Đắk Lắk: Kỹ thuật chăm sóc sầu riêng giai đoạn xổ nhụy, làm quả
Đắk Lắk: Những công trình thắp sáng vùng quê biên giới Đắk Lắk: Chuẩn hóa xanh với tầm nhìn đô thị |
Thời điểm này, kỹ thuật tưới nước cho sầu riêng cần được lưu ý để giúp trái phát triển khỏe, chất lượng tốt. Việc tưới nước cần dựa theo nhu cầu của cây sầu riêng và độ ẩm đất ở từng vùng canh tác khác nhau; lượng nước tưới tùy theo độ tuổi của cây, mức độ khô hạn và phương pháp tưới. Khoảng cách giữa hai lần tưới tùy thuộc vào tốc độ thoát hơi nước của đất trồng. Phải thường xuyên tưới đủ nước cho cây sầu riêng, không nên để khô bởi nếu không tưới đều, vườn sầu riêng gặp mưa đột xuất thì cây sẽ bị sốc nước làm rụng quả non, số lần tưới càng nhiều thì lượng nước ít lại.
Cây sầu riêng trong giai đoạn xổ nhụy, làm quả. |
Nếu tưới nước bằng phương pháp tưới dí thì đầu tưới nên gắn vòi ô-doa (loại dùng để tưới rau) và tưới xung quanh từ ngoài tán vào theo nguyên tắc ngoài tán tưới ẩm hơn bên trong sẽ tốt hơn cho cây. Nên tưới nước lúc trời mát như sáng sớm hoặc chiều mát, lúc nhiệt độ không cao để cây nhẹ nhàng hấp thu nước đều đặn, không bị sốc nhiệt. Cần tủ gốc cho cây bằng rơm hoặc cỏ khô, phủ kín một lớp dày ít nhất 10 cm, cách gốc 10 - 50 cm tùy theo cây lớn hay nhỏ để giữ ẩm cho đất. Trong trường hợp trời mưa lớn kéo dài, cần thiết kế mương, rãnh để nước rút nhanh ra khỏi vườn cây, vun cao xung quanh gốc, tránh ngập úng nước làm rễ sầu riêng dễ bị thối và chết. Sau khi nước rút, cần tiến hành xới nhẹ nhằm phá váng ở lớp đất mặt, giúp đất thông thoáng. Ngoài ra cần kết hợp các biện pháp tác động liên quan khác như chế độ phân bón hợp lý theo nhu cầu dinh dưỡng của cây, tỉa tạo dàn quả hữu hiệu để cây sầu riêng phát huy năng suất.
Ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho vườn sầu riêng sẽ là phương pháp hiệu quả nhất. Những vườn sầu riêng tưới bằng công nghệ tưới tiết kiệm luôn xanh tốt trong mùa khô, ít có hiện tượng sốc nước khi có những trận mưa lớn bất chợt lúc giao mùa nên năng suất ổn định hơn.
Cùng với biện pháp tưới nước, khi chăm sóc sầu riêng trong giai đoạn quả non, cần định hình số lượng quả trên cây sầu riêng bằng cách tỉa bỏ những quả không hữu hiệu qua nhiều đợt để hạn chế sự cạnh tranh dinh dưỡng không đáng có. Chẳng hạn khi quả được 3 - 4 tuần sau khi hoa nở, tỉa những quả có cuống nhỏ, chen chúc trong chùm quả, quả méo, trái bị sâu bệnh (để lại 6 - 8 quả/chùm). Lúc quả được 8 tuần, tỉa bỏ quả cong vẹo, dị dạng (để lại 3 - 4 quả/chùm). Khi quả được 10 tuần cắt tỉa những trái có hình dạng không đặc trưng của giống, chỉ để 2 - 3 quả/chùm. Tùy theo giống sầu riêng, tuổi của cây, điều kiện đất đai, đầu tư… mà giữ lại trên cây số lượng quả phù hợp nhất.
Trong trường hợp có hiện tượng rụng quả thì tiến hành kiểm tra nguyên nhân để tác động kịp thời. Ngoài ra, cần quan tâm cung cấp chế độ dinh dưỡng cho sầu riêng đúng thời kỳ, đúng nhu cầu của cây. Để cây hấp thu dinh dưỡng hiệu quả, ngoài việc cung cấp phân bón qua gốc nên bổ sung dinh dưỡng qua lá bằng nhiều đợt để nuôi quả, liều lượng chất dinh dưỡng phải hợp lý theo độ tuổi của cây, số lượng quả cần nuôi trên cây.
Ngoài ra, thời kỳ phát triển quả sầu riêng rơi vào đầu mùa mưa, độ ẩm không khí trong vườn cao nên cần quan tâm hơn về hiện tượng sâu bệnh hại phát sinh để có biện pháp tác động kịp thời, có như vậy mới đảm bảo năng suất và chất lượng quả sầu riêng tốt nhất.
Nguồn: Kỹ thuật chăm sóc sầu riêng giai đoạn xổ nhụy, làm quả