Đắk Lắk: Liên kết cùng xây dựng thương hiệu "Gà bản địa Buôn Đôn"
Đắk Lắk: Nghề “hái lá ra tiền” Đắk Lắk: Từ những "hành trình đỏ”... |
Nhằm chuyên nghiệp hóa mô hình kinh doanh của bản thân, kết nối những người có cùng ý tưởng để tìm kiếm thị trường đầu ra lớn hơn, anh Tuân mạnh dạn thành lập Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh nông nghiệp Quân Vương (gọi tắt là HTX) vào năm 2017.
Gà bản địa Buôn Đôn được nuôi thả trong diện tích vườn, rẫy của hợp tác xã. |
HTX gồm 7 thành viên và 544 hộ dân liên kết cùng hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, ấp nở, kinh doanh giống gia cầm theo hướng an toàn sinh học do anh Tuân làm Giám đốc. Từ khi thành lập HTX, việc sản xuất, kiểm soát dịch bệnh, tiêu thụ sản phẩm… thuận lợi hơn rất nhiều so với trước đây. HTX xây dựng được một chuỗi giá trị sản xuất ổn định từ con giống đến gà thịt, trứng cung cấp cho thị trường.
Hiện HTX có gần 65.000 con gà, gồm gà thịt, gà siêu trứng và gà giống. Trung bình HTX xuất bán 40.000 trứng/ngày, 40.000 gà giống/tháng. Chỉ tính riêng năm 2023, doanh thu của HTX đạt hơn 6,2 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 17 lao động.
Nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đưa các sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng, HTX đã đầu tư 4 máy ấp, 1 máy nở và hệ thống trang thiết bị giết mổ gia cầm. Đặc biệt, tháng 9/2023, HTX đã hoàn thiện lắp đặt hệ thống thiết bị chuồng lạnh nuôi gà trị giá 6 tỷ đồng. Với hướng đi mới này sẽ giúp HTX có thêm một nguồn thu nhập lâu dài và ổn định trước biến động của thị trường... |
Tuy các trang trại, hộ liên kết chăn nuôi của HTX đang phát triển tốt, nhưng anh Tuân nhận thấy những năm qua, ngành chăn nuôi đối mặt với nhiều thách thức khi thị trường tiêu thụ bất ổn, chi phí sản xuất đầu vào tăng cao. Trong khi đó hầu hết thành viên HTX lại giàu kinh nghiệm trong việc chăn nuôi gà, nên HTX đã tìm tòi, lai tạo thành công giống gà bản địa nhằm tìm thêm hướng đi mới, bền vững. Anh Tuân chia sẻ, gà bản địa Buôn Đôn được lai tạo từ một số giống gà khác nhau, có hình thức giống gà được nuôi tại địa phương.
Giống gà bản địa này có bản chất hoang dã và thịt rất săn chắc, có độ dai và ngọt hơn so với các giống gà hiện có trên thị trường. Để nuôi được giống gà bản địa, anh thực hiện nuôi thả trong vườn, rẫy. Trong hai tháng đầu, gà được cho ăn thức ăn công nghiệp. Từ tháng thứ ba trở đi, HTX và các hộ liên kết sẽ cho gà ăn cám gạo, bắp, bột cá, cỏ voi, ruồi lính đen… Gà nuôi được 5 tháng sẽ xuất bán. HTX đã nuôi thử nghiệm thành công hơn 1.000 con gà bản địa và được nhiều nhà hàng trong tỉnh ưa chuộng. Hiện nay, sản phẩm “Gà bản địa Buôn Đôn” của HTX đã được chứng nhận OCOP 3 sao (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).
Ngoài chăn nuôi, HTX đang tổ chức khâu giết mổ, sơ chế gà thịt, thiết kế nhãn mác, thiết lập mã QR truy xuất nguồn gốc… để hình thành sản phẩm thịt gà bản địa hút chân không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đưa ra thị trường.
Hệ thống trại lạnh nuôi gà đẻ trứng của Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh nông nghiệp Quân Vương. |
Với mong muốn tạo ra một chuỗi liên kết trong người dân địa phương để cùng xây dựng thương hiệu “Gà bản địa Buôn Đôn” với số lượng lớn, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của thị trường, thời gian tới HTX sẽ cùng hơn 500 hộ dân đang liên kết với HTX để cùng thực hiện. Các hộ liên kết yêu cầu phải có vườn để chăn thả gà; sẽ được HTX hỗ trợ đầy đủ quy trình vắc xin phòng chữa bệnh, đội ngũ thú y chăm sóc. Sau khi đi vào ổn định, HTX sẽ sản xuất thêm các sản phẩm như trứng gà và gà thảo dược nhằm đa dạng hóa sản phẩm.
Nguồn: Liên kết cùng xây dựng thương hiệu "Gà bản địa Buôn Đôn"