Đắk Lắk: Đổi mới tư duy để phát triển nông nghiệp bền vững
Đắk Lắk: Kết nối nâng cao chuỗi giá trị cà phê Đắk Lắk: Phiên chợ xanh |
Tư duy kinh tế nông nghiệp
Năm 2022, giá trị gia tăng toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cả nước đạt 3,36%, là mức tăng cao nhất trong nhiều năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021; thặng dư thương mại trên 8,5 tỷ USD, chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế…
Tất cả những điều đó cho thấy, ngành nông nghiệp đang có bước chuyển từ lượng sang chất nhằm tăng giá trị. Tư duy kinh tế nông nghiệp ngày càng được định hình rõ hơn từ khâu sản xuất, ứng dụng công nghệ đến ý thức tổ chức hợp tác ở các ngành hàng.
Điều đó thể hiện ở chỗ người nông dân không chỉ sản xuất mà bước đầu đã nắm bắt được những tín hiệu của thị trường và ứng dụng công nghệ ngày càng nhiều hơn. Ý thức hợp tác của người nông dân cũng được nâng lên khi tự nguyện liên kết, hợp tác thành hợp tác xã, doanh nghiệp…
Nâng cao chất lượng từ khâu thu hoạch 100% trái chín giúp nâng cao giá trị hạt cà phê của Đắk Lắk. |
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT nhìn nhận, vấn đề chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp là vấn đề quan trọng hàng đầu, nhất là với những người sản xuất trực tiếp như nông dân, hợp tác xã…
Trong năm 2022, tư duy này đã được phổ biến, tuyên truyền và lan rộng trong các tầng lớp nhân dân. Ngành nông nghiệp Đắk Lắk đã thực hiện các giải pháp như đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để nâng cao ý thức, nhận thức của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã. Đồng thời, triển khai một loạt các đề án để tư duy này đi vào thực tiễn, như các đề án liên kết hợp tác sản xuất có chứng nhận, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng các vùng chỉ dẫn địa lý… Đây cũng là cơ sở để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, an toàn, chất lượng, có trách nhiệm và đủ sức cạnh tranh, xuất khẩu sản phẩm.
Với những nỗ lực đó, trong năm 2022, ngành nông nghiệp của Đắk Lắk đã đạt nhiều kết quả quan trọng như chỉ số tăng tưởng của ngành đạt 5,66%, tăng gần gấp đôi tốc độ tăng trưởng bình quân chung của cả nước; kim ngạch xuất khẩu nông sản của tỉnh tăng lên rất cao, đạt trên 1,3 tỷ USD... Đây là những con số minh chứng cho kết quả đổi mới tư duy cũng như các giải pháp tích cực trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp Đắk Lắk.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, tư duy kinh tế là tư duy thị trường, khơi thông thị trường quyết định sản xuất bền vững, tín hiệu thị trường là chỉ dấu cho đầu vào sản xuất. Tư duy kinh tế là “chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp đa giá trị”. Tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trên một đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi… là mục tiêu cuối cùng. Muốn vậy, phải kết hợp nông nghiệp với công nghiệp chế biến từ sơ đến sâu, dịch vụ thương mại nông sản, du lịch nông nghiệp nông thôn, khởi nghiệp nông nghiệp, kinh tế tập thể. Đồng thời, phải phát huy tính đa chức năng, đa giá trị các công trình hạ tầng và phải tiếp cận khái niệm “kinh tế nông thôn” như là một tư duy phát triển.
Thay đổi để loại bỏ “sức ì”
Bên cạnh những điểm sáng, ngành NN-PTNT vẫn còn tồn tại một số bất cập như: tăng trưởng chưa bền vững; ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp chưa được nhiều, việc phối hợp giữa doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông cần hiệu quả hơn; Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) còn một số sản phẩm chưa gắn với thị trường, vùng nguyên liệu…
Do đó, để đạt những mục tiêu: Tăng trưởng cao hơn năm ngoái, đạt khoảng 3,5%; xuất khẩu khoảng 55 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng ổn định mức 42% và nâng cao chất lượng rừng; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 80%, 270 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp quy chuẩn khoảng 60%..., ngành NN-PTNT cả nước cần đẩy mạnh đổi mới tư duy và mô hình tăng trưởng nông nghiệp, phát huy cao hơn nữa trách nhiệm trước đất nước, trước nhân dân, trước người nông dân, đóng góp tích cực, hiệu quả hơn vào thành tựu, kết quả chung.
