Đắk Lắk: Những bước chân dựng xây, kiến thiết
Biến đất hoang thành ruộng rẫy
Giác ngộ cách mạng từ năm 16 tuổi, ông Đoàn Ngọc Long (SN 1928, ở thị trấn M’Drắk, huyện M’Drắk) là một trong những đội viên cảm tử quân của Chi đội Lê Trung Đình (Quảng Ngãi). Năm 1949, chàng thanh niên Đoàn Ngọc Long vinh dự được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam khi mới 21 tuổi. Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, tháng 8/1975 ông được cấp trên phân công vào tỉnh Đắk Lắk và là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 754 (năm 1976 đổi tên là Trung đoàn 715 thuộc Sư đoàn 333).
Ông Đoàn Ngọc Long (bên trái) nhớ lại những năm tháng chiến đấu, lao động. |
Những ngày đầu có mặt tại cánh đông của huyện M’Drắk, nhiệm vụ cấp thiết của Trung đoàn 754 là phối hợp với huyện đội Khánh Dương truy quét tàn quân FULRO bảo vệ chính quyền, bảo vệ dân. Ông Long nhớ lại: một trong những chiến công nổi bật là vào đêm 14/9/1975, Trung đoàn 754 đã đánh vào hang ổ cơ quan chỉ huy của FULRO, tiêu diệt tên đại úy tiểu đoàn trưởng và gọi hàng 36 tên lính, thu giữ nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng, xóa sổ lực lượng tàn quân FULRO ở M’Drắk. Chiến công này đã được cấp trên đánh giá rất cao, Trung đoàn 754 đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì, 6 Huân chương Chiến công hạng Ba cho ông Long và đồng đội.
Trong khai hoang, phát triển kinh tế, Trung đoàn 754 cũng là đơn vị điển hình khi biến vùng đất hoang vu, bạt ngàn cỏ tranh thành những vườn mía, rẫy cà phê trù phú ngày nay. Những năm 1975 - 1977, ngoài trồng mía nguyên liệu để bán cho các doanh nghiệp ở Nha Trang, đơn vị còn có nhiệm vụ cung cấp mía giống để cung cấp cho huyện Ea Kar. Đó chính là tiền đề để sau này huyện Ea Kar có một vùng mía rộng lớn cùng Nhà máy Mía đường 333. Ngoài ra, Trung đoàn còn khai hoang mở rộng diện tích để trồng lúa nương, sắn, dứa; các vùng sình lầy thì khai thác lấy than bùn, cải tạo thành ruộng cấy lúa nước.
Năm 1982, Trung đoàn 715 chuyển thành Nông trường 715 thuộc Xí nghiệp Liên hợp Nông - Công - Lâm nghiệp 333 với nhiệm vụ chính là trồng cây cà phê hợp tác với Liên Xô (cũ). Trên cương vị Giám đốc nông trường, ông Long lại thành lập các tổ đội sản xuất, đưa lực lượng lao động từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Bình để trồng, chăm sóc cà phê. Ông không nề hà bất cứ nhiệm vụ nào, từ việc vạch phương hướng, mục tiêu, lập kế hoạch sản xuất cho đến trực tiếp xuống đồng, cầm tay chỉ việc cho công nhân, người lao động. Nhờ đó, ông dẫn dắt toàn đơn vị vượt mọi khó khăn, thiếu thốn, đưa giống cà phê từ quá trình thử nghiệm cho đến khi đạt kỳ tích năng suất 10 tấn cà phê tươi/1ha, giúp công nhân nông trường có cuộc sống khấm khá, sung túc. Đây là mô hình sản xuất điển hình được hàng trăm đơn vị đến học tập kinh nghiệm.
Dấu chân anh hùng
Hơn nửa đời người gắn bó với Tây Nguyên, 65 năm tuổi Đảng, tên tuổi của Anh hùng Lao động Lê Xuân Bá (SN 1935, hiện ở tại phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột) được khắc sâu bằng những công trình trọng điểm về kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk sau ngày hòa bình lập lại như: Thủy điện Dray H’Linh, Thủy điện Buôn Kuốp, Thủy điện Sêrêpốk 3, đường dây 500KV Bắc - Nam...
Cuộc đời binh nghiệp của ông Bá bắt đầu từ năm 18 tuổi. Từ chiến sĩ công binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ đến Trung đoàn trưởng Trung đoàn 4 công binh (thuộc Sư đoàn 470) thực hiện nhiệm vụ mở đường Trường Sơn huyền thoại, ông Bá đã cống hiến thanh xuân cho hai cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Trung đoàn 4 Công binh, Sư đoàn 470 tiếp tục bám trụ, làm nhiệm vụ khôi phục hệ thống cầu, đường ở Tây Nguyên với trọng tâm là sửa chữa Quốc lộ 14 và tham gia truy quét tàn quân FULRO. Ông Lê Xuân Bá cùng đồng đội tiếp tục những năm tháng chiến đấu, lao động, đầy gian khổ, hy sinh vì sự bình yên, phát triển của Tây Nguyên.
Ông Lê Xuân Bá (thứ ba, từ trái sang) cùng đồng đội thăm lại Khu vực vượt sông Sêrêpốk thuộc Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Gia |
Nhắc đến công trình được xem là kỳ tích trên dòng Sêrêpốk - Thủy điện Dray H’Linh, ông Bá nhớ lại: Cả thị xã Buôn Ma Thuột lúc bấy giờ chỉ có một vài trạm phát điện nhỏ chạy bằng dầu diesel, tổng công suất chỉ 9.000 KW. Để đáp ứng nhu cầu cấp bách về điện trong công cuộc tái thiết nền kinh tế, Bộ Năng lượng đã sớm thiết kế Công trình thủy điện Dray H’linh. Thế nhưng, trong bối cảnh tàn quân FULRO hoạt động mạnh, thiếu thốn máy móc, thiết bị, không đơn vị nào dám nhận thi công.
Từ sự tin tưởng gửi gắm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, năm 1984, ông Bá với trách nhiệm là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 470 đã mạnh dạn nhận nhiệm vụ đầy gian lao, thử thách này. Là người thủ lĩnh dẫn dắt đơn vị, ông Bá đã ngày đêm bám sát công trường, lãnh đạo cán bộ, chiến sĩ cải tiến các thiết bị, phương pháp kỹ thuật, phát huy sáng kiến để đào từng hố móng xuyên vào nền đá tảng, xây dựng từng khoang đập tràn cho đến hoàn thiện từng tổ máy. Qua 6 năm ròng rã, tháng 2/1990, Sư đoàn 470 đã hoàn thành nhiệm vụ đưa cả 3 tổ máy thủy điện Dray H’Linh với tổng công suất 12.000 KW chính thức phát điện, trở thành nhà máy thủy điện lớn nhất khu vực Tây Nguyên lúc bấy giờ.
Ghi nhận đóng góp, thành tích trong nhiệm vụ xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng trên địa bàn Tây Nguyên, đặc biệt là trong xây dựng công trình thủy điện Dray H’linh, tháng 11/1990, Sư đoàn 470 vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất và cá nhân ông Lê Xuân Bá được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Nguồn: Những bước chân dựng xây, kiến thiết