Đắk Lắk: “Khoảng trống” lớn trên “sân nhà”
Đắk Lắk hiện có 148 chợ trên tổng số 184 xã, phường, thị trấn, đạt bình quân 0,8 chợ/xã, phường, thị trấn; có 9 siêu thị, 3 trung tâm thương mại. Những năm gần đây, hạ tầng thương mại trên địa bàn phát triển khá sôi động. Tuy nhiên, thị trường có sự phân hóa khá rõ nét ở khu vực thành thị và nông thôn.
Các siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại, cửa hàng tiện lợi thường tập trung ở trung tâm TP. Buôn Ma Thuột, các huyện, như: Ea Kar, Cư M’gar, Krông Pắc, thị xã Buôn Hồ... nơi có mật độ dân số đông, giao thông thuận lợi, dân cư có mức sống cao. Trong khi đó, khu vực nông thôn chưa có nhiều doanh nghiệp hay cá nhân mạnh dạn mở "kênh" phân phối sản phẩm thương hiệu Việt đến tay người tiêu dùng.
Người dân chọn mua hàng Việt tại Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột. |
Chính “khoảng trống” về kênh phân phối uy tín, thuận lợi ở thị trường vùng sâu, vùng xa cộng với sự thiếu hiểu biết trong tiêu dùng của một bộ phận người dân càng khiến hàng giả, nhái, hàng kém chất lượng có cơ hội “ùn” về thị trường nông thôn để tiêu thụ.
Để tăng cơ hội tiệm cận hàng Việt cho người tiêu dùng vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa của tỉnh, Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” đã được ngành công thương triển khai tại nhiều địa phương trong tỉnh.
Mỗi lần tổ chức, chương trình đón nhận sự tham gia nhiệt tình, mua sắm hàng hóa sôi nổi của người dân địa phương. Đây là minh chứng cho sức tiêu thụ khá mạnh và uy tín của sản phẩm Việt trên thị trường. Tuy nhiên, sau mỗi phiên chợ “đến hẹn về rồi đến hẹn lại đi”, người dân không khỏi băn khoăn “dùng hết rồi, mua nữa ở đâu?”.
Rõ ràng, thị trường bán lẻ cho hàng Việt vẫn nhiều tiềm năng. Chúng ta đang bỏ trống một phần "sân nhà" quá lớn. Điều quan trọng là cần có chiến lược mới để đón đầu xu hướng, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng Việt. Trong đó, thiết lập được kênh phân phối hợp lý, bán hàng chính hãng là một trong những nhiệm vụ căn bản để lấp đầy những “khoảng trống” trong chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu dùng hàng Việt.
Việc mở rộng các điểm bán lẻ, phục vụ người dân tại các khu dân cư, trong đó có những khu dân cư vùng sâu, vùng xa; nắm bắt xu hướng tiêu dùng để thay đổi chiến lược kinh doanh theo tín hiệu thị trường... là cần thiết để hàng Việt tiếp cận tới đông đảo người tiêu dùng.
Một lần nữa, chúng ta cần nhận diện được những thách thức đối với chuỗi cung ứng, từ đó kịp thời xử lý những tồn tại. Có như vậy Cuộc vận động “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” - nhằm tôn vinh những giá trị của hàng Việt - mới mang lại hiệu quả thiết thực.