Để làm được điều này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: năm 2023 sẽ tiếp tục lan tỏa sâu sắc hơn và cụ thể hơn trong “chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp”. Tư duy kinh tế phải được cụ thể hóa trong từng chiến lược, đề án, dự án, quy hoạch, chương trình hợp tác quốc tế… Tư duy tích hợp đa giá trị phải trở thành “phản xạ” của các lãnh đạo đơn vị, hình thành thói quen trong trao đổi công việc hằng ngày giữa các lãnh đạo cục, vụ, trung tâm, viện, trường với các địa phương. Đặc biệt, triển khai chủ trương tri thức hóa nông dân, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp chính là giải pháp nâng cao năng lực thích ứng với tư duy mới cho nông dân.
Nhiều nông sản địa phương đã được nông dân chế biến thành những sản phẩm giá trị đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP. |
Để thực hiện được điều này, cần huy động các viện, trường, nhà khoa học chuyên gia trong và ngoài ngành, các cơ quan truyền thông có chương trình huấn luyện nông dân tiếp cận tư duy kinh tế nông nghiệp, tư duy thị trường, thương mại điện tử, kỹ năng làm nông nghiệp mới, giá trị và kỹ năng làm du lịch nông nghiệp, nông thôn. “Chúng ta cần sớm xây dựng các khung đề cương hướng dẫn tri thức hóa với đa dạng đối tượng tham gia, đa dạng hình thức, đa dạng cấp độ, đa dạng không gian. Tới ngày nào đó, chúng ta phải giống các quốc gia tiên tiến, xem nông nghiệp là một nghề và được cấp chứng chỉ hành nghề hẳn hoi”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Bên cạnh đó, nhiệm vụ của ngành NN-PTNT trong năm 2023 là thực hiện bằng được mục tiêu “chuẩn hóa”, bao gồm: chuẩn hóa từ giống, quy trình canh tác, nuôi trồng, thu hoạch và sau thu hoạch; chuẩn hóa vùng nguyên liệu với mã vùng trồng, vùng nuôi, ao nuôi, mã cơ sở đóng gói; chuẩn hóa quy trình kiểm dịch động vật, thực vật, chất lượng và an toàn thực phẩm; chuẩn hóa quy trình thủ tục, tiến độ tiếp nhận, xử lý, giao trả hồ sơ đăng ký cấp phép, cấp giấy chứng nhận và các yêu cầu khác của doanh nghiệp theo hướng công khai, minh bạch. Thực hiện hiệu quả chiến lược khoa học công nghệ; trong đó tập trung đưa khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học, hữu cơ… về với làng quê nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số một cách thực chất, hiệu quả, tiết kiệm, gắn với kêu gọi sự hỗ trợ, tư vấn của các doanh nghiệp, hiệp hội công nghệ thông tin chuyên nghiệp. Thực hiện tư duy kiến tạo và khởi tạo trong nông nghiệp thông qua việc tham mưu cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp…
Xâu chuỗi tất cả nhiệm vụ của ngành nông nghiệp trong năm 2023 là hướng tới mục tiêu tạo ra hệ sinh thái nông nghiệp. Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Tư duy “đi cùng nhau” sẽ giúp chúng ta "đi nhanh hơn và đi xa hơn". Khi và chỉ khi có sự kết nối giữa những người tâm huyết trong xã hội với cán bộ, công chức tâm huyết trong bộ máy, chúng ta mới nhân lên nhiều lần kết quả mang lại, rút ngắn con đường đạt được mục tiêu trong ngắn hạn và dài hạn.
Nguồn: Đổi mới tư duy để phát triển nông nghiệp bền vững