Đắk Lắk: Phát triển hạ tầng - nâng tầm đô thị (kỳ 1)
Kỳ 1: Khởi sắc bộ mặt đô thị
Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, thị xã Buôn Hồ tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng đô thị, góp phần “thay da đổi thịt” cho bộ mặt đô thị .
Phát triển hạ tầng giao thông
Việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại, kết nối giao thương cho nhân dân mà còn đóng vai trò rất quan trọng đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì thế, những năm qua, thị xã Buôn Hồ đã huy động mọi nguồn lực để xây dựng mạng lưới giao thông ngày một hoàn thiện. Từ năm 2017 đến nay, toàn thị xã đã nhựa hóa và bê tông hóa gần 45 km đường nội thị với tổng kinh phí hơn 220 tỷ đồng; nhựa hóa và bê tông hóa 76 km đường thôn, buôn, tổ dân phố với tổng kinh phí gần 300 tỷ đồng.
Hạ tầng đô thị Buôn Hồ đang ngày càng được đầu tư phát triển đồng bộ. Ảnh: Hoàng Gia |
Đơn cử như ở tuyến đường Lạc Long Quân (phường An Bình) trước đây bề ngang chỉ rộng 5 m, lại là đường đất gây nhiều khó khăn cho việc đi lại của người dân. Cuối năm 2019, khi được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để bê tông hóa và mở rộng đường lên 9 m ai cũng đồng tình, hưởng ứng. 63 hộ dân sinh sống hai bên đường đã tham gia đóng góp trên 300 triệu đồng (dân đóng góp 15% kinh phí, Nhà nước hỗ trợ 85%); các hộ sinh sống dọc hai bên tuyến đường đã tự nguyện mỗi bên lùi vào 2 m để mở rộng con đường.
Tại một số tuyến đường, người dân còn đóng góp cùng Nhà nước lát gạch vỉa hè để tạo bộ mặt khang trang, sạch đẹp cho đường phố. Tiêu biểu như ở tuyến đường Phạm Văn Đồng (phường An Lạc), người dân đã đóng góp 270 triệu đồng cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước (tổng kinh phí thực hiện gần 600 triệu đồng) lát gạch vỉa hè với chiều dài 384 m.
Theo thống kê của UBND thị xã Buôn Hồ, đến nay thị xã có 80% đường thị xã được quy hoạch đường cấp IV miền núi, 60% đường xã được quy hoạch đường cấp V miền núi, trên 80,8% các tuyến đường liên thôn, buôn, tổ dân phố được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; trên 70,2% đường đô thị được nhựa hóa; gần 80,9% đường liên thôn, buôn, tổ dân phố được nhựa hóa. Ngoài ra, từ ngân sách nhà nước và kinh phí đóng góp trong nhân dân, thị xã đã xây dựng mới hơn 10.000 m2 vỉa hè với tổng kinh phí khoảng 5 tỷ đồng…
Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân
Theo ông Phạm Phú Lộc, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã, từ sau ngày thành lập, thị xã Buôn Hồ đã từng bước khắc phục khó khăn, phát huy các tiềm năng, lợi thế, đạt được kết quả khá toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội, đảm
Từ năm 2017 đến nay, UBND tỉnh đã quyết định chủ trương 11 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 4.908 tỷ đồng vào địa bàn thị xã Buôn Hồ. Ngoài ra, thị xã đã chi ngân sách 31,6 tỷ đồng, huy động nhân dân đóng góp trên 27 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng đô thị trên địa bàn thị xã. |
bảo quốc phòng an ninh, củng cố hệ thống chính trị, xây dựng và phát triển đô thị.
Qua gần 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 8/12/2017 của Tỉnh ủy về tiếp tục xây dựng và phát triển thị xã Buôn Hồ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, đến nay thị xã Buôn Hồ đã “thay da đổi thịt” với diện mạo mới khang trang hơn; đời sống của người dân được nâng cao, nếp sống văn minh dần hiện hữu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cùng với phát triển kinh tế, thị xã chú trọng xây dựng môi trường sống theo hướng xanh - sạch - đẹp. Đơn cử như việc cung cấp nước sạch, ngoài Nhà máy cấp nước do tổ chức JICA và Cơ quan Hợp tác quốc tế KOICA – Hàn Quốc tài trợ cấp nước cho dân cư đô thị, thì từ nguồn vốn đầu tư của tỉnh, trên địa bàn thị xã cũng có 2 công trình cấp nước tập trung tại xã Ea Drông và xã Ea Siên được xây dựng và đưa vào vận hành đáp ứng nhu cầu cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở hai địa phương này. Việc đầu tư hệ thống cấp nước không chỉ cung cấp nước sạch đảm bảo vệ sinh, làm giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số mà còn làm cho cuộc sống người dân dần ổn định, thêm vững tin vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Một góc khu đô thị Đông Nam Buôn Hồ. |
Đến nay, tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%, tỷ lệ cấp nước sinh hoạt cho dân cư đô thị cũng ước đạt 97%... Bà H'Uan Niê (buôn Klat C, xã Ea Drông) phấn khởi bày tỏ: “Vào tháng 8 vừa qua, sau khi được hỗ trợ xây dựng nhà ở, gia đình tôi đã được kết nối đường ống để sử dụng nguồn nước sạch từ công trình cấp nước tập trung. Có nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt, gia đình cũng bớt đi nỗi lo việc sử dụng nguồn nước không bảo đảm vệ sinh môi trường như trước đây”.
Để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo không gian đô thị xanh – sạch – đẹp, các cấp chính quyền trên địa bàn thị xã đã tập trung triển khai trồng cây xanh trên các tuyến đường đô thị, công trình công cộng, đền thờ liệt sĩ, di tích lịch sử…. Trong vòng 5 năm trở lại đây, toàn thị xã đã trồng mới khoảng 15.000 cây xanh từ nguồn vốn ngân sách và huy động xã hội hóa.
Thị xã Buôn Hồ có lợi thế về vị trí địa lý, có Quốc lộ 14 đi qua trung tâm thị xã tạo thuận lợi cho việc giao thương, kết nối với các địa phương. Với sự nỗ lực, tăng cường các hình thức kêu gọi và xúc tiến đầu tư của thị xã, nhiều công trình, dự án được đầu tư xây dựng góp phần tích cực trong hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thị xã, từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đô thị loại III, sớm trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội tại tiểu vùng phía Bắc của tỉnh.
Nguồn: Phát triển hạ tầng - nâng tầm đô thị (kỳ 1)
Kỳ 2: Trên hành trình đến đô thị loại III