Đắk Lắk: Huyện Krông Bông tạo sức hút đầu tư cho ngành nông nghiệp
Đẩy mạnh liên kết sản xuất
Với diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 115.801 ha (chiếm 92% tổng diện tích tự nhiên), song do khó khăn về điều kiện địa lý tự nhiên với nhiều sông suối, đồi núi, hệ thống kết cấu hạ tầng lại chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ nên những năm trước đây, dù huyện Krông Bông đã nỗ lực để kêu gọi đầu tư vào phát triển nông nghiệp nhưng kết quả còn hạn chế.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Bông, để thu hút các nhà đầu tư và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, đơn vị đã phối hợp với các DN, hợp tác xã (HTX) rà soát, đánh giá các điều kiện phát triển vùng nguyên liệu. Từ đó tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo thực hiện những giải pháp hỗ trợ cho DN, HTX thực hiện tốt các chuỗi liên kết.
Chẳng hạn như: hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác (THT), HTX để liên kết; chỉ đạo UBND các xã mà DN, HTX đầu tư hỗ trợ về quy hoạch vùng nguyên liệu tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia chuỗi liên kết và thực hiện đúng hợp đồng liên kết, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện; thành lập bộ phận hỗ trợ cho DN/HTX do lãnh đạo UBND xã chủ trì...
Ngoài ra, huyện còn lồng ghép vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ những dự án phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm thông qua các DN/HTX.
Định hướng của huyện Krông Bông là xây dựng vùng chuyên canh về dâu tằm ở các xã Hòa Lễ, Hòa Phong, Hòa Tân. |
Song song với các hoạt động hỗ trợ, huyện Krông Bông đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện cho DN, người dân; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình đầu tư thực hiện các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện Krông Bông đã thu hút được một dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời đang thực hiện thủ tục xin chủ trương đầu tư cho Dự án Khu du lịch sinh thái canh nông ở buôn H’Ngô A (xã Hòa Phong) do Công ty TNHH Tầm Vàng Chư Yang Sin làm chủ đầu tư. Những tháng đầu năm huyện cũng đã đón tiếp bốn doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư về lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện. |
Việc tạo điều kiện thuận lợi của huyện đã thu hút nhiều công ty, DN, HTX đầu tư, ký kết bao tiêu nông sản cho nông dân từ đầu vào đến đầu ra.
Một trong những điểm sáng trong công tác thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của huyện năm 2024 là Dự án trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao TH do Công ty TNHH MTV Trang trại công nghệ cao TH đầu tư, với quy mô 16.000 lợn thịt/lứa, tổng vốn đầu tư gần 87 tỷ đồng.
Dự án được đầu tư trên địa bàn xã Cư Kty với mục tiêu hướng đến chăn nuôi lợn thịt theo phương pháp nuôi công nghiệp hiện đại và khép kín, tạo ra sản phẩm chăn nuôi có chất lượng tốt, tạo công ăn việc làm cho người lao động, nhất là lao động tại địa phương.
Đồng thời xây trang trại nuôi lợn thịt công nghệ cao theo mô hình khép kín để cho thuê lại, hợp tác đầu tư...
Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Lê Văn Long cho biết, việc thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện mang lại rất nhiều lợi ích.
Trong đó lợi ích đầu tiên là duy trì và mở rộng diện tích vùng sản xuất hàng hóa, nhất là các vùng chuyên canh, luân canh chủ lực. Đồng thời, các dự án đầu tư đã tạo việc làm và thu nhập, giúp người dân không phải “ly hương”.
Từ đó góp phần thực hiện các tiêu chí nông thôn mới về lao động, thu nhập, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, giảm nghèo bền vững.
Ðể đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong thời gian tới, huyện Krông Bông sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác cải cách hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thuận tiện cho DN, nhà đầu tư.
Huyện cũng chú trọng công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và khuyến khích phát triển kinh tế tập thể. Định hướng của huyện là xây dựng vùng chuyên canh về dâu tằm ở các xã Hòa Lễ, Hòa Phong, Hòa Tân và phát triển vùng nguyên liệu trồng dứa ở các xã Cư Pui, Cư Drăm…
Từ đó tiến đến mục tiêu tăng diện tích cây dứa từ 1.500 ha lên 3.500 ha để có thể mở được nhà máy chế biến trên địa bàn; đồng thời, tăng diện tích cây dâu tằm từ 40 ha lên 300 ha, ổn định diện tích cây thuốc lá ở 400 ha và duy trì ổn định hoạt động của các HTX nhằm tạo sản phẩm riêng biệt, đặc trưng của huyện.
Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Lê Văn Long (giữa) tham quan mô hình sản xuất lúa gạo tại Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình. |
Xác định liên kết sản xuất là yếu tố quan trọng trong giai đoạn hiện nay nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, đầu năm 2024, UBND huyện Krông Bông đã tổ chức Hội nghị hỗ trợ phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm và ươm tơ trên địa bàn huyện, với sự tham gia của Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng, Công ty TNHH Tơ lụa HUALONG Lâm Đồng. Sắp tới UBND huyện sẽ phối hợp với Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tổ chức Hội nghị liên kết sản xuất và tiêu thụ dứa giữa công ty này và UBND huyện Krông Bông nhằm thúc đẩy liên kết đầu tư và thu mua dứa nguyên liệu trên địa bàn huyện.
Cùng với đó, huyện Krông Bông cũng xác định sẽ nêu cao vai trò quản lý của nhà nước trong việc giám sát ký kết hợp đồng giữa bên sản xuất và bên tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo nguyên tắc các bên tham gia liên kết đều bình đẳng và cùng có lợi, góp phần xây dựng các mối liên kết bền vững, hiệu quả.
Nguồn: Huyện Krông Bông: Tạo sức hút đầu tư cho ngành nông nghiệp