Đắk Lắk: Kiến tạo thương hiệu cho điểm đến Buôn Ma Thuột (kỳ 3)
Kỳ cuối: Phát triển du lịch gắn với thương hiệu cà phê
Du lịch cà phê
Mô hình du lịch với văn hóa cà phê là một trong những xu hướng mới nổi của du lịch Việt Nam. Ở Buôn Ma Thuột, đây cũng là mô hình du lịch mới và mới chỉ dừng lại ở cấp độ “khởi điểm”, mang tính tìm tòi.
Các loại hình du lịch sinh thái gắn với cà phê như theo mùa hoa, trải nghiệm quá trình phát triển, chế biến và thưởng thức cà phê... vẫn còn ở quy mô nhỏ, manh mún, chưa kết nối được giữa các đơn vị du lịch, khu sinh thái và nông dân trồng cà phê thành một chu trình khép kín mang tính bền vững.
Loại hình du lịch sinh thái gắn với cà phê như theo mùa hoa, trải nghiệm quá trình phát triển, chế biến và thưởng thức cà phê... vẫn còn ở quy mô nhỏ manh mún. |
PGS.TS. KTS. Lưu Đức Cường, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) đánh giá, so về địa thế, cảnh quan thiên nhiên, giá trị di tích văn hóa, lịch sử, nghệ thuật TP. Buôn Ma Thuột hoàn toàn có lợi thế để phát triển du lịch sinh thái gắn với thương hiệu cà phê.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang dịch chuyển sang nền kinh tế xanh, kinh tế sáng tạo và châu Á đang là khu vực thu hút cộng đồng quốc tế trải nghiệm du lịch sinh thái, Buôn Ma Thuột có thể dựa vào thế mạnh của ngành cà phê để xây dựng các khu du lịch sinh thái gắn với thương hiệu cà phê.
Để mô hình phát triển du lịch sinh thái gắn với thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột mang tính khả thi, phù hợp với điều kiện tự nhiên và đặc tính văn hóa đô thị, cần có sự lồng ghép, tác động tương hỗ giữa yếu tố cảnh quan thiên nhiên, người dân đô thị với văn hóa cà phê.
Theo đó, một trong những việc cần thực hiện ngay là bảo tồn hệ sinh thái thiên nhiên bằng việc khơi thông dòng suối Ea Tam đã gắn bó bao đời với cuộc sống của người dân Êđê, hình thành các tuyến cảnh quan sinh thái, tạo dựng các khu du lịch sinh thái cà phê gắn với các tuyến cảnh quan của đô thị.
PGS.TS. KTS. Lưu Đức Cường cho rằng, cần kết hợp ba yếu tố: thiên nhiên, văn hóa và con người Buôn Ma Thuột, đồng thời triển khai và kêu gọi đầu tư các khu du lịch sinh thái hiện hữu gắn kết thương hiệu cà phê trong phát triển du lịch. Song song với đó, cần nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc phát triển văn hóa cà phê gắn với đời sống tinh thần của người dân, hình thành nên bản sắc và thương hiệu riêng của người dân Buôn Ma Thuột.
Đồng quan điểm này, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc và du lịch đều cho rằng, dựa trên việc khai thác những giá trị của tài nguyên du lịch đặc biệt là “không gian cà phê”, Buôn Ma Thuột có thể phát triển sản phẩm du lịch đặc thù với trọng tâm là trải nghiệm giá trị cảnh quan, tìm hiểu phương thức canh tác cây cà phê và chế biến hạt cà phê để tạo nên sản phẩm cà phê và đặc biệt là thưởng thức cà phê.
PGS.TS. Phạm Trung Lương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam (VITEA), thành viên Tổ chuyên gia tư vấn quy hoạch quốc gia chia sẻ, trong sản phẩm
"Tỉnh Đắk Lắk và TP. Buôn Ma Thuột cần đưa ra các chính sách để xây dựng kế hoạch, thực hiện và kiểm soát việc phát triển loại hình du lịch cà phê theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường; đồng thời phân loại du lịch cà phê là du lịch sinh thái, lồng ghép văn hóa cà phê địa phương trong tất cả các chương trình du lịch và khuyến khích người dân tham gia hoạt động du lịch. Đặc biệt, nông dân được tham gia hướng dẫn các chương trình tham quan đồn điền, giới thiệu văn hóa cà phê của địa phương đến du khách” - PGS.TS. KTS. Lưu Đức Cường, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng). |
“du lịch cà phê” thì văn hóa cà phê được xem là “linh hồn” tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt.
