Đắk Lắk: Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại
Đắk Lắk: Sôi nổi các hoạt động hưởng ứng Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 Đắk Lắk: Cuộc thi ảnh đẹp về Hội voi Buôn Đôn |
Theo ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công Thương, trong bối cảnh phục hồi nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, ngành công thương đã không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường đầu tư nhằm phát triển hoạt động giao thương với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng như nước ngoài.
Theo đó, ngành công thương đã vận động, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia các hội nghị kết nối giao thương, tiêu thụ hàng hóa, kết nối cung cầu song phương, đa phương tại các tỉnh, thành phố trong cả nước; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức những phiên chợ hàng Việt về miền núi, tạo cầu nối cho doanh nghiệp tiếp cận với thị trường vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ doanh nghiệp mang những sản phẩm đặc trưng của tỉnh tham gia các kỳ hội chợ, triển lãm trong nước và nước ngoài…
Đại diện Sở Công Thương Đắk Lắk và Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Kiên Giang ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tại Hội nghị kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp hai tỉnh Đắk Lắk và Kiên Giang năm 2022. |
Trong năm 2022, ngành công thương và những đơn vị liên quan đã tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia 22 chương trình hội chợ, hội nghị kết nối giao thương tại các tỉnh, thành phố lớn như: Vĩnh Long, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh...; hỗ trợ 6 doanh nghiệp đăng ký tham gia Hội chợ quốc tế thương mại, du lịch và đầu tư hành lang kinh tế Đông Tây - Đà Nẵng; tổ chức đoàn công tác tham gia Hội chợ sản phẩm lên men quốc tế Jeonju (IFFE) tại tỉnh Jeollabuk - Hàn Quốc, với sự tham gia của 15 doanh nghiệp sản xuất cà phê, ca cao, mật ong, mắc ca, trà mãng cầu… để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối tiêu thụ, phát triển thị trường nông sản và các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh. Ngoài ra, Sở Công Thương cũng đã tổ chức thành công Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại, với 171 đơn vị là đại diện các sở, ngành, UBND các địa phương trong tỉnh, các nhà phân phối, sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp chế biến, cung ứng, thu mua, xuất nhập khẩu trong nước tham gia… Thông qua các hoạt động xúc tiến, nhiều doanh nghiệp đã tìm kiếm được đối tác và mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Doanh nghiệp hai tỉnh Đắk Lắk và Quảng Trị giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm bằng hình thức trực tuyến tại Hội nghị giao thương trực tuyến giữa doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk và Quảng Trị năm 2022. |
Thông qua những chương trình kết nối giao thương giữa các địa phương sẽ như “vết dầu loang” tạo ra sự lan tỏa, hình thành mạng lưới tiêu thụ từ các sản phẩm OCOP đến những sản phẩm nông sản khác của địa phương với thị trường trong và ngoài nước; hỗ trợ có hiệu quả cho doanh nghiệp trong việc khai thác, tìm kiếm thị trường, tăng cường liên kết sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, tiến tới xuất khẩu”. Phó Giám đốc Sở Công Thương Huỳnh Ngọc Dương |
Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Pơ Lang (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) - chuyên sản xuất các sản phẩm chế biến chuyên sâu từ quả bơ tươi là một doanh nghiệp mới được thành lập từ năm 2020 nên việc tìm kiếm khách hàng và lan tỏa thương hiệu luôn được chú trọng. Công ty đã tích cực tham gia các hội nghị kết nối giao thương, hội chợ triển lãm, phiên chợ bán hàng do ngành công thương tổ chức tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… Từ đó, có thể giúp công ty thu nhận ý kiến, nhu cầu thực tế của khách hàng để hoàn thiện sản phẩm cả về hình thức lẫn chất lượng, cũng như tìm kiếm và phát triển thêm đại lý phân phối. Đặc biệt, khi các sản phẩm của công ty được cấp chứng nhận OCOP 3 sao cấp thành phố đã tạo thêm động lực quan trọng giúp sản phẩm của công ty lưu hành trên thị trường và nhận được sự tin cậy của người tiêu dùng. Bà Phạm Thị Thu Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Pơ Lang chia sẻ: “Đến nay, công ty đã phát triển hơn 100 đại lý phân phối trên toàn quốc, sản phẩm của công ty cũng đã có mặt tại một số cơ sở chăm sóc mẹ và bé, cửa hàng mini mart tại Buôn Ma Thuột và Đà Nẵng như Danavi mart, Central Retail…. Riêng năm 2022, công ty đã cung ứng ra thị trường hơn 30.000 sản phẩm các loại”.
Hay như Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn (xã Ea Na, huyện Krông Ana) là doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ bột ca cao. Sau hơn 15 năm hoạt động, đến nay các sản phẩm bột ca cao, kẹo socola sữa, kẹo socola đen của công ty đã được cấp chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh, giúp đơn vị dần khẳng định chất lượng và được người tiêu dùng tin tưởng. Nói về hiệu quả khi tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, bà Trần Thị Tuyết Hoa, Trưởng Phòng Markerting của công ty cho biết: “Việc tích cực tham gia các chương trình kết nối, giao thương với các doanh nghiệp, nhà phân phối trong và ngoài nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho công ty phát triển thị trường tiêu thụ. Đến nay, sản phẩm ca cao của công ty không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang hai đối tác lớn là Canada và Nhật Bản”.
Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp đã ký kết được hợp đồng, biên bản ghi nhớ hợp tác với các nhà phân phối để đưa hàng hóa lên kệ của hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng trên toàn quốc, như: tinh bột nghệ của Công ty TNHH Trần Tú Anh (xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar) vào Siêu thị Big C - TP. Hồ Chí Minh; rau, quả sạch của Công ty TNHH Green Farm (TP. Buôn Ma Thuột) vào Siêu thị Aeon - Bình Dương…
Các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp hai tỉnh Đắk Lắk và Kiên Giang năm 2022. |
Cùng với việc tăng cường công tác xúc tiến thương mại, ngành công thương còn hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển khâu thiết kế mẫu mã sản phẩm; thực hành đăng bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử; xử lý đơn hàng, chuyển sản phẩm đến kho của sàn thương mại điện tử... một cách hiệu quả.
Nguồn: Quỹ Hỗ trợ nông dân - điểm tựa thoát nghèo