Đắk Lắk: Nâng cao thu nhập từ trồng ngô ngọt
Gia đình ông Võ Văn Vinh (thôn 4) là một trong những hộ tiên phong trồng cây ngô ngọt tại địa phương.
Trước đây, gia đình ông chủ yếu trồng ngô lấy hạt nhưng chỉ trồng được một vụ nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2019, ông Vinh đã quyết định đầu tư hệ thống tưới nước phun sương và chuyển đổi 7 sào đất màu của gia đình sang trồng cây ngô ngọt lấy trái.
Nhờ áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc, phòng bệnh nên vườn ngô của gia đình ông sinh trưởng và phát triển tốt. Chỉ sau 2,5 tháng trồng, ngô đã cho thu hoạch với năng suất đạt 5.000 trái/sào. Toàn bộ ngô trái thu hoạch được thương lái vào tận nơi thu mua với giá từ 2.200 – 2.700 đồng/trái (tùy loại). Sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình ông thu lãi 6 triệu đồng/sào.
Anh Bùi Ngọc Dũng (thôn 3, xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông) chăm sóc vườn ngô ngọt. |
Nhận thấy hiệu quả mà cây ngô ngọt mang lại, sau vụ mùa đầu tiên, ông Vinh đã mở rộng diện tích gieo trồng. Theo ông Vinh, giống ngô ngọt dễ chăm sóc, thích ứng tốt với thời tiết, ít sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn nên một năm có thể trồng được ba vụ. Với 1 ha đất trồng ngô ngọt, trung bình mỗi năm gia đình ông thu lợi nhuận khoảng 180 triệu đồng, cao gấp 3 – 4 lần so với các loại cây hoa màu khác.
“Trồng ngô lấy hạt thì phải sau bốn tháng mới cho thu hoạch, nếu “được mùa, được giá” thì cũng chỉ lãi khoảng 2,5 triệu đồng/sào. Trong khi đó, trồng ngô ngọt chỉ sau 75 – 80 ngày là đã cho thu hoạch, với mức lợi nhuận đạt từ 5 - 6 triệu đồng/sào”, ông Vinh tính toán
Tương tự, gia đình anh Bùi Ngọc Dũng (thôn 3) cũng đã trồng cây ngô ngọt 5 năm nay, với diện tích 5 sào. Việc trồng cây ngô ngọt đã giúp gia đình anh có nguồn thu nhập khá, góp phần cải thiện đời sống.
Để bảo đảm việc sản xuất ổn định, anh đã liên kết với một đại lý thu mua trên địa bàn xã để được cung ứng giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Mỗi năm gia đình anh gieo trồng từ 3 – 4 vụ ngô ngọt. Cứ sau khi thu hoạch là anh tiến hành làm đất và tiếp tục xuống giống cho vụ kế tiếp. Nhờ nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc nên năng suất và chất lượng vườn ngô luôn bảo đảm, mang lại cho gia đình anh mức lợi nhuận ổn định 5 triệu đồng/sào/vụ.
“Ưu điểm của loại ngô ngọt này là sản phẩm được thu hái và bán trực tiếp theo kiểu “đếm trái tính tiền” nên không tốn thời gian tách hạt, phơi phóng. Cùng với đó, do thời gian canh tác ngắn nên sau khi thu hoạch, thân lá của cây ngô vẫn còn xanh, tôi tận dụng làm thức ăn cho đàn bò của gia đình, giúp tiết kiệm chi phí, tăng thu nhập”, anh Dũng chia sẻ.
Cán bộ xã Khuê Ngọc Điền (bên trái) thăm vườn ngô ngọt của người dân trên địa bàn. |
Để việc sản xuất ngô ngọt đạt hiệu quả và mang tính bền vững hơn, địa phương đang nỗ lực tìm kiếm các doanh nghiệp có năng lực để phát triển vùng nguyên liệu tập trung, đầu tư chế biến sâu các sản phẩm từ ngô ngọt nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và hướng đến xuất khẩu” – Ông Hồ Văn Lịch, Chủ tịch UBND xã Khuê Ngọc Điền. |
Bà Lê Thị Phương, chủ vựa ngô Tiên Phương (xã Khuê Ngọc Điền) cho biết, hiện ngô ngọt đang có thị trường tiêu thụ tốt và được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ có chất lượng ngon, mềm và ngọt. Sản phẩm ngô ngọt đang được bà Phương cung ứng cho đầu mối tại các chợ, nhà máy sản xuất sữa và chế biến thực phẩm ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Năm nay, bà Phương liên kết với khoảng 200 hộ dân trồng ngô ngọt trên địa bàn xã, với tổng diện tích là 100 ha nhằm bảo đảm nguồn cung cho thị trường.
Theo Chủ tịch UBND xã Khuê Ngọc Điền Hồ Văn Lịch, qua thực tế cho thấy, cây ngô ngọt phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương và có thể trồng được nhiều vụ trong năm.
Giá ngô ngọt hiện đang ở mức ổn định từ 2.000 - 3.000 đồng/trái đã mang lại thu nhập khá cho người nông dân và cao gấp 2 - 3 lần so với các loại hoa màu khác.
Với những ưu điểm vượt trội về năng suất và giá cả, cây ngô ngọt đang được người dân địa phương ưu tiên trồng và mở rộng diện tích. Năm 2024, toàn xã ước tính có khoảng 200 ha ngô ngọt (tập trung chủ yếu ở các thôn 1, 3, 5 và 11) được chuyển đổi từ những diện tích trồng ngô hạt, mía, sắn, đậu… kém hiệu quả và thường bị ngập úng vào mùa mưa.
Nguồn: Nâng cao thu nhập từ trồng ngô ngọt