Đắk Lắk: “Địa chỉ đỏ” trên đèo M’Drắk - Phượng Hoàng
Đắk Lắk: Món quà ý nghĩa đầu năm Đắk Lắk: Du lịch tín hiệu vui đầu năm |
Nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của chiến trường, ngày 20/9/1972, tại chân núi Chư Mom Ray (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum), Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đã quyết định thành lập Sư đoàn 10. Trong Chiến dịch Tây Nguyên, tại mặt trận Đắk Lắk, Sư đoàn 10 đã tham gia nhiều trận đánh quan trọng.
Đơn cử như ngày 9/3/1975, Sư đoàn 10 tiến đánh Đức Lập (quận lỵ nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia về phía Tây Nam thị xã Buôn Ma Thuột hơn 50 km).
Hay như vào ngày 10/3/1975, Sư đoàn 10 cùng các đơn vị phối hợp tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột, mở màn Chiến dịch mùa Xuân năm 1975.
Đặc biệt, trận tấn công Chư Cúc vào ngày 18/3/1975, Sư đoàn 10 cùng các đơn vị phối hợp đã tiêu diệt Sư đoàn 23 ngụy, đập tan cuộc phản kích tái chiếm Buôn Ma Thuột góp phần quan trọng thúc đẩy chiến dịch phát triển. Đến ngày 22/3/1975, Sư đoàn 10 tham gia đánh chiếm quận lỵ Khánh Dương (nay là huyện M'Drắk), tiêu diệt hoàn toàn Trung đoàn 40 của ngụy và 4 tiểu đoàn Bảo an.
Các đại biểu viếng, dâng hương tại Nhà bia tưởng niệm Liệt sĩ Sư đoàn 10 – Quân đoàn 3, xã Cư M’ta, huyện M’Drắk. |
Để thực hiện âm mưu tái chiếm lại Buôn Ma Thuột và ngăn chặn đà tiến công của đại quân ta về đồng bằng ven biển miền Trung, địch đã vội vã đưa Lữ đoàn dù số 3 (lực lượng tổng dự bị chiến lược, đội quân tinh nhuệ, thiện chiến của địch) lên triển khai lập tuyến phòng thủ ở khu vực đèo M’Drắk – Phượng Hoàng. Sau 3 ngày đêm bao vây tiến công, chiến đấu ngoan cường quả cảm của Sư đoàn 10 cùng các lực lượng tăng cường của Quân đoàn 3, sáng 1/4/1975 quân ta đã đập tan tuyến phòng thủ của địch ở đèo M’Drắk – Phượng Hoàng, mở toang cánh cửa phía Đông để tiến công xuống đồng bằng giải phóng Ninh Hòa, Nha Trang, Cam Ranh, kết thúc thắng lợi Chiến dịch Tây Nguyên.
Trung tướng Trần Quốc Phú, nguyên Sư trưởng Sư đoàn 10, nguyên Phó Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 1, Trưởng ban Liên lạc bạn chiến đấu Sư đoàn 10 nhớ lại: Để có được chiến thắng trên, 187 cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 10 và các đơn vị tăng cường đã chiến đấu kiên cường, quả cảm và anh dũng hy sinh. Để ghi nhớ chiến công của các liệt sĩ, Ban Liên lạc bạn chiến đấu Sư đoàn 10 đã quyết định xây dựng Khu Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Sư đoàn 10 (xã Cư M’ta, huyện M’Drắk) với mong muốn đây là “chốn đi về”, và là mái nhà chung của các anh linh liệt sĩ bất tử. Với ý chí quyết tâm cao cùng sự quan tâm đầy trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành từ tỉnh đến cơ sở nên công trình Khu Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Sư đoàn 10 đã được khởi công vào ngày 26/2/2019. Công trình tọa lạc tại thôn 19, xã Cư M’ta có tổng diện tích 5.000 m2… Bằng nguồn vốn huy động theo hình thức xã hội hóa với số tiền gần 2,3 tỷ đồng và hơn 2.000 ngày công lao động, công trình ý nghĩa này đã hoàn thành các hạng mục vào ngày 23/2/2023. Đến ngày 5/10/2023, UBND tỉnh đã có quyết định xếp hạng di tích với tên gọi: Di tích Lịch sử Chiến thắng tại Đèo M’Drắk – Phượng Hoàng năm 1975, xã Cư M’ta, huyện M’Drắk, tỉnh Đắk Lắk.
Những người đồng chí, đồng đội Sư đoàn 10 gặp lại nhau tại Khu Nhà bia tưởng niệm Liệt sĩ Sư đoàn 10 – Quân đoàn 3, xã Cư M’ta, huyện M’Drắk. |
Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện M’Drắk cho biết: Việc Di tích Lịch sử Chiến thắng tại Đèo M’Drắk – Phượng Hoàng năm 1975 được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh là sự kiện chính trị quan trọng và là niềm vinh dự, tự hào của cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp nhân dân huyện M’Drắk.
Cùng với các di tích lịch sử hiện có trên địa bàn huyện như: Di tích lịch sử cấp tỉnh Điểm cao 519 (xã Ea Pil), Di tích tiềm năng cấp quốc gia Đèo Phượng Hoàng (xã Ea Trang), Di tích Lịch sử Chiến thắng tại Đèo M’Drắk – Phượng Hoàng năm 1975 là “địa chỉ đỏ” để giáo dục cho các thế hệ trẻ của huyện M’Drắk hôm nay và mai sau hiểu về truyền thống, lý tưởng cách mạng cũng như thể hiện lòng tri ân đến các thế hệ cha anh đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Nguồn: “Địa chỉ đỏ” trên đèo M’Drắk - Phượng Hoàng