Hơn nữa, để phát triển TP. Buôn Ma Thuột - “Thủ phủ cà phê” của Việt Nam trở thành điểm đến du lịch với thương hiệu “Thành phố cà phê của thế giới” cần bắt đầu bằng việc xây dựng sản phẩm “du lịch cà phê” với những trải nghiệm đặc biệt về không gian và văn hóa cà phê. Du khách khi đến với TP. Buôn Ma Thuột không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên với trọng tâm là những trang trại cà phê, đặc biệt vào mùa hoa cà phê mà còn được trải nghiệm, nâng cao hiểu biết về các phương thức canh tác, chế biến cà phê truyền thống và hiện đại theo xu hướng xanh trong chuỗi giá trị cà phê từ chọn giống, trồng, chăm sóc cây đến thu hoạch và chế biến sản phẩm cà phê.
Du lịch văn hóa “đại ngàn”
Ở Đắk Lắk, núi rừng, sông nước, văn hóa, lịch sử, âm nhạc, thi ca và phong tục của những dân tộc địa phương là những nét độc đáo, có sức thu hút rất lớn. Những di sản như văn hóa cồng chiêng, sử thi Đam San hay các lễ hội truyền thống của người Êđê luôn khơi gợi sự ham thích khám phá của du khách muôn phương.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng, văn hóa “đại ngàn” là một trong bốn yếu tố then chốt phải được xem xét kết hợp trong bài toán quy hoạch TP. Buôn Ma Thuột bên cạnh cảnh quan, cà phê và du lịch trải nghiệm.
Còn theo TS. Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững, để khai thác toàn diện và hiệu quả các giá trị đặc thù của Buôn Ma Thuột nói riêng và Đắk Lắk nói chung, cần phải đánh giá nguồn tài nguyên này một cách hệ thống để có cách nhìn biện chứng và toàn diện về chuỗi giá trị di sản: quá khứ - hiện tại - tương lai.
Đồng thời, cần xây dựng chiến lược phát triển, trong đó việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của Tây Nguyên nên xem như một “cơ thể sống”, chấp nhận sự biến đổi của di sản như một thực thể có khả năng thích ứng và tích hợp các giá trị của quá khứ - hiện tại - tương lai, chúng ta sẽ tiếp tục khai thác được di sản để nó tham gia vào đời sống đương đại, thăng hoa, tỏa sáng và trở thành thương hiệu của vùng đất.
Trên cơ sở đó, TS. Nguyễn Thu Hạnh đã đề xuất các tour du lịch đặc thù cho TP. Buôn Ma Thuột và tỉnh Đắk Lắk, như: Khám phá Thánh địa cà phê, Đi tìm nữ thần mặt trời, Theo dấu chân Vua Voi – Amakong và tổ chức thường niên bốn lễ hội đặc thù, như: Lễ hội Cà phê thế giới, Lễ hội nhạc Rock Việt Nam và thế giới, Lễ hội cồng chiêng gắn với trình diễn sử thi Đam San, Lễ hội đua voi.
Bảo tàng Thế giới cà phê (TP. Buôn Ma Thuột) lấy cảm hứng từ hình ảnh ngôi nhà dài của người Êđê và mái nhà rông Tây Nguyên. |
Ông Phạm Thanh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch tỉnh Đắk Lắk cũng đóng góp một ý tưởng độc đáo cho quá trình xây dựng TP. Buôn Ma Thuột, đó là xây dựng thành "Đô thị rừng mưa nhiệt đới". Bởi vì từ nhiều đời nay, đồng bào bản địa đã gắn đời sống, văn hóa, nghi lễ của họ với rừng: ăn rừng, uống rừng, ở rừng, ngủ rừng, đi làm nương rẫy trong rừng. Và rừng là nhà, là Yàng với đồng bào nơi đây.
Khi cất buôn, làm nhà họ đều chọn những góc rừng đầu nguồn với mạch suối, nguồn nước thiêng chảy mãi không ngừng với những cây gỗ lớn để làm nhà dài, nhà sàn nhiều thế hệ. Rừng mưa nhiệt đới chính là cái khởi nguồn của những giá trị văn hóa, bản sắc nơi đây. Hiến kế trên cũng là một ý tưởng rất đáng xem xét khi xây dựng Buôn Ma Thuột thành điểm đến văn hóa, di sản đặc sắc.
Câu chuyện định hình cho thương hiệu du lịch Buôn Ma Thuột không phải là mới. Việc kiến tạo bản sắc riêng cho ngành du lịch của “Thủ phủ cà phê Việt Nam” cũng nhận được sự quan tâm rất lớn từ các cấp, các ngành, các chuyên gia trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để những ý tưởng, những hiến kế tâm huyết và căn cốt trên được cụ thể hóa và hiện diện trên thực tiễn, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ từ nhiều phía, kể cả cấp lãnh đạo đến người dân địa phương.
Nguồn: Kiến tạo thương hiệu cho điểm đến Buôn Ma Thuột (kỳ 3)