Đắk Lắk: Lắng nghe chiêng trẻ
Cồng chiêng, dưới bàn tay và sự sáng tạo của lớp trẻ bây giờ đã trở nên gần gũi, sống động hơn. Nhịp điệu, tiết tấu, thang âm của vốn âm nhạc truyền thống ấy không còn bó buộc theo phiên chế, nguyên tắc diễn tấu như cộng đồng quy định, mà đã vượt ra mọi khuôn khổ, quy ước để diễn tả và chuyên chở cảm xúc mới mẻ hơn nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc phong phú, đa dạng cho đông đảo công chúng trong đời sống đương đại.
Đội chiêng nữ buôn Kbur, xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột tập luyện. Ảnh: Nguyễn Gia |
Có thể kể đến như nhóm diễn tấu cồng chiêng tại Khu du lịch văn hóa, cộng đồng Kô Tam. Cũng chừng ấy nhạc cụ: một dàn chiêng knah, trống, hai chiếc đàn t’rưng (đực và cái) và dàn ching kram - nhóm nghệ nhân trẻ này đã khiến mọi người kinh ngạc, thích thú khi được thưởng thức những làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh, ví dặm xứ Nghệ hay một số ca khúc hiện đại (Cô gái vót chông, Làng quan họ quê tôi, Lên cao nguyên đi anh...).
Nghệ nhân trẻ Y Phi Sola chia sẻ: Để thể hiện trọn vẹn những ca khúc ấy, mọi người trong nhóm phải khổ công tập luyện và tất nhiên phải thay đổi thang âm cho các loại nhạc cụ trên để tạo ra cung bậc, tiết tấu và âm điệu phù hợp theo bảy nốt âm hiện đại. Trên những phím tre của chiếc đàn t’rưng, dàn ching kram quen thuộc kia, dưới bàn tay diễn tấu của họ trông không khác gì cây guitar hay piano hiện đại. Những làn điệu trên ngân lên lạ lẫm, độc đáo trong không gian nghệ thuật giàu tính cộng đồng và giàu bản sắc.
Phải thừa nhận rằng, việc lớp trẻ tham gia hoạt động trình diễn cồng chiêng thông qua các sự kiện văn hóa hay tại những tụ điểm sinh hoạt cộng đồng và những khu/điểm du lịch hiện nay đã có sức lan tỏa mạnh mẽ. Điều đó cho thấy việc truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ tiếp nối đã mang lại hiệu quả tích cực và ngày càng được cộng đồng, xã hội thật sự quan tâm. Được biết, sau khi Không gian
Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO vinh danh vào cuối năm 2005, Đắk Lắk đã nỗ lực xây dựng và triển khai Đề án “Bảo tồn, phát huy Di sản Không gian Văn hóa cồng chiêng” qua bốn giai đoạn liên tục (2007 – 2010; 2011 – 2015; 2016 – 2020; 2021 - 2025) với nhiều nội dung hoạt động đa dạng và phong phú, trong đó việc truyền dạy kiến thức, kỹ năng diễn tấu cồng chiêng cho lớp trẻ được chú trọng, đầu tư thích đáng.
Theo Phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), mục tiêu của các đề án trên là cấp trang phục và hỗ trợ kinh phí cho gần 100 đội chiêng, đội văn nghệ có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng; phấn đấu có trên 80% buôn làng đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ có sinh hoạt cồng chiêng; đặc biệt phấn đấu 100% các huyện, thị xã và thành phố thường xuyên tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng và chỉnh chiêng.
Thiếu niên buôn Alê A, phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột tập luyện đánh chiêng. Ảnh: Nguyễn Gia |
Đến nay, mục tiêu đặt ra đã cơ bản đạt được, đặc biệt là việc truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ thật sự được đẩy mạnh, tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức và trách nhiệm của các cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ. Trong số 609 buôn làng người Êđê, M’nông, Jrai, Xê đăng… hiện có gần 400 đội chiêng trẻ được các nghệ nhân lớn tuổi truyền thụ.
Đây là nỗ lực to lớn về mặt thời gian, công sức cũng như kinh phí bỏ ra của chính quyền địa phương và đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh vì mục tiêu bảo tồn, phát huy di sản Không gian Văn hóa cồng chiêng Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Từ những đội chiêng trẻ được đào tạo bài bản ấy, các em đã không ngừng sáng tạo thêm những âm điệu, tiết tấu mới lạ và hiện đại trong các hoạt động trình diễn vốn di sản tiêu biểu của ông cha mình để lại; qua đó để nhịp chiêng có sức lan tỏa hơn trong đời sống văn hóa ngày nay.