tra biên giới; xem xét ban hành cơ chế chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội tuyến biên giới phù hợp với tình hình thực tế của địa phương trong giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Đồng thời, quan tâm đầu tư xây dựng các dự án lớn, có tính lan tỏa, tạo động lực phát triển, giúp các xã biên giới phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. |
Nguồn: Dấu ấn chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới