Đắk Lắk: Người từng chứng kiến vua Bảo Đại thoái vị
Ông là nhiếp ảnh gia Võ Viết Đức, sinh năm Mậu Ngọ 1918 tại phường Thái Trạch, Thành Nội Huế. Đến nay, ông lão 106 tuổi vẫn còn trí nhớ khá tốt, mắt đọc không cần kính và nói năng rành mạch về những gì đã chứng kiến trong hơn một thế kỷ qua.
Người đã sống qua hai thế kỷ
Gốc gác từ Thăng Bình (Quảng Nam), cha ông Võ Viết Đức ra kinh đô làm lính kỵ mã của triều đình, dưới triều Thành Thái, lấy vợ Huế rồi sinh con cái ngay trong kinh thành. Học xong sơ học yếu lược (Primaire Élémentaire) ở Trường Tiểu học Paul Bert (Trường Tiểu học Phú Hòa bây giờ), cậu Đức phải nghỉ học đi làm thợ.
Hết làm thợ nhà in, đánh máy chữ, thợ đóng sách, lại làm thợ sơn mài. Tháng 9/1945, anh đăng ký vào lực lượng Giải phóng quân Thuận Hóa và được đưa về làm thư ký văn phòng của ông Lê Tự Đồng, ủy viên quốc phòng UBND cách mạng lâm thời tỉnh Thừa Thiên, đặc phái viên quân sự của khu 4 tại Huế (sau này là Trung tướng, Phó Giám đốc Học viện quân sự cấp cao).
Tại văn phòng này, ông Đức còn làm văn thư cho ông Hoàng Anh, lúc đó là Phó Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời tỉnh Thừa Thiên (sau này là Phó Thủ tướng năm 1976).
106 tuổi, ông Võ Viết Đức vẫn đọc báo không cần kính. |
Đáp lời kêu gọi Nam Bộ kháng chiến, cuối tháng 9/1945, Võ Viết Đức có mặt trong đoàn Giải phóng quân Thuận Hóa nam tiến và chiến đấu tại chiến trường Nha Trang. Đầu năm 1946, ông Đức về lại Huế và được phân công làm cận vệ cho Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến Trung Bộ Trần Hữu Dực.
Ông Đức kể: “Tui làm gạc-đờ-co cho ông Dực, nên ông đi mô tui theo nấy, đi khắp cả mấy tỉnh Trung Bộ, ra tận Hà Nội đón Cụ Hồ” (tiếng Pháp garde de corps: vệ sĩ). Sự kiện đó diễn ra vào tháng 10/1946, ông tháp tùng Chủ tịch Trần Hữu Dực đi từ Huế ra Hà Nội đón Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Pháp dự hội nghị Fontainebleau trở về. Sau đó, ông được lệnh đưa hai cán bộ cao cấp vào Vinh và Huế. Hai cán bộ đó là ông Cù Huy Cận, lúc đó là Thứ trưởng Bộ Nội vụ của Chính phủ liên hiệp kháng chiến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nhà thơ Xuân Diệu, lúc đó là đại biểu Quốc hội khóa 1. “Đó là chuyến đi nhớ đời của tui, vì được tháp tùng hai người nổi tiếng và cùng hai ông chứng kiến những hình ảnh đau thương sau trận đói Ất Dậu suốt dọc đường đi từ Hà Nội vô Vinh. Cũng từ chuyến đi đó đã thôi thúc tui phải có cái máy ảnh trong tay”, ông Đức nói. Nhưng trước đó, vào mùa hè năm 1940, ông Đức đã tham gia chụp ảnh vua Bảo Đại, trong vai trò phụ việc cho nhiếp ảnh gia Tôn Thất Dung.
Chứng kiến nhà vua thoái vị
Ngày vua Bảo Đại thoái vị, ông Đức còn nhớ rất rõ. Lúc đó, ông Đức đã 27 tuổi, làm nhân viên nhà in rồi theo nghề đánh máy, đóng sách vở.
Nhà ở đường Nhà Thương Nhỏ (tên đường tiếng Pháp là Rue de L’hopital Thành Nội), cách Ngọ Môn chưa đầy cây số, nên ông Đức đã có mặt từ khá sớm. Ông kể: “Vua cùng với đình thần và phái đoàn Chính phủ cách mạng đứng trên lầu Ngọ Môn (tức lầu Ngũ Phụng, nằm trên cửa Ngọ Môn - PV). Tui đứng gần cửa nhưng cũng không rõ mặt vua lắm. Sau đó thì mới biết là vua có nói một câu bất hủ: Thà làm dân một nước độc lập, còn hơn làm vua một nước nô lệ. Dân hoan hô lắm!”.
Ông Đức nói đời người mà được chứng kiến việc quan trọng như vậy là hân hạnh lắm. Được tham gia chụp ảnh vua khi vẫn còn trên ngai vàng quyền thế, rồi lại được chứng kiến vị vua đó trao ấn kiếm để thoái vị, ông Võ Viết Đức quả là người hiếm hoi có được hân hạnh đó.
Nguồn: Người từng chứng kiến vua Bảo Đại thoái vị