Đắk Lắk: Phát triển du lịch Krông Pắc đích ngắm 2030
Đắk Lắk: Ứng dụng công nghệ trong gìn giữ, quảng bá văn hóa Đắk Lắk: Chủ động phòng, chống cháy rừng trong mùa khô |
Không phải ngẫu nhiên mà hơn 100 năm trước, người Pháp chọn vùng đất Krông Pắc (từ Km18 đến Km47 trên Quốc lộ 26) để xây dựng các đồn điền cà phê, chè trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai tại các nước Đông Dương. Cả một vùng đất rộng lớn nơi đây có địa hình bằng phẳng, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, hệ thống sông suối phân bổ khá dày và đều khắp. Cũng chính từ những tiền đề quan trọng này, hơn 40 năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã từng bước phát triển các loại cây trồng chủ lực, đưa đời sống nhân dân ngày một phát triển nhanh, đổi thay ngày càng mạnh mẽ.
Từ lợi thế sinh thái, văn hóa
Với bề dày lịch sử phát triển của cây cà phê, trên địa bàn huyện hiện có hai di tích lịch sử cấp quốc gia là Đồn điền CADA và Miếu thờ CADA (xã Ea Yông). Ngoài ra, huyện còn có một danh thắng cấp tỉnh là thác Dray Dăng (xã Ea Knuếc) cùng nhiều lợi thế để phát triển du lịch như: hồ Ea Nhái (xã Hòa Đông), hồ Tân An (thị trấn Phước An), hồ Krông Búk hạ (xã Krông Búk), Thiền viện Trúc Lâm Từ Giác (xã Ea Yông)… Đây cũng là nơi hội tụ văn hóa của 35 dân tộc anh em với nhiều hoạt động văn hóa đang được bảo tồn và phát huy như: diễn tấu cồng chiêng của người Êđê, Vân Kiều, Xê Đăng; hát then, đàn tính của người Tày, Nùng; múa xòe, nhảy sạp của người Thái; hát dân ca quan họ Bắc Ninh, hát bài chòi của người xứ Quảng…
Biểu diễn dân ca quan họ tại xã Vụ Bổn. |
Từ Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ I năm 2022 đến những hoạt động hưởng ứng Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023, huyện Krông Pắc đang nỗ lực hội tụ và lan tỏa các nét đẹp về văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, con người nơi đây, xây dựng và đưa thương hiệu du lịch đến gần hơn với du khách gần xa.
Chị Phạm Thị Tuyết (du khách đến từ tỉnh Kon Tum) lần đầu tiên đến Krông Pắc trong dịp Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 đã thật sự ấn tượng về nền nông nghiệp trù phú và có lịch sử lâu đời ở Krông Pắc. Những lợi thế về nông nghiệp sinh thái cùng quá trình hình thành và phát triển của các mặt hàng cà phê, trái cây sẽ là điểm nhấn để thu hút du khách đến Krông Pắc. Còn với ông Vũ Duy Thẩm (huyện Ea Kar) lại ấn tượng với các lễ hội văn hóa, đặc biệt là Hội vật ở xã Vụ Bổn diễn ra dịp Tết Nguyên tiêu hằng năm. Theo ông, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa không chỉ nâng cao đời sống tinh thần của người dân mà còn góp phần quảng bá hình ảnh con người Krông Pắc thân thiện, hiền hòa, mến khách.
Tập trung thu hút đầu tư
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Krông Pắc Trần Quốc Vĩnh cho biết, giai đoạn 2015 – 2020, lượng khách du lịch đến Krông Pắc tăng trưởng bình quân hơn 2%/năm, tổng thu từ khách du lịch tăng bình quân trên 5%/năm. Toàn huyện hiện có 47 cơ sở lưu trú, trong đó có 1 khách sạn được chứng nhận 1 sao. Hệ thống hạ tầng giao thông đến các khu di tích, các điểm du lịch đã được đầu tư nâng cấp đảm bảo thuận tiện lưu thông. Tuy nhiên, mức tăng trưởng cũng như nguồn lực đầu tư cho du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, chính vì vậy, huyện đang tập trung các giải pháp xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, đẩy mạnh xã hội hóa trong huy động các nguồn lực, thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư cơ sở vật chất – kỹ thuật, đa dạng hóa sản phẩm du lịch và đẩy mạnh liên kết khai thác, quảng bá, hình thành các tour, tuyến du lịch ở trong và ngoài tỉnh.
Du khách tham quan quy trình sản xuất cà phê tại Công ty Cổ phần Cội nguồn Cà phê Việt (xã Ea Yông). |
Nghị quyết về Phát triển du lịch giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030, Huyện ủy Krông Pắc xác định rõ mục tiêu đến năm 2025 huyện Krông Pắc đón được trên 150.000 lượt khách với hơn 100.000 lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 30 tỷ đồng vào năm 2025 và 50 tỷ đồng vào năm 2030. Cùng với sự phát triển của lĩnh vực du lịch – dịch vụ, số lao động làm việc trong nhóm ngành này cũng sẽ tăng lên 2.000 lao động vào năm 2025 và phấn đấu đạt trên 3.500 lao động vào năm 2030. Huyện cũng sẽ kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng từ 2 – 3 khu, điểm du lịch và đưa vào hoạt động có hiệu quả, xây dựng hai mô hình du lịch nông nghiệp kết hợp với trải nghiệm tại vườn cây, trang trại nông nghiệp gắn với tiêu thụ các sản phẩm OCP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Đây là những nhân tố quan trọng thúc đẩy ngành du lịch huyện Krông Pắc phát triển ngày càng chuyên nghiệp theo hướng xanh, bản sắc và chất lượng cao.
Nguồn: Phát triển du lịch Krông Pắc: Đích ngắm 2030